Chính quyền đô thị: Tự quyết tài chính công, nhân sự

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo TPHCM về đề án thí điểm chính quyền đô thị ngày 17/2. Ảnh: Thanh Vũ
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo TPHCM về đề án thí điểm chính quyền đô thị ngày 17/2. Ảnh: Thanh Vũ
TP - Đó là kiến nghị của UBND TPHCM với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị thông qua dự thảo đề án thí điểm chính quyền đô thị diễn ra tại TPHCM ngày 17/2.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân kiến nghị Trung ương phân cấp cho thành phố thẩm quyền quản lý tài chính công, tổ chức nhân sự, ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật, xử lý vi phạm hành chính, quy hoạch…

Ngoài các khoản chi thường xuyên theo quy định hiện nay, TPHCM kiến nghị được quyền quy định định mức chi của thành phố phù hợp với nguồn thu và điều kiện giá cả ở thành phố.

Theo lý giải của ông Quân, việc phân cấp quản lý tài chính công không làm giảm sự đóng góp của địa phương đối với Trung ương, mà còn tạo điều kiện cho TPHCM đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách cả nước.

Cụ thể, việc phân cấp quyền quản lý tài chính công khuyến khích TPHCM tăng thu, tăng chi, có cơ chế tạo nguồn, nuôi dưỡng nguồn thu từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển.

“Việc tổ chức một chính quyền đô thị ở TPHCM là phù hợp xu thế phát triển chung. Sau hội nghị này, Chính phủ sẽ họp phiên cuối để hoàn chỉnh đề án này trước khi báo cáo Bộ Chính trị vào ngày 13/3 và trình Quốc hội xem xét”.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Về quản lý ngân sách, lãnh đạo TPHCM kiến nghị cần phân định rõ hai nội dung: ngân sách từ nguồn thu của địa phương và do Trung ương tài trợ. Đối với nguồn thu ngân sách địa phương, TPHCM kiến nghị cho phép ổn định trong khoảng 10 năm và việc phân bổ sẽ do HĐND thành phố quyết định.

“Việc thực hiện chi ngân sách của chính quyền thành phố sẽ tuân thủ các quy định chung về chế độ tài chính của quốc gia, bảo đảm sự thống nhất của ngành tài chính quốc gia và có sự kiểm tra giám sát của Chính phủ”, ông Quân nói.

UBND TPHCM kiến nghị triển khai đề án trên toàn thành phố thay vì thí điểm ở cấp quận, huyện. Đối với một số nội dung trong đề án không còn phù hợp với Hiến pháp sửa đổi năm 2013 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014), trong khi chờ sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới một số luật, để đảm bảo tiến độ, TPHCM kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết vào kỳ họp lần thứ 7 sắp tới.

Trước đây, TPHCM kiến nghị nơi nào có HĐND thì bộ máy hành chính gọi là UBND, không có HĐND thì gọi là ủy ban hành chính. Tuy nhiên, ở lần chỉnh sửa này, thành phố đề nghị thống nhất tên gọi UBND theo góp ý của Bộ Nội vụ.

Ngoài ra, vì 13 quận không tổ chức HĐND, TPHCM kiến nghị tăng số đại biểu HĐND TPHCM lên 200 người (hiện nay có 95 người), trong đó 35% là đại biểu chuyên trách, nhằm tăng cường dân chủ và vai trò giám sát của nhân dân.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, TPHCM là đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội của khu vực phía Nam và cả nước, vì thế cần có cơ chế riêng tạo điều kiện cho thành phố phát huy hết tiềm năng, nguồn lực.

MỚI - NÓNG