Chính quyền cắt đất công bán trái thẩm quyền, dân 'ngồi trên đống lửa'

0:00 / 0:00
0:00
Khu vực đất công được xây dựng thành một khu dân cư khang trang
Khu vực đất công được xây dựng thành một khu dân cư khang trang
TPO - UBND xã Tráng Liệt, nay là Thị trấn Kẻ Sặt (huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) tự ý cắt đất công bán khiến hàng chục gia đình có nguy cơ mất nhà vì mua phải đất bán trái thẩm quyền.

Từ năm 2014, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Hải Dương đã ban hành kết luận thanh tra những vấn đề đất đai liên quan tới xã Tráng Liệt (cũ), huyện Bình Giang và chỉ ra nhiều sai phạm.

Theo đó, UBND xã Tráng Liệt, nay là UBND thị trấn Kẻ Sặt đã buông lỏng quản lí đất đai trong nhiều năm. Các sai phạm có hệ thống, từ tập thể đến cá nhân và kéo dài nhiều nhiệm kỳ.

Đặc biệt, chính quyền không quản lý diện tích đất công ích thuộc quỹ đất nông nghiệp của xã; có dấu hiệu bao che cho các đối tượng vi phạm dẫn đến tình trạng lấn chiếm, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, san lấp, xây dựng nhà ở, nhà xưởng trái phép trên địa bàn xã diễn ra công khai, ngày càng nhiều, làm thất thoát đất công, khó khăn trong xử lý hậu quả của các cơ quan nhà nước.

Cụ thể với đất chưa sử dụng ven quốc lộ 38, tổng diện tích hơn 15.000m2 do UBND xã quản lý hiện bị lấn chiếm, ngang nhiên xây dựng nhà ở, nhà xưởng kiên cố nhưng UBND xã Tráng Liệt không có các biện pháp ngăn chặn.

Đối với đất hành lang giao thông, Đoàn thanh tra khảo sát 4 cơ sở sản xuất kinh doanh quanh Quốc lộ 38 thì cả 4 cơ sở đều công trình xây dựng vi phạm hành lang đường.

Đối với đất nông nghiệp, dự án khu dân cư mới xã Tráng Liệt ven Quốc lộ 38 bị chủ đầu tư san lấp 3.541m2 đất trồng lúa của người dân khi chưa thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, chưa được nhà nước giao đất.

Đối với đất chuyên dùng, tại vị trí đối diện UBND xã Tráng Liệt diện tích khoảng 1.500m2. Diện tích đất này là đất chuyên dùng khác (đất trường học, sân vận động) do UBND xã Tráng Liệt quản lý nhưng bị chia thành 13 thửa, trong đó 12 thửa đã xây kiên cố, 1 hộ đang xây dựng trong thời điểm thanh tra nhưng xã không có biện pháp ngăn chặn.

Thậm chí có khu đất rộng 35.000m2 nằm trong quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề Tráng Liệt cũng bị san lấp vào năm 2015 nhưng "chưa rõ đối tượng".

Đối với việc quản lý, sử dụng, cho thuê đất thuộc quỹ đất công ích, UBND xã đang quản lý 8,81 ha đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích, toàn bộ đang được UBND xã cho thuê khoán thầu. Tuy nhiên, UBND xã không lập sổ sách theo dõi, không thu tiền từ việc khoán thầu theo quy định.

Đoàn Thanh tra khẳng định có trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã Tráng Liệt và cán bộ Địa chính xã Tráng Liệt, cán bộ của huyện được giao theo dõi địa bàn đã nể nang, không cương quyết, dẫn đến tình trạng coi thường chỉ đạo của cấp trên...

Thanh tra Sở TN&MT kiến nghị Huyện ủy, UBND huyện Bình Giang xem xét có hình thức kỷ luật phù hợp với ông Quách Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Tráng Liệt do không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ theo quy định, không thực hiện các chỉ đạo xử lý vi phạm của UBND huyện Bình Giang, để xảy ra nhiều vi phạm về đất đai trên địa bàn.

