Sáng 8/4, Ủy ban Pháp luật tiến hành Phiên họp toàn thể lần thứ 21, thẩm tra dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, ưu tiên đề xuất các dự án vào chương trình nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; kịp thời thực hiện các kết luận của Bộ Chính trị về việc tổng kết thực hiện các nghị quyết về tư pháp, pháp luật; các yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội...
Đối với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Chính phủ đề nghị bổ sung 10 dự án, dự thảo (7 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết, 1 dự án pháp lệnh), lùi thời gian trình đối với dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Hội đồng Dân tộc đề nghị bổ sung dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Ủy ban Tư pháp đề nghị trình Quốc hội xác định cụ thể phạm vi điều chỉnh của dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng.
Tại Kỳ họp thứ tám, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp đối với dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Đối với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, đề nghị đưa 18 dự án luật vào chương trình. Trong đó, tại Kỳ họp thứ chín dự kiến thông qua 8 dự án luật (đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ tám) và cho ý kiến 10 dự án luật.
Tại Kỳ họp thứ mười, dự kiến thông qua 10 dự án luật và không có dự án luật trình cho ý kiến.
Các dự án luật được Chính phủ đề nghị đưa vào chương trình năm 2025 gồm: Luật Cấp, thoát nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Dẫn độ; Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; Luật Đường sắt (sửa đổi)...
Tán thành với đề nghị lùi thời gian trình đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của Chính phủ, song, các đại biểu đề nghị khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi toàn diện luật để đáp ứng yêu cầu quản lý, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Về dự án Luật Điện lực (sửa đổi), các ý kiến cơ bản nhất trí với đề nghị bổ sung dự án luật này vào chương trình năm 2024. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị chưa khẳng định ngay việc áp dụng quy trình xem xét, thông qua tại một kỳ họp mà vẫn theo quy trình tại hai kỳ họp, tức là trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ tám, thông qua tại Kỳ họp thứ chín.
Đồng thời, quy định rõ trường hợp dự án luật được chuẩn bị có chất lượng tốt, quá trình thảo luận tại Quốc hội đạt sự đồng thuận cao thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phối hợp với Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ tám theo quy trình tại một kỳ họp.
Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, các ý kiến tại phiên họp cơ bản thống nhất với nội dung và tiến độ các dự án luật được Chính phủ và các cơ quan đề nghị.
Để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và có đầy đủ cơ sở trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ và các cơ quan chủ động chuẩn bị các nội dung tiếp thu, làm rõ những vấn đề lớn, quan trọng được nêu tại phiên họp.