Chinh phục nơi một con gà gáy ba nước đều nghe

0:00 / 0:00
0:00
TP - Việt Nam có hai ngã ba biên giới: Ngã ba Đông Dương (biên giới giữa Việt Nam- Lào- Campuchia) ở xã Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum và cột mốc số 0, ngã ba biên giới giữa Việt Nam - Lào - Trung Quốc ở A Pa Chải, tỉnh Điện Biên cũng chính là cực Tây của Tổ quốc, được mệnh danh là nơi một con gà gáy ba nước đều nghe. Nếu là người thích xê dịch và khám phá, đây là một điểm đến vô cùng thú vị.
Chinh phục nơi một con gà gáy ba nước đều nghe ảnh 1
Tự hào đến với cột mốc số 0 ở A Pa Chải

Khác với ba cực của Tổ quốc, để tới được cực Tây, bạn cần phải có một dũng khí với cái đầu lạnh vì đi lại xa xôi, vất vả, mặc dù gần đây tuyến tuần tra biên giới đã được tu sửa tốt lên rất nhiều.

Gian nan đường tới cột mốc số 0

Đường lên mốc giao điểm (cực Tây) có tổng chiều dài 8,9 km, gồm đường bê tông theo tiêu chuẩn đường tuần tra biên giới dài 4,36 km, đường đi bộ dài 3,6km, bậc lên mốc dài 0,94km với 29 chiếu nghỉ và 541 bậc.

Điểm cực Tây này cách đồn Biên phòng A Pa Chải hơn 5km theo đường chim bay, nhưng để đến được, phải đi xe máy và đi bộ theo đường mòn trong rừng hơn 10km và trên dưới 3 tiếng, nếu thời tiết tốt.

Đường tới A Pa Chải có nhiều đá sỏi khiến việc di chuyển khá khó khăn. Có những đoạn dốc dựng đứng, hay phải vượt qua những tảng đá to giữa đường đi. Nếu như trước đây, để leo lên cột mốc số 0, du khách phải xuyên qua rừng, rất dễ bị cỏ gianh sắc lẹm làm trầy xước da thịt, giờ đây chúng ta có thể đi xe máy thẳng tới chân để leo lên cột mốc.

Để đến được điểm cực Tây này, bạn cần phải vượt qua ít nhất 500km từ Hà Nội lên thành phố Điện Biên Phủ, rồi tiếp tục chặng đường núi gập ghềnh, quanh co thêm chừng 260km nữa mới vào đến xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, nơi có đường biên giới tiếp giáp giữa ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc. Từ đây, chúng ta tiếp tục xuôi theo con đường nhựa xuyên Mường Nhé là đến A Pa Chải. Tháng 3/2023 khi chúng tôi tới thành phố Điện Biên Phủ, sân bay Điện Biên đang được tu sửa và nâng cấp, do đó chặng bay từ Hà Nội lên Điện Biên Phủ chỉ chừng 1 tiếng đồng hồ sẽ thuận lợi nhiều hơn trước. Tuy nhiên, với những người yêu thích khám phá, đi lên Điện Biên Phủ bằng xe máy mới tận hưởng được tận cùng cảm xúc của cung đường như lên thác, xuống ghềnh.

Chinh phục nơi một con gà gáy ba nước đều nghe ảnh 2
Gian nan đường tới cực Tây của Tổ quốc. Ảnh: Hạnh Tin Tin

Sau khi đường tuần tra biên giới dần hình thành, chúng ta đã có thể di chuyển bằng xe máy tới rất gần điểm leo mốc số 0. Từ đồn 317 sẽ đi xe máy khoảng 9km để đến điểm bắt đầu leo bộ, nếu sức khỏe tốt chỉ mất khoảng hơn 1h đồng hồ để lên đến mốc, thời gian đi xuống còn nhanh hơn với chỉ khoảng 45 phút. Đoàn chúng tôi có người sức khỏe không tốt lắm, nên việc leo 541 bậc là một sự nỗ lực lớn, mặc dù khi leo đến nửa chừng, tôi thấy anh thở hổn hển, mặt tái mét. Nghĩ rằng anh sẽ bỏ cuộc, nhưng “vạch đích” sắp điểm, sao có thể bỏ cuộc được, anh đã hào hùng leo được lên cột mốc số 0 như các vận động viên marathon về đích.

