Chính sách hỗ trợ khó đến với người nghèo

Chính sách hỗ trợ khó đến với người nghèo
TP - Những năm qua, Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân, người dân tộc thiểu số để giúp họ thoát nghèo nhưng khi triển khai thực tế, các chính sách khó đến với người nghèo.

> Người nghèo được giảm tiền đóng bảo hiểm
> Nhiều chính sách mới hỗ trợ người nghèo

Thêm nghèo

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) công bố đã hoàn thành chỉ tiêu mua lúa tạm trữ quy đổi 1 triệu tấn gạo. Bắt đầu từ hôm 20/2, Chính phủ hỗ trợ lãi suất bằng không cho các doanh nghiệp vay mua tạm trữ, hy vọng tiêu thụ hết lúa đông xuân với giá cao để nông dân bớt nghèo. Thực tế, giá lúa không tăng như kỳ vọng. Đặc biệt, năm nay lúa thơm jasmine lại mất giá hơn lúa thường.

Sáng 2/4, bà Vũ Thị Truyền làm 2,3 ha lúa jasmine ở Tổ hợp tác Đồng Vạn, ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An (Vĩnh Thạnh, Cần Thơ) cho PV Tiền Phong biết, lúa của bà làm theo tiêu chuẩn VietGAP được trợ giá 500đồng/kg nên bán 5.300đồng/kg (lúa tươi); còn bình thường chỉ bán được 4.700 - 4.800đồng/kg.

“Năm nay giá lúa thấp hơn vụ đông xuân năm ngoái 1.000đồng/kg trong lúc giá các loại vật tư đầu vào đều tăng, nên nông dân chúng tôi thêm nghèo”, giọng bà Truyền buồn bã.

Đang có “lời qua tiếng lại” giữa doanh nghiệp xuất khẩu và nông dân. Trước đây, doanh nghiệp trách nông dân làm nhiều lúa IR50404 thì bây giờ, trách nông dân làm nhiều lúa thơm jasmine.

Ông nông dân Nguyễn Văn Nam ở thị trấn Thạnh An, phản bác, làm lúa thơm là theo khuyến cáo của doanh nghiệp và ngành NN-PTNT, nông dân không thể không trồng lúa nên nói kiểu nào thì đều phải nắm dao đằng lưỡi trong giao dịch với doanh nghiệp.

Tỉnh có sản lượng lúa cao nhất nước là Kiên Giang, Sở Công thương cho biết, vụ đông xuân này còn khoảng 600.000 tấn lúa chất lượng cao (lúa thơm, hạt dài) chưa tiêu thụ được.

Báo cáo của Bộ NN- PTNT, quý I/2013, xuất khẩu gạo Việt Nam gần 1,4 triệu tấn, trị giá trên 616 triệu USD; so với cùng kỳ năm trước, tăng hơn 34% về lượng nhưng giảm gần 6% về giá trị.

Nhiều số không

Sáng 2/4, TP Cần Thơ tổng kết việc thực hiện quyết định số 74 ngày 9/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng ĐBSCL.

 Nếu quy tụ được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư và liên kết với nông dân phát triển mô hình “cánh đồng mẫu lớn” thì không cần phải mua tạm trữ như lâu nay .

GĐ Sở NN-PTNT Long An Lê Minh Đức

Có 6 nội dung hỗ trợ cụ thể, nhưng báo cáo cho kết quả nhiều con số không. Cả 9 quận, huyện ở TP Cần Thơ không hỗ trợ được đất sản xuất cho một hộ nào, không hỗ trợ xuất khẩu lao động được người nào.

Về đào tạo nghề, có 56% quận, huyện không đào tạo được người nào; về đất ở, có 33% quận, huyện không hỗ trợ được hộ nào. Nhu cầu thì rất lớn, khảo sát năm 2009, có 782 hộ cần hỗ trợ đất sản xuất, 584 hộ cần hỗ trợ đất ở, 2.582 lao động cần đào tạo nghề.

PGĐ Sở KH-ĐT TP Cần Thơ Lê Dương Cẩm Thuý thừa nhận, giá đất ở và đất sản xuất tại địa phương cao hơn từ 3 đến 6 lần nguồn vốn được hỗ trợ nên không thực hiện được.

Ông Trần Văn Sáng, Phó phòng Văn xã của Sở KH-ĐT TP Cần Thơ, giải thích thêm với PV Tiền Phong: “Về đất sản xuất, tối thiểu mỗi hộ phải có 0,15 ha, chính sách hỗ trợ chỉ 22 triệu đồng trong khi giá thị trường 100 triệu đồng. Cho nên, điều tra giữa năm 2009, có 782 hộ cần đất sản xuất nhưng đến cuối năm 2010, đối chiếu thực tế với chính sách thì chỉ có thể hỗ trợ 77 hộ. Kết quả đến nay là con số không”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.