Chính sách vượt trội của Phú Yên

TPO - Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam công bố kết quả thực hiện chỉ số thu hút đoàn làm phim. Tỉnh Phú Yên dẫn đầu cả nước ở bộ chỉ số thu hút đoàn làm phim (PAI). Danh sách Top 10 còn có nhiều địa phương hấp dẫn như TPHCM, Đà Nẵng, Ninh Bình.

Chính sách vượt trội của Phú Yên

TS. Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam(VFDA) - cho biết Phú Yên chứng tỏ sức hút ở vị trí dẫn đầu về chỉ số PAI. Kết quả được công bố tại diễn đàn Chỉ số thu hút đoàn làm phim và Môi trường sản xuất phim tại Việt Nam do VFDA phối hợp UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức ngày 11/12.

Phú Yên - nổi tiếng với bối cảnh phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - dẫn đầu bảng xếp hạng nhờ những cải tiến vượt bậc trong chính sách hỗ trợ và cơ sở hạ tầng phục vụ các đoàn làm phim. Ngày xưa có một chuyện tình chuyển thể từ truyện Nguyễn Nhật Ánh vừa ra mắt có bối cảnh chính tại Phú Yên.

TS. Ngô Phương Lan đánh giá bộ chỉ số PAI giúp các nhà làm phim tiếp cận với thông tin của các địa phương đầy đủ hơn. Ảnh: Anh Vũ.

Ông Đào Mỹ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - nhắc lại câu chuyện đoàn phim Ngày xưa có một chuyện tình quay tại Phú Yên. Khi phim công chiếu, người dân hào hứng tới kín rạp. Từ diễn viên quần chúng tới lãnh đạo các địa phương có bối cảnh làm phim đều phấn khích.

Từng khảo sát nhiều địa phương, cuối cùng Phú Yên chinh phục nhà sản xuất Ngày xưa có một chuyện tình. Ông Trinh Hoan - Giám đốc Công ty HK - cho rằng bối cảnh phù hợp với bộ phim rất quan trọng, tuy nhiên sau khi công chiếu Ngày xưa có một chuyện tình, ông nhiệt tình giới thiệu cho đoàn làm phim Kính vạn hoa.

“Phú Yên sẽ hoàn thiện hơn về năng lực để bộ chỉ số PAI đầy đủ nhất, phù hợp với yêu cầu của nhà làm phim. Khi đoàn làm phim tới địa phương, lãnh đạo tỉnh xác định đây là chuyện của địa phương, cho nên chỉ đạo xuyên suốt từ tỉnh tới cấp xã phải phối hợp, tạo điều kiện cho đoàn làm phim quay phim suôn sẻ”, ông Đào Mỹ nói.

Từ Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đến Ngày xưa có một chuyện tình, Phú Yên giữ nguyên sức hút với các nhà làm phim.

Top 10 địa phương thu hút các đoàn làm phim theo đánh giá của bộ chỉ số PAI còn có Nghệ An, Đà Nẵng, TPHCM, Thừa Thiên - Huế, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Tuyên Quang, Ninh Bình, Quảng Ninh.

Lãnh đạo Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam hy vọng bộ chỉ số giúp các địa phương ngày càng hoàn thiện hơn về cơ chế, chính sách thu hút các nhà làm phim quốc tế và trong nước.

Không chỉ nghĩ tới lợi ích trước mắt

Các chuyên gia đánh giá bộ chỉ số PAI là cầu nối giữa chính quyền địa phương và ngành công nghiệp điện ảnh. Bằng cách đưa ra đánh giá dựa trên chỉ số PAI, chính quyền địa phương gửi lời mời các đoàn sản xuất phim chọn địa điểm Việt Nam làm bối cảnh.

Các đoàn phim cũng dễ dàng đánh giá tiềm năng, cơ hội hợp tác với các địa phương dựa trên mức độ hỗ trợ của các địa phương đối với ngành điện ảnh và du lịch thông qua các chỉ số tài chính, thông tin, thực địa, pháp lý và hạ tầng.

Ông Jared Doughety - Phó Chủ tịch, Giám đốc phụ trách chính sách công và đối ngoại hãng phim Sony Picture - cho rằng Việt Nam nên cân nhắc xem hỗ trợ nhà sản xuất phim như một dạng đầu tư. Ảnh: Anh Vũ.

Trong phiên thảo luận chuyên đề Đối thoại để định hướng tương lai ngành điện ảnh, các đại biểu làm rõ tiềm năng và đề xuất giải pháp để thúc đẩy môi trường làm phim ở Việt Nam.

Ông Tống Quang Thìn - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Ninh Bình - cho biết trong 12 lĩnh vực của công nghiệp văn hóa, tỉnh Ninh Bình xác định điện ảnh là một trong những ngành trọng tâm, tạo ra động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. “Tỉnh Ninh Bình đã chủ động tham gia, tổ chức các hoạt động nhằm quảng bá điểm đến du lịch, tiềm năng bối cảnh quay phim, thu hút các hãng phim quốc tế đến với Ninh Bình”, ông Thìn nói.

Ông Jared Doughety - Phó Chủ tịch, Giám đốc phụ trách chính sách công và đối ngoại hãng phim Sony Picture - đánh giá bộ chỉ số giúp các nhà làm phim thế giới biết đến sự sẵn sàng của các địa phương ở Việt Nam.

Có dịp tìm hiểu thêm về Ninh Bình, ông Jared Doughety mong muốn phát triển dự án làm phim ở đây.

“Tôi nghĩ rằng tiền vẫn là yếu tố quan trọng nhất để nhà sản xuất quyết định quay một bộ phim. Tôi hy vọng các địa phương cân nhắc lợi ích trực tiếp và gián tiếp (nhà hàng, khách sạn, thu hút du lịch...) để thu hút và hỗ trợ nhà làm phim quốc tế. Có lẽ Việt Nam nên tiếp cận theo hướng hỗ trợ nhà sản xuất như một dạng đầu tư”, ông Jared Doughety.

Dịp này, Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam ra mắt nền tảng trực tuyến Vietnamfilmproduction.vn, là công cụ hỗ trợ toàn diện cho các đoàn làm phim, cung cấp thông tin chi tiết về bối cảnh quay phim, chính sách hỗ trợ và các quy trình pháp lý tại các địa phương.