A Pa Chải là một bản thuộc xã Sín Thầu huyện Mường Nhé tỉnh Điện Biên, Việt Nam. Trước đây bản A Pa Chải là bản ở cực Tây trên đất liền của miền Bắc Việt Nam. Tên “A Pa Chải” được dùng đặt cho tên đồn biên phòng và cho cửa khẩu A Pa Chải. Nằm ở phía Tây Bắc. Từ bản A Pa Chải đi khoảng 8km theo đường thẳng là đỉnh Khoan La San cao 1.864 m so với mực nước biển. Đây đồng thời cũng là điểm đặt cột mốc biên giới của 3 nước Việt Nam, Trung Quốc và Lào (cột mốc số 0).

Hiện nay, bản A Pa Chải đã tách ra và lập thành bản Tá Miếu thuộc xã Sín Thầu, và đây cũng là bản cực Tây thật sự ở miền Bắc Việt Nam. Tuy vậy tên gọi “Mốc ngã ba biên giới A Pa Chải” vẫn được lưu truyền trong các thông tin giới thiệu về cực Tây Việt Nam và là một trong những điểm du lịch hấp dẫn hiện nay.

Thiêng liêng và tự hào

Với sự dẫn đường nhiệt tình của chiến sỹ đồn biên phòng A Pa Chải, chúng tôi đã lên tới cột mốc số 0 nhanh chóng. Cả nhóm đều mặc áo cờ đỏ sao vàng, xúc động đứng chào cờ dưới cột mốc chủ quyền của Việt Nam. Rất may hôm đó chỉ có đoàn chúng tôi, chứ bình thường du khách Trung Quốc lên đây cũng rất đông.

Lưu ý, đây là giao điểm biên giới của ba nước, bước sang phải là sang địa phận Trung Quốc, bước sang trái là sang nước bạn Lào. Hiện nay, mới chỉ có Việt Nam và Trung Quốc xây đường lên cột mốc. Thế nên, mọi người khi đến chỉ nên đứng ở địa phận nước mình, vì chỉ cần vui vài bước chân là có thể bước sang nước bạn, vi phạm chủ quyền biên giới.

Đường tuần tra biên giới của Trung Quốc lắp rất nhiều camera và biên phòng Trung Quốc rất nghiêm khắc. Đã có một số du khách Việt Nam tò mò hoặc vô tình không biết, bước xuống đường lên cột mốc của phía Trung Quốc, bị biên phòng nước bạn bắt và giam giữ mấy ngày liền, rồi phải nộp phạt mới được trao trả về nước. Trong khi đó, một số du khách Trung Quốc cũng vui chân bước sang đường lên cột mốc của ta, nhưng các chiến sỹ biên phòng chỉ nhắc nhở họ quay về.

Chiến sỹ biên phòng đồn 317 tên Thái kể rằng, anh và các đồng đội thường xuyên tuần tra cả ngày lẫn đêm, có những lúc phải ở lại cột mốc vì mưa to, gió rét, nhưng các anh vẫn vững chắc tay súng để bảo vệ vùng đất biên cương của Tổ quốc.

Ngã ba biên giới được mệnh danh là nơi một con gà gáy ba nước đều nghe. Đoàn chúng tôi có con trai của nhạc sỹ Huy Trân, tác giả bài hát “ Gà gáy” dựa theo dân ca Cống Khao, anh đã mang theo cây đàn ghi-ta từ Hà Nội lên cột mốc số 0. Sau khi chào cờ trước cột mốc ba biên, anh đã cùng đoàn ngồi quây quần bên cột mốc số 0 và đàn hát bài “Gà gáy” của cha mình. Tôi nghĩ rằng, tiếng hát “Con gà gáy le té le te rồi ai ơi…” của anh vang vọng tới ba nước, nơi người dân Lào và Trung Quốc đều nghe được giai điệu dân ca truyền thống của Việt Nam.

Chinh phục nơi một con gà gáy ba nước đều nghe ảnh 3
Gian nan đường tới cực Tây của Tổ quốc. Ảnh: Hạnh Tin Tin

Lần đầu được đặt chân tới ngã ba biên giới, xúc động dạt dào, Nguyễn Hiếu, cựu phóng viên của đài truyền hình Hà Nội đã viết vài dòng mộc mạc để ghi lại cảm xúc của mình nơi đây: “Rừng xanh hun hút đường gập ghềnh/Không thể làm khó bước chân anh”.

Nguyễn Hiếu chia sẻ: “Với địa hình núi cao hiểm trở, sau khi đi xe máy tới chân cột mốc, rồi phải leo thêm 541 bậc mới tới cột mốc số 0, chúng tôi mới thấu hiểu sự vất vả của các chiến sỹ đồn biên phòng đang ngày đêm bảo vệ Tổ quốc, vùng đất A Pa Chải - cực Tây của Tổ quốc thân yêu”.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.