Phát biểu chỉ đạo tại buổi khai mạc Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2017 ngày 6/11 ở Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng: Thanh toán di động (mobile payment) đã đem lại cơ hội tiếp cận các dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, với chi phí phải chăng cho hàng trăm triệu người thu nhập thấp, giúp họ tham gia và có cơ hội hưởng lợi trực tiếp từ những thành quả của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Theo Phó Thủ tướng, tại Việt Nam, hàng loạt doanh nghiệp trong các lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, các công ty khởi nghiệp tài chính điện tử (Fintech) cũng bắt đầu cung cấp dịch vụ đến các vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp và tiếp cận với một số lượng lớn người lao động, bình thường vốn ít có điều kiện tiếp xúc với các dịch vụ tài chính truyền thống.
“Tôi tin tưởng rằng, thanh toán di động sẽ nhanh chóng bùng nổ và phổ cập ở Việt Nam như chúng ta đã làm được với điện thoại di động hơn 10 năm trước", ông nói.
Đây cũng là mục tiêu quan trọng của Chính phủ, mong muốnphổ cập thanh toán di động, góp phần đưa tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương diện thanh toán ở mức thấp hơn 10% vào năm 2020.
Phó Thủ tướng cho rằng: Thế giới ngày nay là thế giới của công nghệ và sáng tạo, một quốc gia đi sau như Việt Nam có thể có lợi thế hơn, nhưng với điều kiện là đi sau thì phải đi trước. "Chúng ta phải mạnh dạn đi những bước đầu tiên, đi trước, đi nhanh hơn với nền tảng Internet và điện thoại di động rộng khắp. Chỉ có đi trước thì mới thay đổi được thứ hạng. Đi trước là phải tạo ra môi trường cho cái mới. Chính phủ kiến tạo của chúng ta cam kết điều đó", Phó Thủ tướng nói.
Hiện nay, Việt Nam có 140 thuê bao di động/100 dân, gần 60 triệu thuê bao 3G, 4G với 99% số quận huyện trên toàn quốc đã được phủ sóng 4G. Số thuê bao di động băng rộng SmartPhone dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên 80 triệu vào năm 2020. Đây là điều kiện lý tưởng để thúc đẩy thanh toán di động, cũng như các dịch vụ tài chính và thương mại điện tử khác đến tất cả các vùng miền, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và tất cả các nhóm dân cư ở Việt Nam, thay đổi triệt để thói quen dùng tiền mặt như hiện tại.
Theo Phó thủ tướng, với một đất nước đang phát triển như Việt Nam thì nhanh và phổ cập là vô cùng quan trọng. "Nhanh để đất nước không bị tụt hậu, phổ cập để không ai bị bỏ lại phía sau. Một cộng đồng doanh nghiệp khát vọng và sáng tạo sẽ làm được điều này", ông nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó Chính phủ đã có nhiều quyết sách, đề án để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán di động nói riêng. "Chính phủ cam kết sẽ tạo thuận lợi và thúc đẩy xu hướng thanh toán di động tại Việt Nam", ông nói.
Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước, các Bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ hơn nữa để giải quyết những khó khăn, vướng mắc đang và sẽ phát sinh. Cộng đồng doanh nghiệp hợp tác cũng cần với nhau và với Chính phủ để cùng giải quyết các thách thức...
Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, trong thời gian qua, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã và đang không ngừng phát triển, đặc biệt có sự đột phá trong việc phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng lên của xã hội và thích ứng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tỷ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán tiếp tục có xu hướng giảm, từ 14,02% năm 2010 xuống còn 11,45% vào tháng 8/2017.
Ngân hàng Nhà nước cũng tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử; các giải pháp để tăng cường quản lý, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn và sự tin cậy đối với các hệ thống thanh toán theo các nguyên tắc giám sát quốc tế.
Bên cạnh đó, cơ quan này đã thành lập Ban Chỉ đạo về lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) để tham mưu, đề xuất hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hệ sinh thái trong lĩnh vực Fintech nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Fintech tại Việt Nam phát triển, phù hợp với chủ trương, định hướng của Chính phủ.
Tại Diễn đàn VEPF 2017 hôm nay, bên cạnh nội dung tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Thỏa thuận Hợp tác liên Bộ Tài chính - Công Thương - Ngân hàng Nhà nước và các kiến nghị tại VEPF 2016, Phó thống đốc kỳ vọng các bên liên quan sẽ có cơ hội bàn bạc, thảo luận, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm phát triển Mobile Payment trên thế giới. Đồng thời tại diễn đàn sẽ có những gợi ý lựa chọn, áp dụng mô hình phát triển hệ sinh thái Mobile Payment phù hợp với thực tế Việt Nam nhằm góp phần thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và Tài chính toàn diện (Financial Inclusion) tại Việt Nam theo định hướng của Chính phủ.