Chinh phục đỉnh cao y học

Trung úy Đào Thanh Quyên (bên trái) và thượng úy Trần Thị Thanh Huyền, khoa Sinh học phân tử, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 đang phân tích và thảo luận kết quả xét nghiệm chẩn đoán vi khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết. Ảnh: Nguyễn Minh.
Trung úy Đào Thanh Quyên (bên trái) và thượng úy Trần Thị Thanh Huyền, khoa Sinh học phân tử, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 đang phân tích và thảo luận kết quả xét nghiệm chẩn đoán vi khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết. Ảnh: Nguyễn Minh.
TP - “Phong trào nghiên cứu khoa học, sáng tạo trẻ ở Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 thực sự là vườn ươm tài năng, đáp ứng được đam mê, khát khao cống hiến của các nhà khoa học trẻ trong việc chinh phục những đỉnh cao khoa học ngành y”, đại tá Hà Minh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bệnh viện 108 nói.

Theo đại tá Hà Minh Tuấn, từ năm 2015 đến nay, đã có 75 đề tài nghiên cứu khoa học được giao cho thanh niên đảm nhiệm, trong đó có nhiều đề tài, kỹ thuật mới thiết thực được nghiên cứu. Hoạt động sáng tạo trẻ trong bệnh viện là tiền đề, cơ sở quan trọng để tuổi trẻ đơn vị tham gia hiệu quả hoạt động Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo (TTST) trong Quân đội.

Phục vụ cộng đồng

Khoa Sinh học phân tử của Bệnh viện 108 có nhiều chức năng, nhiệm vụ rất quan trọng, trong đó có việc chẩn đoán các mầm bệnh sinh học ở mức độ gien (gen). Để tối ưu hóa quá trình xét nghiệm nhiễm khuẩn huyết trên máu, nhóm nghiên cứu (gồm 3 kỹ sư trẻ: thiếu tá Ngô Tất Trung, trung úy Đào Thanh Quyên và thượng úy Trần Thị Thanh Huyền) đã bắt tay nghiên cứu đề tài “Cải tiến quy trình tách chiết DNA vi khuẩn trong máu làm tăng độ nhạy của Realtime PCR trong chẩn đoán mầm bệnh gây nhiễm khuẩn huyết” - giải Nhì giải thưởng TTST trong Quân đội lần thứ 17.

Theo trung úy Đào Thanh Quyên, tại Việt Nam, chưa có nhiều cơ sở y tế triển khai các xét nghiệm chẩn đoán mầm bệnh gây nhiễm khuẩn huyết bằng sinh học phân tử. Ngay tại miền Bắc, chỉ có một bệnh viện TƯ ứng dụng bộ Kit thương mại của Công ty Roche (CE-IVD Septifast) để chẩn đoán mầm bệnh với giá thành 4,6 triệu/lần xét nghiệm, lý do là Kit nhập ngoại chi phí quá cao.

“Chúng tôi bắt đầu nghiên cứu đề tài này từ năm 2012. Nhờ áp dụng bước loại bỏ DNA người vào chẩn đoán bệnh, chúng tôi đã nâng tỷ lệ dương tính của cấy khuẩn trước đây (ở mức 33%) lên mức 55% nếu kết hợp cấy khuẩn với kỹ thuật realtime PCR. Theo tính toán, giá thành sinh phẩm cho toàn bộ quy trình chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết sử dụng sinh phẩm của chúng tôi thấp hơn so với Kit thương mại”, trung úy Quyên nói.   

Được đưa vào chẩn đoán thường quy năm 2017, công trình hữu dụng này đã thực hiện trên 400 mẫu xét nghiệm, góp phần rút ngắn thời gian trả kết quả cho bệnh nhân (chỉ từ 4-5 giờ). Đặc biệt, đây là giải pháp loại bỏ đặc hiệu ADN người bằng dung môi MCLB1 lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam và Bệnh viện 108 chính là cơ sở đầu tiên và duy nhất tự triển khai được Realtime PCR trong phát hiện nhanh các mầm bệnh gây nhiễm khuẩn máu mà không cần thiết bị chuyên biệt với giá thành rất thấp. Nghiên cứu đã được hội đồng khoa học quốc tế công nhận và được đăng ký sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ.

Từ thành công của nghiên cứu này, với mong muốn cứu chữa hiệu quả nhất đối với người bệnh, nhóm nghiên cứu nỗ lực không ngừng để tiếp tục tìm ra được phương pháp mới chẩn đoán nhanh các mầm bệnh vi sinh với phương pháp phát hiện đơn giản nhất, có thể triển khai tại các cơ sở y tế tuyến dưới và tại các đơn vị thiếu cơ sở hạ tầng thiết bị y tế.

