Chính sách visa mới cho phép du học sinh ở Úc lâu hơn

Chính sách visa mới cho phép du học sinh ở Úc lâu hơn
TPO - Theo bà Nguyễn Trung Hà - Giám đốc Chi nhánh IDP Education (Việt Nam) tại Hà Nội – đơn vị đại diện cho hơn 600 cơ sở giáo dục và đào tạo của Úc - chính sách visa mới (Chính phủ Úc thông qua ngày 22 - 9) cho phép sinh viên ở lại làm việc lâu hơn (từ hai đến bốn năm).

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, bà Hà cho biết: Tất cả sinh viên hoàn thành các khoá học cử nhân (ít nhất hai năm) hay thạc sĩ tín chỉ tại Australia có quyền xin loại visa này để ở lại làm việc tại Úc trong hai năm. Sinh viên tốt nghiệp thạc sĩ nghiên cứu được ở lại ba năm và nghiên cứu sinh tiến sĩ được ở lại bốn năm.

Chính sách visa này có gì mới, thưa bà?

Bà Nguyễn Trung Hà: So với hiện tại, chính sách visa sinh viên mới được Chính phủ Úc thông qua ngày 22 – 9 – 2011 có một số điểm mới đáng chú ý sau:

- Những sinh viên học các chương trình từ cấp đại học trở lên (gồm cả chương trình dự bị và chuyển tiếp đại học) được xét visa theo cấp độ một (cấp độ này chỉ dành cho bậc sau đại học về nghiên cứu theo luật visa hiện hành). Điều đó có nghĩa, thời gian xét sẽ nhanh hơn và yêu cầu về chứng minh tài chính dễ dàng hơn.

- Bỏ giai đoạn tiền visa (Pre-visa Assessment) đối với các loại visa học tiếng Anh, học nghề và những khoá học không chứng chỉ, đồng nghĩa với việc thời gian được cấp visa cho những đối tượng này cũng nhanh hơn.

- Giảm yêu cầu về tiền gửi tiết kiệm cho các loại visa học tiếng Anh, nghề và các khoá không chứng chỉ xuống dưới 36.000 đô la Úc, tương đương khoảng 18 tháng chi phí học tập.

Qui định cũ yêu cầu số tiền phải có trong tiết kiệm hoặc tài khoản cá nhân tương đương 24 tháng chi phí học tập (khoảng 60 – 70.000 đô la Úc).

- Visa sẽ được cấp hoàn toàn dựa vào những giấy tờ nộp trong hồ sơ xin visa. Đương đơn sẽ không phải qua phỏng vấn. Hiện tại, văn phòng visa có thể yêu cầu đương đơn tham gia phỏng vấn trước khi quyết định hồ sơ xin visa có hay không được chấp nhận.

- Xem xét giảm mức tính chi phí sinh hoạt tại Úc (mức qui định hiện tại là 18.000 đô la Úc/năm).

- Visa có thể được cấp trước ngày học bốn tháng. Qui định hiện tại chỉ cho phép cấp visa trước tối đa hai tháng.

- Nghiên cứu sinh sẽ được cấp visa có thời hạn đến khi có kết quả chấm điểm đề cương nghiên cứu. Qui định hiện tại chỉ cho phép sinh viên được ở lại thêm một đến ba tháng, sau khi khoá học kết thúc.

- Đặc biệt, tất cả sinh viên học các khoá từ bậc đại học trở lên có thể ở lại Úc làm việc từ hai đến bốn năm tuỳ chương trinh học. Luật cũ cũng cho phép sinh viên ở lại làm việc 18 tháng với điều kiện ngành nghề sẽ làm có trong danh sách những ngành nghề được ưu tiên.

Khi nào loại visa này được áp dụng?

Chính sách về “Visa làm việc cho sinh viên sau tốt nghiệp” áp dụng cho những sinh viên nộp hồ sơ xin visa sau khi “Những qui định dành cho người nhập cảnh tạm thời đúng mục đích” (Genuine Temporary Entrant Requirement) được ban hành vào cuối năm 2011, dự kiến vào tháng 11 - 2011.

Như vậy, nếu sinh viên hoàn tất khoá học cử nhân theo qui định ít nhất hai năm tại Úc thì loại visa này sẽ bắt đầu được cấp vào đầu năm 2013.

Điều kiện, yêu cầu của loại “visa làm việc” này?

Sinh viên phải hoàn thành các khoá học từ bậc cử nhân trở lên (bao gồm cả các khoá học trọn gói từ bậc dự bị đại học và chuyển tiếp đại học) của một trường đại học tại Úc.

Ngoài ra, sinh viên phải đáp ứng về trình độ Anh ngữ, sức khoẻ, tinh cách và an ninh, cũng như khả năng duy trì bảo hiểm y tế trong suốt thời gian visa được cấp.

Trình độ Anh ngữ mà loại visa này yêu cầu là IELTS 6.0 (không có điểm kỹ năng nào dưới 6.0).

