Chính quyền Trump gạt đề xuất đưa tàu tuần tra trở lại biển Đông

Tên hành trình tên lửa dẫn đường USS Chancellorsville trên eo biển Luzon ảnh: New York Times
Tên hành trình tên lửa dẫn đường USS Chancellorsville trên eo biển Luzon ảnh: New York Times
TPO - 6 tuần trước, Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đề xuất đưa một tàu chiến vào vùng 12 hải lý quanh Scarborough – một bãi cạn trên biển Đông nằm gần Philippines mà Trung Quốc cũng đòi chủ quyền.

Hải quân Mỹ có lý do để nghĩ rằng đề xuất này sẽ được chấp nhận. Trong lúc tranh cử, ông Donald Trump lên án tổng Tổng thống Barack Obama là yếu đuối trong việc bảo vệ vùng biển quốc tế ở biển Đông, nơi Bắc Kinh đang bồi đắp đảo, làm đường băng và vận chuyển trang thiết bị ra các bãi cạn và bãi san hô mà nước này đòi chủ quyền.

Trong phiên điều trần trước khi được bổ nhiệm, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson kêu gọi phải chặn không cho Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo. Giới chuyên gia về chính sách đối ngoại và châu Á vì thế kêu gọi Hải quân Mỹ khôi phục các chuyến tuần tra trên vùng biển mà Trung Quốc tự cho là họ có chủ quyền.

Tuy nhiên, đề xuất của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương và hai đề xuất khác của Hải quân Mỹ trình lên vào tháng 2 năm nay đã bị các quan chức Lầu Năm góc gạt bỏ trước khi chúng được đưa lên bàn của ông Trump.

Sau hơn 100 ngày ông Trump làm tổng thống, chưa có một tàu nào của Hải quân Mỹ đi vào khu vực 12 hải lý của bất kỳ cấu trúc tranh chấp nào trên biển Đông, các quan chức từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết.

Quyết định không thách thức các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc thể hiện sự khác biệt đáng kể trong cách ứng xử của hai chính quyền Mỹ, trong khi Tổng thống Trump đang ngày càng đồng thuận với Trung Quốc trong việc xử lý cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. Cho đến nay, chưa rõ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, Tướng Joseph F Dunford Jr, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng, hay các cấp phó đã bác bỏ ba đề xuất trên.

Các quan chức quốc phòng Mỹ nói rằng Nhà Trắng không liên quan. “Với những lời lẽ chúng ta đã thấy, cộng thêm thực tế là đảng Cộng hòa luôn chỉ trích ông Obama không thực hiện đủ nhiều các chuyến tuần tra tự do hàng hải hải, mọi người đều nghĩ rằng ông Trump sẽ sớm có bước đi mang tính đánh dấu. Nhưng điều đó vẫn chưa xảy ra”, báo New York Times dẫn lời ông Robert Daly, giám đốc Viện Kissinger về Trung Quốc và Mỹ thuộc  Trung tâm Wilson, nhận xét.

“Nịnh” Trung Quốc hơn

Những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên dường như đã thay đổi cách ứng xử trước đó của chính quyền Trump đối với Trung Quốc, ông Daly nhận định.

Trong lúc tranh cử, ông Trump tuyên bố sẽ cứng rắn với Bắc Kinh, sẽ coi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ và sẽ có biện pháp xử lý tình trạng thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Nhưng khi tình hình Triều Tiên căng lên trong 3 tháng qua, chính quyền Mỹ đang hành xử theo kiểu hòa giải hơn với Bắc Kinh.

Với mỗi vụ phóng tên lửa, cảm tình mới mẻ của ông Trump đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có vẻ lại tăng thêm.

Thứ 7 tuần trước, ông Trump viết trên Twitter rằng Triều Tiên đã “không tôn trọng những mong muốn của Trung Quốc và vị chủ tịch đáng kính (của Trung Quốc) khi họ phóng tên lửa trong hôm nay, dù không thành công. Thật tồi tệ!”

Quyết định bác bỏ đề xuất của Hải quân Mỹ về việc đưa tàu tuần tra vào vùng biển 12 hải lý quanh các đảo tranh chấp trên biển Đông xảy ra khá thường xuyên dưới thời Tổng thống Obama. Trên thực tế, ông Obama vấp phải chỉ trích dữ dội từ phe Cộng hòa vì không thực hiện các chuyến tuần tra như vậy trong hơn 2 năm Trung Quốc cải tạo, quân sự hóa biển Đông.

