Bao phủ BHYT phát triển bền vững
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, đến nay, các địa phương từ cấp tỉnh đến cấp xã đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHYT, trong đó chủ tịch UBND các cấp trực tiếp làm trưởng ban chỉ đạo. Ban chỉ đạo còn sự tham gia của các cấp ngành. Hầu hết người dân, các doanh nghiệp đều thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách BHYT và xác định việc tham gia BHYT vừa là quyền lợi, nghĩa vụ, góp phần tăng trưởng bền vững độ bao phủ BHYT.
Tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng dần qua các năm, tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân. Năm 2008, toàn quốc có 39,7 triệu người tham gia BHYT, bao phủ hơn 46% dân số. Đến năm 2015, con số bao phủ đã đạt gần 75% dân số. Đến hết năm 2023, tỷ lệ này đã đạt hơn 93,3% dân số (tương ứng với 93,6 triệu người tham gia BHYT).
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - Nguyễn Thế Mạnh thăm hỏi, tặng quà bệnh nhân BHYT được chi trả chi phí lớn |
Đặc biệt, trong giai đoạn 2022 đến nay, dù có nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19, nhưng diện bao phủ BHYT vẫn tăng hằng năm. Hầu hết các nhóm người thu nhập thấp, người nghèo, người yếu thế trong xã hội đã được tham gia BHYT, được ngân sách và các nguồn khác để hỗ trợ đóng BHYT.
Có được kết quả trên, sự vào cuộc của cấp đại phương giữ một vai trò đặc biệt quan trọng. Mới nhất, HĐND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Nghị quyết 80/2024/NQ-HĐND ngày 10/7/2024, quy định mức hỗ trợ đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, ngoài mức hỗ trợ người tham gia BHYT từ ngân sách trung ương, tỉnh Gia Lai còn chi ngân sách địa phương để hỗ trợ đóng BHYT thêm.
Cụ thể, Gia Lai hỗ trợ thêm 30% mức đóng BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số; Hỗ trợ 10% mức đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình làm nông - lâm - ngư nghiệp có mức sống trung bình; Hỗ trợ thêm 20% mức đóng BHYT cho người dân tộc thiểu số không phải là học sinh, sinh viên đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Chất lượng khám chữa bệnh BHYT ngày càng nâng cao
Hệ thống cơ sở y tế ngày càng được mở rộng, đi liền chất lượng dịch vụ y tế được nâng cao, chuyên sâu, mang lại lợi ích thiết thực cho người tham gia BHYT. Hiện, cả nước có gần 13.000 cơ sở khám chữa bệnh (KCB) BHYT. Hệ thống KCB BHYT được tổ chức từ trung ương đến địa phương, gồm cả các cơ sở công lập và ngoài công lập đã giúp người dân thuận lợi trong tiếp cận, sử dụng các dịch vụ KCB BHYT.
Số lượt người có thẻ BHYT đi KCB tăng qua từng năm. Trong 15 năm qua đã có trên 2,1 tỷ lượt người KCB BHYT. Năm 2023, cả nước có trên 174 triệu lượt KCB BHYT (tăng gần 2 lần so với năm 2009).
Y tế cơ sở (gồm tuyến huyện và tuyến xã) chiếm 95% số cơ sở KCB BHYT. Giai đoạn 2018 - 2023, số lượt KCB tại tuyến y tế cơ sở chiếm gần 75% tổng số lượt KCB BHYT. Số chi KCB BHYT tại tuyến này chiếm khoảng 34% tổng số chi quỹ BHYT.
Điển hình như Điện Biên, sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 38-CT/TW ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) về Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới, tỉnh Điện Biên đã đạt nhiều kết quả tích cực. Toàn tỉnh Điện Biên hiện có 139 cơ sở y tế ký hợp đồng KCB BHYT. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong KCB BHYT được tập trung thực hiện, đảm bảo minh bạch, tiết kiệm thời gian cho người dân.
Số lượt người đi KCB BHYT đều tăng qua các năm. Nếu như năm 2009, toàn tỉnh thực hiện KCB cho hơn 636.600 lượt người với số tiền quỹ BHYT chi trả hơn 75 tỷ đồng, đến hết năm 2023 đã tăng lên hơn 751.800 lượt người với số tiền quỹ BHYT chi trả trên 531 tỷ đồng. Công tác phát triển người tham gia BHYT tại Điện Biên tăng qua các năm. Tính hết năm 2023, số người tham gia BHYT toàn tỉnh hơn 618.700 người, bao phủ 96% dân số.
Chính sách BHYT ra đời thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước hướng tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Theo đó, các quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển BHYT toàn dân được thể chế hóa và đi vào đời sống, hệ thống pháp luật về BHYT được thường xuyên sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, thống nhất phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế xã hội.