Sinh viên không học các chương trinh đại học trở lên có thể xin loại visa làm việc mới?

Không. Luật mới chỉ áp dụng cho sinh viên tốt nghiệp các khoá đại học và trên đại học. Những sinh viên không thuộc diện này vẫn có thể tiếp tục xin các loại visa làm việc mà chính phủ Úc đã cam kết trong giai đoạn chuyển giao đến cuối năm 2012.

Các đối tượng khác vẫn có thể xin loại visa 485. Đây là loại visa tạm thời, cho phép người xin ở lại làm việc tại Úc trong 18 tháng.

Sinh viên muốn xin loại visa 485 phải đáp ứng những tiêu chí, trong đó:

Vừa mới hoàn thành các chương trinh học ít nhất hai năm tại Úc; Đã nhận được đánh giá tay nghề thuộc những nghề được liệt kê trong danh sách ngành, nghề ưu tiên (SOL); Đáp ứng yêu cầu tiếng Anh (IELTS 6.0 cho tất cả các kỹ năng); Dưới 50 tuổi.

Bà Nguyễn Trung Hà
Bà Nguyễn Trung Hà.

Liệu thay đổi này có ảnh hưởng đến những sinh viên đang có visa?

Không. Việc tăng thời gian ở lại làm việc chỉ áp dụng cho sinh viên mới, những người xin loại visa 573 (đại học, sau đại học tín chỉ) hoặc 574 (nghiên cứu sinh) thông qua đề xuất “Những qui định dành cho người nhập cảnh tạm thời đúng mục đích”, dự định bắt đầu vào tháng 11 - 2011.

Những sinh viên đang học tại Úc vẫn tiếp tục có thể xin “Visa làm việc tạm thời cho sinh viên sau tốt nghiệp” (loại visa 485) trước khi luật mới có hiệu lực.

Xin cảm ơn bà!

Ngọc Quý

Những bước xin visa du học Úc hiện nay

1. Nộp hồ sơ xin thư nhập học.

2. Thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ (IELTS) hoặc làm bài kiểm tra tiếng Anh của trường để được chấp nhận học thẳng hoặc học thêm một khoá tiếng Anh nếu điểm IELTS hoặc điểm kiểm tra tiếng Anh không đáp ứng yêu cầu của trường.

3. Chấp nhận thư mời của trường và nộp tiền học phí, bảo hiểm y tế để lấy Xác nhận học chính thức (eCOE).

4. Chuẩn bị những giấy tờ về bản thân và tài chính theo sự hướng dẫn của nhân viên tư vấn.

5. Nộp hồ sơ xin visa tại Trung tâm tiếp nhận hồ sơ xin thị thực (văn phòng Di dân quốc tế IOM tại Hà Nội hoặc thành phố HCM).

6. Khám sức khoẻ tại một trong những phòng khám do Bộ Di trú Úc chỉ định .

7. Đặt nhà ở và đưa đón sân bay (thông qua các văn phòng của IDP).

8. Lấy visa và tham gia vào chương trinh hướng dẫn trước khi lên đường tại một trong các văn phòng của IDP tại Việt Nam.

Theo các chuyên gia của IDP Education (Việt Nam) tại Hà Nội, muốn thành công khi xin visa du học Úc, các bạn sinh viên nên chú ý:

- Chuẩn bị đầy đù các loại giấy tờ theo sự hướng dẫn của nhân viên tư vấn.

- Toàn bộ giấy tờ phải nộp bản gốc hoặc bản có công chứng (một số giấy tờ bắt buộc phải nộp cả bản sao và bản chính để văn phòng visa đối chứng. Ví dụ: sổ tiết kiệm).

- Kiểm tra tính chính xác của những thông tin trên thư mời, giấy xác nhận học chính thức và các giấy tờ tài chính khác trước khi nộp.

- Lập kế hoạch nộp visa sớm để tránh vội vàng và có thời gian nộp giấy tờ bổ sung nếu được văn phòng visa yêu cầu.

- Cung cấp thông tin trung thực và nhất quán. Lưu ý: Văn phòng visa có quyền từ chối nếu phát hiện bất kỳ thông tin nào không trung thực hoặc thiếu tính nhất quán.

- Ghi rõ điện thoại và địa chỉ email liên lạc của bản thân và của người bảo lãnh tài chính trong hồ sơ xin visa, phòng trường hợp Văn phòng visa cần liên hệ gấp với bạn hoặc người bảo lãnh tài chính của bạn.

- Trong trường hợp bạn có những hoàn cảnh đặc biệt cần nêu rõ trong thư trinh bày nguyện vọng nộp cùng hồ sơ visa.

- Lưu mã số hồ sơ xin visa và đề cập đến mã số này khi bạn cần liên lạc với văn phòng visa để hỏi về tiến trình hoặc kết quả của hồ sơ xin visa.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.