Công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI):

Chính quyền tiến bộ, DN vẫn sợ nhũng nhiễu

TP - PCI năm 2015 (công bố sáng 31/3) cho thấy những chỉ số như đăng ký doanh nghiệp (DN), tiếp cận thông tin, cải cách thủ tục hành chính... tại các địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, phí “bôi trơn” còn phổ biến, môi trường cạnh tranh chưa bình đẳng vẫn là trở ngại lớn cho DN.
Trung tâm hành chính Đà Nẵng tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đến làm thủ tục. Ảnh: Hoàng Anh.

Phí “bôi trơn” tăng

PCI 2015 là chỉ số do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) công bố thường niên trong 11 năm qua. Năm nay là năm thứ 3 liên tiếp PCI Đà Nẵng  trụ vững ngôi đầu (với 68,3 điểm) và là lần thứ 6 thành phố này dẫn đầu cả nước, kể từ khi PCI được công bố.

Đà Nẵng đã “ăn điểm” khi đưa trung tâm hành chính tập trung của thành phố vào hoạt động từ tháng 9/2014, tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc cho người dân. Tiếp đó, Đồng Tháp (66,3 điểm) và Quảng Ninh (65,7 điểm) là những tỉnh tiếp sau Đà Nẵng, với nhiều sáng kiến trong cải cách hành chính như: Tinh gọn bộ máy, công khai, minh bạch trong đánh giá và lựa chọn cán bộ. Trong nhóm có chất lượng điều hành rất tốt của PCI 2015 còn có hai tỉnh là Vĩnh Phúc và Lào Cai.

Trong khi đó, thủ đô Hà Nội, chỉ đứng ở vị trí 24, dù tăng 2 bậc so với PCI năm 2014. Theo nhóm nghiên cứu, Hà Nội đã có nhiều cải thiện, song vẫn xếp vị trí thấp nhất ở 2 chỉ số thành phần: Tiếp cận đất đai và gia nhập thị trường.

Theo điều tra, số DN cho biết phải dùng phí “bôi trơn” tăng qua các năm, từ 50% (2013), lên tới 64,5% (2014) và 66% (2015). Hơn 11% số DN tham gia điều tra cho biết, các khoản “bôi trơn” chiếm hơn 10% tổng doanh thu của họ, tăng nhẹ so với 2014 (10%). Mặt khác, 65% số DN cho rằng, họ gặp tình trạng nhũng nhiễu khi làm thủ tục.

Ngoài ra, nhiều DN than phiền “tỉnh ưu ái cho các tổng công ty, tập đoàn của Nhà nước, gây khó khăn cho DN”. Gần 49% số DN được điều tra cho rằng “tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn là phát triển khu vực tư nhân trong nước”.

DN càng lớn càng bị thanh tra “soi”

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, nói rằng PCI 2015 cũng chỉ ra, phần lớn DN nhỏ và vừa ở nước ta chỉ “ăn quẩn” thị trường nội địa, rất ít DN với ra thị trường nước ngoài. Các DN tương đối khó khăn trong tiếp cận nguồn lực, vốn, đất đai, cập nhật thông tin chính sách và pháp luật, chịu gánh nặng lớn về phí “bôi trơn”…

Theo ông Tuấn, qua điều tra cho thấy, hoạt động kinh doanh của DN nhỏ và vừa đang ảm đạm; DN càng nhỏ càng thua lỗ lớn. “Tới 75% số DN vẫn cho rằng, họ cần mối quan hệ để tiếp cận thông tin, thậm chí DN lớn tỷ lệ này còn lên gần 80%. Và 65% DN nhỏ phải dùng phí “bôi trơn” cho các hoạt động. Theo ông Tuấn, 54% DN siêu nhỏ và nhỏ còn phải coi “thỏa thuận về các khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế là công việc quan trọng trong kinh doanh”.

Trưởng ban Pháp chế VCCI cũng cho hay, một phát hiện trong PCI năm 2015, là DN càng lớn càng bị thanh tra, kiểm tra. Theo đó, trong năm gần nhất, 74% DN từng đón tiếp các đoàn thanh kiểm tra ở tất cả các lĩnh vực. Nếu các DN nhỏ và vừa thường phải tiếp đón 1-2 cuộc thanh kiểm tra trong năm, thì con số này ở DN quy mô lớn khoảng 3 cuộc. Trong đó, một phần ba trong các cuộc thanh, kiểm tra có quy mô trùng lặp.

Ngoài ra, khoảng một nửa số DN được hỏi cho rằng, các thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội, đất đai, hải quan, an toàn cháy nổ, lao động, bảo vệ môi trường và thanh toán qua kho bạc có tính phiền hà gia tăng theo quy mô của DN.

Ông Tuấn nói: “Ở Việt Nam đúng là khôn thì dựng trại, dại thì xây nhà. Đáng ra, DN lớn hơn có nhân lực, tiềm lực, kinh doanh bài bản hơn, mọi thứ phải tạo thuận lợi hơn. Nhưng ở Việt Nam có phần ngược chiều. Đây là động lực không lành mạnh với DN tư nhân; càng lớn càng thấy rõ tiêu cực nhiều hơn”.

Ngoài ra, qua khảo sát gần 1.600 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, cho thấy, môi trường kinh doanh vẫn còn kém hấp dẫn về chi phí không chính thức, gánh nặng quy định, chất lượng của cơ sở hạ tầng và dịch vụ công như y tế, giáo dục. Dẫu vậy, doanh nghiệp FDI cũng nhìn nhận, việc Việt Nam tích cực hơn so với các quốc gia khác về sự ổn định chính sách, mức độ rủi ro bị thu hồi tài sản thấp, khả năng tham gia của các DN nước ngoài vào hoạch định chính sách cao và mức thuê hợp lý.

10 địa phương đầu bảng

Đà Nẵng, Đồng Tháp, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Lào Cai, TPHCM, Thái Nguyên, Quảng Nam, Long An, Thanh Hóa.

10 tỉnh cuối bảng

Đắk Nông, Hà Giang, Lai Châu, Bắc Kạn, Cà Mau, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hưng Yên, Phú Yên, Bình Phước.