Nhiều người dân 'ngồi trên đống lửa'

Sau 6 năm có kết luận thanh tra, các vi phạm về đất đai ở Thị trấn Kẻ Sặt vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, thậm chí còn phát sinh thêm nhiều vi phạm. Nhiều nhà xưởng vẫn tiếp tục mọc lên trên đất nông nghiệp, đất lưu không đê điều... nhưng không bị ngăn chặn, xử lý.

Hiện hàng chục người dân đã từng mua đất do UBND xã bán còn như “ngồi trên đống lửa” khi báo cáo mới đây của UBND xã khẳng định: “Toàn bộ các lô đất trên đều là đất công, đất trường học… không được cơ quan nhà nước giao, người dân tự sử dụng”.

Chính quyền cắt đất công bán trái thẩm quyền, dân 'ngồi trên đống lửa' ảnh 1

Người dân lo lắng trước nguy cơ mất nhà

Ông T (một người dân xin được giấu tên) cho biết, chục năm trước, UBND xã có chia lô đất rộng hơn 1.500m2 đối diện UBND xã thành hàng chục thửa và rao bán công khai với giá trị mỗi thửa khoảng 700 triệu đồng. Gia đình đã mua một lô đất diện tích 80m2 và đóng 700 triệu đồng cho xã. Đến khi hộ ông T xây nhà còn phải nộp 200.000 đồng phí môi trường xây dựng. Từ đó đến nay, ông T cùng gia đình đã xây nhà 4 tầng và sinh sống ổn định trên thửa đất này.

"Vừa qua người dân nhận được biên bản của UBND xã, trong đó nêu toàn bộ các lô đất trên đều là đất công, không được cơ quan nhà nước giao, người dân tự sử dụng. Khi được hỏi thì UBND xã chối bỏ trách nhiệm, giờ không biết phải làm thế nào?", ông T bức xúc.

Người dân cũng đưa ra hàng loạt phiếu thu có đóng dấu treo của UBND xã Tráng Liệt ghi: Tạm thu tiền mua đất tại sân trường THCS cũ xã Tráng Liệt, với số hàng trăm triệu đồng của mỗi hộ cho từng đợt thu lần 1, 2, 3. Cùng với đó, còn có các Giấy biên nhận gửi Chủ tịch UBND xã và Ban Tài chính xã Tráng Liệt, có đóng dấu treo của UBND xã Tráng Liệt.

Đáng chú ý, sau khi bán đất công, ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Tráng Liệt lúc bấy giờ đã cấp cho người dân giấy "Xác nhận quyền sử dụng đất" cho lô đất số 331, đường Âu Cơ, khu Hạ.

Ông Phạm Đỗ Lâm, Chủ tịch UBND Thị trấn Kẻ Sặt cho biết, đã tiếp nhận thông tin phản ánh về hàng loạt khu đất công nêu trên. Việc này huyện cũng đã có chỉ đạo thị trấn báo cáo bằng văn bản, UBND thị trấn đang thực hiện tổng hợp báo cáo lãnh đạo huyện. "Tôi là người mới đảm nhận ghế Chủ tịch UBND thị trấn, ngay cả cán bộ địa chính cũng là người mới nên nhiều việc chưa nắm bắt hết được", ông Lâm thông tin.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Chủ tịch UBND huyện Bình Giang Nguyễn Trung Kiên cho biết, huyện đã có chỉ đạo xã kiểm tra toàn bộ nội dung về việc quản lý, sử dụng đất công trên địa bàn Thị trấn Kẻ Sặt. Các nội dung về bán đất công, số tiền bán đất đi về đâu... sẽ được thông tin cụ thể đến cơ quan báo chí.

TS.LS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết, UBND xã không có thẩm quyền giao đất, bán đất. Đây là hành vi giao đất trái thẩm quyền, có dấu hiệu lạm quyền khi thi hành công vụ. Hành vi này diễn ra năm 2014 thì cán bộ sai phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.