Tình hình Myanmar rơi vào hỗn loạn từ khi quân đội tiến hành cuộc đảo chính hồi đầu tháng 2, với nhiều y bác sĩ xuống đường biểu tình để phản đối quân đội, khiến nhiều bệnh viện thiếu người làm việc.
Lệnh bắt buộc người dân ở nhà cũng không thể giúp chặn đà lây lan của dịch bệnh. Các lò hoả táng đang hoạt động hết công suất và các tình nguyện viên đang làm công việc thu gom thi thể những người chết ở nhà.
Lãnh đạo quân đội Min Aung Hlaing vừa chỉ đạo tại “cuộc họp điều phối rằng phải tăng cường hợp tác với cộng đồng quốc tế”, và Myanmar nên đề nghị quỹ ứng phó khẩn cấp với COVID-19 của ASEAN hỗ trợ.
Những nỗ lực đang được tiến hành để thuyết phục ASEAN “và các nước bạn bè”, báo Global New Light of Myanmar viết, nhưng không cho biết chi tiết.
Myanmar báo cáo gần 5.000 ca mắc mới trong ngày 28/7, tăng khoảng 50% so với hồi đầu tháng 5. Nhưng các nhà phân tích cho rằng con số thực sự cao hơn rất nhiều.
Mới có khoảng 1,75 triệu trong tổng số 54 triệu dân Myanmar được tiêm vắc-xin, theo số liệu của Hội đồng chính quyền nhà nước.
Tuần trước, một lô vắc-xin Sinopharm do Trung Quốc tài trợ được đưa đến Myanmar, nhưng số vắc-xin này sẽ dành cho những người sống dọc biên giới hai nước.
Trung Quốc cũng cung cấp hơn 10.000 mũi tiêm cho một nhóm phiến quân hoạt động ở khu vực biên giới phía nam của Myanmar, vì Bắc Kinh muốn tránh một dòng người chưa được tiêm phòng từ nước bạn chạy sang.
Chính quyền quân đội Myanmar cho biết đã đặt mua 4 triệu liều vắc-xin từ Trung Quốc, và Bắc Kinh sẽ tặng thêm 2 triệu liều nữa.
Đầu năm nay, Ấn Độ chuyển cho Myanmar 1,5 triệu liều.