Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp vượt ‘bão’

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, sự phát triển, phồn vinh của thành phố không thể tách rời với sự phát triển của doanh nghiệp (DN) và khi đã đồng hành thì phải có trách nhiệm chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau; khi DN gặp trở ngại, khó khăn, Thành phố không bao giờ đứng ngoài cuộc.

Khó khăn ‘bủa vây’

Theo ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm TPHCM, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico), do ảnh hưởng của dịch COVID-19, có nhiều nguyên liệu, hóa chất cần nhập khẩu từ nước ngoài nhưng DN không thể nhập khẩu.

Có những nguyên liệu tăng giá từ 10, 20, thậm chí đến 30 lần, làm tăng chi phí đầu vào nhưng DN không thể tăng giá bán sản phẩm trong thời điểm dịch bệnh tác động đến thu nhập của người tiêu dùng, dẫn đến mất cân đối trong dòng tiền. “Dịch COVID-19 làm chi phí vệ sinh an toàn phòng dịch của DN tăng rất cao. Công ty của tôi trước kia chỉ sử dụng 150 kg hóa chất mỗi tháng thì hiện nay phải dùng đến 500 kg”, ông Hiến dẫn chứng.

Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op Trần Lâm Hồng cho biết việc vận chuyển hàng hóa của DN từ TPHCM xuống các tỉnh, thành đang gặp rất nhiều khó khăn do các quy định thiếu đồng bộ giữa các địa phương. Cụ thể, lái xe cần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 nhưng chỉ có hiệu lực tối đa trong 72 giờ nên gây rất nhiều khó khăn cho các DN.

Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp vượt ‘bão’ ảnh 1

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đến thăm công ty PouYuen (quận Bình Tân) và hướng dẫn các biện pháp an toàn phòng dịch sau khi có một công nhân mắc COVID-19

“Khó khăn lớn nhất là có các F đi vào siêu thị, cửa hàng mua sắm. Hiện nay Saigon Co.op đã đóng cửa 16 cửa hàng tại TPHCM. Hệ thống Saigon Co.op cả nước nguy cơ lớn. Chúng tôi đã xây dựng phương án, nếu một kho bị phong tỏa thì có những kho khác thay thế nhưng đề nghị cho phép DN có thời gian giải phóng hàng hóa khỏi kho bị phong tỏa”, ông Hồng kiến nghị.

Theo ông Chu Tuấn Cường, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhựa TPHCM, có nhiều DN nhựa nhập khẩu 100% nguyên liệu. Do nguồn cung từ nước ngoài bị đứt gãy nên DN cho công nhân nghỉ làm. Đến khi hết dịch, chuỗi cung ứng nguyên liệu được nối lại thì…không có người làm vì công nhân không thể chờ DN.

“Chúng tôi kiến nghị thành phố có cơ chế cho DN vay để trả lương tối thiểu cho công nhân nhằm giữ chân người lao động”, ông Cường đề nghị

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) Chu Tiến Dũng cho biết theo khảo sát mới nhất của HUBA thì có trên 84% DN nhỏ và vừa gặp khó khăn. Cụ thể, 40% DN thiếu vốn kinh doanh; 80% DN thị trường bị ảnh hưởng và thu hẹp; 52% DN phải cắt giảm lao động, 14% DN bị đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu và trên 50% DN bị cản trở hoạt động kinh doanh do biện pháp cách ly xã hội…

Không đứng ngoài cuộc

Chia sẻ với cộng đồng DN đang đối mặt với nhiều khó khăn trước làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4, giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai cho biết TPHCM đang đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành triển khai các chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó, TPHCM chính sách xem xét, hỗ trợ về tài chính đối với người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương và mất việc làm nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, lao động tự do mất việc…

Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp vượt ‘bão’ ảnh 2

Các công nhân công ty PouYuen phải đi cách ly tập trung do tiếp xúc trực tiếp (F1) với ca mắc COVID-19

Về tài chính, TPHCM sẽ kiến nghị Chính phủ xem xét giảm thuế VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021, xem xét kéo dài giảm tiền thuê đất đối với doanh nghiệp du lịch 2021; xem xét tiếp tục gia hạn giảm phí thẩm định hồ sơ cấp phép kinh doanh lữ hành và cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch đến hết năm 2021.

TPHCM cũng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nghiên cứu, đề xuất Chính phủ cho phép doanh nghiệp lữ hành được giảm 80% số tiền ký quỹ của doanh nghiệp trong 2 năm.

Theo giám đốc Sở Lao động thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Lê Minh Tấn, TPHCM có 42.500 công nhân bị ngưng hợp đồng, mất việc làm và đang được xem xét, hỗ trợ với mức 3 triệu đồng/người. Hơn 410 DN có nhu cầu vay tiền trả lương cho công nhân cũng đã được thành phố đồng ý cho vay trả lương với mức 4,25 triệu đồng/người/tháng.

Giám đốc Sở Công Thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết hàng đêm có khoảng 4.500 tấn hàng hóa từ các tỉnh đến TPHCM qua 3 chợ đầu mối. Khi nhận được thông tin về việc hạn chế lưu thông hàng hóa, TPHCM đã làm việc ngay với các tỉnh và cơ bản giải quyết ngay.

“Sở Công Thương thỏa thuận với Sở Giao thông Vận tải khi nhận được thông tin DN gặp khó khăn khi vận chuyển hàng hóa ở khu vực giãn cách xã hội thì phải giải quyết ngay. Những cửa hàng tạm ngưng do dịch bệnh, sau khi khử khuẩn, thay toàn bộ nhân viên sẽ được hoạt động lại để cung cấp hàng hóa cho người dân. Các DN có nhu cầu tiếp nhận chuyên gia, khi liên hệ với Sở Công thương, Sở LĐTB&XH sẽ được giải quyết ngay”, ông Vũ cho hay.

Phó Giám đốc phụ trách NHNN chi nhánh TPHCM Lê Hoàng Minh cho biết để hỗ trợ cho các DN, NHNN đã chỉ đạo các NH thương mại cơ cấu lại nợ nhiều khoản vay, miễn giảm tiền vay cho các DN gặp khó khăn, thiệt hại do COVID-19. Cuối năm nay, sẽ có khoảng 1 triệu tỷ đồng dư nợ được thụ hưởng cơ chế này.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, ngay khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát từ ngày 27/4, tại TPHCM xuất hiện các chuỗi lây nhiễm, trong đó nghiêm trọng nhất là tại điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng. Dù không mong muốn, TPHCM phải thực hiện giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 31/5. Với tình hình dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế TPHCM nói chung và cộng đồng DN nói riêng bị ảnh hưởng rất nặng nề.

Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp vượt ‘bão’ ảnh 3

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong

“Sự phát triển, phồn vinh của Thành phố không thể tách rời với sự phát triển của DN. Và, khi chúng ta đã đồng hành cùng nhau thì phải có trách nhiệm chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau. Khi DN gặp trở ngại, khó khăn, chắc chắn Thành phố không bao giờ đứng ngoài cuộc”, ông Phong khẳng định.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TPHCM có 1.365 DN báo cáo gặp khó khăn do dịch COVID-19, với hơn 42.500 công nhân mất việc hoặc ngừng việc. Có 2.274 DN hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 4,99% so với cùng kỳ); 9.308 DN tạm ngưng hoạt động (tăng 22,99% so với cùng kỳ)...

MỚI - NÓNG