 Giảm độc hại phóng xạ

Cây sáng kiến trẻ nổi bật ở Trung tâm máy Gia tốc C30, đại úy, kỹ sư Hà Ngọc Khoán là chủ nhiệm đề tài “Kỹ thuật điều chế dược chất phóng xạ 18F-NaF cho PET/CT sử dụng module tự chế tạo”. Đề tài được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu gồm 3 thành viên đã giành giải Nhì giải thưởng TTST trong Quân đội lần thứ 17. 

Với nền tảng kiến thức của một kỹ sư chuyên ngành Điện tử - Y sinh được đào tạo ở Học viện Kỹ thuật Quân sự, đại úy Khoán trăn trở tìm ra những giải pháp tốt nhất để giảm thiểu tối đa độc hại cho cả người bệnh và nhân viên y tế khi tiếp xúc với phóng xạ trong quá trình chẩn đoán, điều trị bệnh cũng như hạn chế tình trạng bệnh nhân phải đợi thuốc điều trị ung thư.

Tiếp nối thành công của công trình trên, năm nay, đề tài “Nghiên cứu chế tạo thiết bị chia liều tự động dược chất phóng xạ 18F-FDG dùng cho PET/CT” do anh và 2 cộng sự thực hiện là một trong 7 công trình, sáng kiến tiêu biểu của tuổi trẻ bệnh viện được gửi đi tham gia Giải thưởng TTST trong Quân đội lần thứ 18.

Đại úy Khoán cho biết: Năm 2009, Trung tâm máy Gia tốc C30, Bệnh viện 108 đi vào hoạt động với mục đích sản xuất các đồng vị và dược chất phóng xạ phục vụ chẩn đoán sớm và điều trị các bệnh lý ung thư, tim mạch và thần kinh. Đi cùng với đó là hệ thống chia liều tự động sử dụng robot công nghiệp dùng để thực hiện các thao tác trực tiếp với nguồn phóng xạ một cách chính xác, an toàn. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, do các yếu tố khách quan về điện nguồn cung cấp và một số nguyên nhân khác, robot liên tục bị trục trặc, báo lỗi và không ổn định, buộc phải dừng sản xuất chờ chuyên gia khắc phục.

“Là đơn vị duy nhất cung cấp thuốc cho các bệnh viện lớn và các đơn vị trong khu vực miền Bắc nên trung tâm ngừng sản xuất ngày nào thì Hà Nội cũng như miền Bắc không có thuốc dùng cho bệnh nhân ngày đó. Bên cạnh đó, do đặc thù nguy hiểm khi tiếp xúc với phóng xạ, nên con người không thể làm trực tiếp thay robot được”, đại úy Khoán chia sẻ.

Để khắc phục những nhược điểm trên, thiết bị chia liều tự động của đại úy Khoán có một loạt ưu điểm như phần mềm điều khiển tiện dụng, đơn giản, tự động điều khiển từng bước trong quá trình chia liều; đảm bảo an toàn phóng xạ cho nhân viên y tế khi vận hành, giám sát qua màn hình máy tính trong suốt quá trình chia liều; giá thành rẻ hơn rất nhiều so với mua của nước ngoài. Với lợi thế là sản phẩm sáng tạo mới và chưa từng có tại Việt Nam, đảm bảo theo chỉ dẫn về tiêu chuẩn an toàn bức xạ của cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), công trình có thể đăng ký bản quyền và thương mại hóa sản phẩm...

Hội đồng Giải thưởng TTST cấp Bộ Quốc phòng vừa có phiên họp đánh giá kết quả triển khai ứng dụng vào thực tiễn các công trình, sáng kiến (CT, SK) đã được trao giải lần thứ 17, năm 2016 và thẩm định CT, SK tham dự Giải thưởng TTST trong Quân đội lần thứ 18, năm 2017.

Theo thượng tá Đinh Quốc Hùng, Trưởng ban Thanh niên Quân đội, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng giải thưởng, năm 2017, tổng số có 444 CT, SK của 790 tác giả, nhóm tác giả thuộc 35 đơn vị trực thuộc Quân uỷ T.Ư - Bộ Quốc phòng tham gia. Trong đó, có 412 CT, SK đủ điều kiện để các hội đồng chuyên ngành thẩm định, đánh giá và đề nghị trao giải.

MỚI - NÓNG