Tháng 10/2015, chính quyền Obama cử tàu khu trục tên lửa dẫn đường Lassen đi vào sát bãi Xu Bi, một trong những đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây dựng ở quần đảo Trường Sa. Lúc đó, Nhà Trắng cố gắng hạ thấp ý nghĩa của sự kiện và đã chỉ đạo các quan chức của Bộ Quốc phòng Mỹ không nói công khai về nó nhằm tránh đẩy tình hình leo thang.

Sự lưỡng lự đó bị ông Trump chỉ trích gay gắt trong lúc ông đang tranh cử. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo New York Times vào tháng 3/2016, ông Trump nói rằng Bắc Kinh đã xây trên biển Đông “một pháo đài quân sự, những thứ mà có lẽ thế giới chưa từng thấy”.

“Đáng ngạc nhiên là họ làm điều đó theo ý họ, họ không có sự tôn trọng nào đối với tổng thống của chúng ta và đất nước của chúng ta”, ông Trump nói trong cuộc phỏng vấn.

Còn ông Tillerson nói rằng chính quyền Trump “sẽ gửi đến Trung Quốc một tín hiệu rõ ràng rằng, trước hết việc xây đảo phải dừng lại” và “thứ hai, họ sẽ không được phép tiếp cận các đảo đó”.

Nhưng trên thực tế, Trung Quốc hiện nay vẫn tiếp tục quân sự hóa các đảo trên biển Đông, đã có các nhà chứa máy bay tránh bom cũng như đưa thêm nhiều thiết bị quân sự khác ra đó, ông Daly cho biết.

Trung Quốc chưa bắt đầu xây dựng trên Scarborough. Các quan chức Mỹ từ lâu nay coi việc này như một hành động vượt qua ranh giới đỏ và đã cảnh báo Trung Quốc rằng bất kỳ hành động xây dựng trên bãi cạn nằm gần Philippines này đều bị coi là hành động khiêu khích.

Trong một cuộc gặp vào tháng 3/2016, ông Obama cảnh báo ông Tập chớ xây dựng ở Scarborough. Cuối năm ngoái, một đội tàu đông bất thường của Trung Quốc được phát hiện đang hiện diện gần bãi cạn này, khiến Mỹ càng thêm lo ngại.

Một quan chức quốc phòng Mỹ cho rằng đề xuất của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương về việc thực hiện các chuyến tự do hàng hải trong vùng 12 hải lý quanh Scarborough là cách gửi tín hiệu đến Trung Quốc rằng Mỹ vẫn coi việc xây dựng ở đó là hành động vượt qua ranh giới đỏ.

Quan chức giấu tên này còn cho biết các tướng lĩnh Hải quân Mỹ tin rằng đề xuất của họ phù hợp với điều chính quyền Trump muốn. Nhưng các quan chức quốc phòng Mỹ cũng nói rằng Bộ trưởng Mattis và lãnh đạo Lầu Năm góc muốn xem xét kỹ lưỡng ý nghĩa chiến lược của hoạt động này trong tổng thể chính sách an ninh quốc gia.

Ông Mattis không phản đối thực hiện tuần tra tự do hàng hải nhưng đang đánh giá lại vai trò an ninh của Mỹ trên khắp thế giới, các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết.

Bên cạnh đó, việc Washington hy vọng Trung Quốc sẽ kiềm chế được Triều Tiên cũng ảnh hưởng đến thời gian khôi phục tuần tra tự do hàng hải. Ông Andrew L Oros, tác giả một cuốn sách mới xuất bản về sự phục hưng an ninh của Nhật Bản, cho rằng việc xử lý chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên hiện nay quan trọng hơn nhiều so với chọn một cuộc chiến khác thông qua các chuyến tuần tra hàng hải của Hải quân Mỹ.

“Trường hợp này rõ ràng như vậy”, ông Oros nói. Nhưng tác giả này cho rằng chính quyền Trump vẫn phải theo dõi sát các hoạt động của Trung Quốc và không được từ bỏ khu vực tranh chấp.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".