“Chuyện tôi “né” báo chí chỉ là tin đồn. Nhiều anh em các báo vẫn thường hay liên hệ, tôi vẫn gặp và dành thời gian chia sẻ. Nhưng điều quan trọng hơn là việc thông tin lên mặt báo phải như thế nào cho hiệu quả, vừa đảm bảo tuyên truyền phòng chống tội phạm vừa đảm bảo tính nhân văn trong các vụ án” – Trung tướng Đoàn Duy Khương mở đầu câu chuyện với phóng viên.
“Ta còn thì địch mất, địch còn thì ta mất”
“Tôi có may mắn được về công tác ở Công an Hà Nội, một đơn vị thời kỳ nào cũng Anh hùng. Anh hùng chống Pháp, Anh hùng chống Mỹ, Anh hùng thời kỳ đổi mới. Một tập thể giàu truyền thống, đoàn kết, thuận lợi lắm chứ. Ngày nhận nhiệm vụ Giám đốc, anh em cấp dưới cũng có hoang mang, kiểu như không biết sẽ thế nào. Tôi chỉ nói, anh em an tâm, trước hết phải giữ ổn định tổ chức…” – ông Khương kể lúc nhậm chức Giám đốc Công an Hà Nội năm 2016.
“Tôi về đây lúc là cán bộ của Bộ, trợ lý cho Bộ trưởng Trần Đại Quang. Tôi may mắn được đào tạo bài bản, trưởng thành từ cơ sở, từ công an huyện đi lên, rồi về Bộ công tác ở Cục Tham mưu… Trong quá trình công tác, tôi học được nhiều bài học, thắng có, thua có, đấy là những bài học”.
Trung tướng Đoàn Duy Khương
Bốn năm tại vị, tướng Khương vắn tắt vài dòng. Năm 2016 xảy ra biểu tình phản đối dự án Formosa, rồi bầu cử hội đồng nhân dân các cấp. Năm 2017, Hà Nội tung 500 quân vào Đà Nẵng phối hợp bảo vệ Hội nghị APEC, rồi Hà Nội diễn ra 4 cuộc gặp song phương… Năm 2018 lại nóng với các nhóm đối tượng lợi dụng tổ chức biểu tình gọi là phản đối các dự luật An ninh mạng, Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt…
“Lúc này, các thế lực thù địch coi đây như một cơ hội kích động, là cơ hội cho cuộc “cách mạng vàng”, trong đó Hà Nội là trọng điểm rồi đến TPHCM và các tỉnh, thành khác. Chúng kêu gọi toàn quốc xuống đường, kích động giới trẻ, nhất là học sinh, sinh viên. Nhiều cháu không nhận thức được nên cũng tham gia phản đối. Và thực tế là đã có 19 tỉnh, thành tổ chức biểu tình. Lúc này tôi cho rằng, ta còn thì địch mất, nếu địch còn thì ta mất. cho nên giải pháp của tôi là kiên quyết và khôn khéo. Sau 30 phút biểu tình bùng lên, Hà Nội đã xử lý gọn ghẽ. Còn năm 2019 thì các anh biết rồi, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều được bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trước bạn bè quốc tế” – ông Khương kể.
Bốn năm, chưa từng ngủ trước 2 giờ sáng
“Từ khi về Hà Nội, chưa đêm nào tôi được ngủ trước 2 giờ sáng. Có những đêm anh em gọi, trước khi xin ý kiến thì xin lỗi vì phá giấc ngủ của “sếp”. Tôi nói, giờ này anh em còn phải ở hiện trường, lý gì gọi điện xin chủ trương lại ngại” – tướng Khương nói.
Theo tướng Đoàn Duy Khương, những vụ cháy nhà chết người, thảm án nghiêm trọng, đặc biệt là liên quan sinh mạng cán bộ chiến sỹ… là ông phi đến hiện trường ngay. Một lần đi trong đêm như vậy, sức khỏe ông cũng suýt gặp nguy do căn bệnh tiểu đường, tụt huyết áp…
Một lần khác vào dịp gần cuối năm 2017. Cũng khoảng 2 giờ sáng, điện thoại tướng Khương đổ dồn. Nhấc máy, ông nhận hung tin 2 cán bộ chiến sỹ công an một phường thuộc quận Cầu Giấy khi truy đuổi đối tượng tình nghi đã va phải ô tô đi ngược chiều. Một chiến sỹ văng xa 7-8 mét, hi sinh tại chỗ, người còn lại trọng thương.
“Lúc đó, tôi chỉ mong trời mau sớm để khám nghiệm hiện trường, để xác định đây là hiện trường tai nạn hay do truy bắt tội phạm. Rồi kiểm tra trực ban, kiểm tra điện thoại anh em, yêu cầu lãnh đạo phường báo cáo. Mọi thứ rất khớp. Trên đường đi làm nhiệm vụ về, phát hiện đôi nam nữ khả nghi anh em đã gọi điện về báo cáo chỉ huy đồng ý cho phép truy đuổi… Đó là những căn cứ để đề nghị phong tặng liệt sỹ, để anh em an lòng nhắm mắt, gia đình vợ con cũng đỡ thiệt thòi’ – ông Khương nói.
“Nhiều người nghĩ công an là sướng, có quyền trong tay, các anh có biết có cán bộ sau giờ làm chạy xe ôm không?”. Ông Khương kể, hồi mới về Hà Nội, anh em nói chuyện đó ông cũng bất ngờ. Anh em bảo, cuối giờ sếp cứ ra đoạn dốc Đoàn Kết, tìm những xe máy có biển số như thế xem có đúng không?
Cũng theo ông Khương, còn nhiều trường hợp cán bộ chiến sỹ vô cùng khó khăn. Có nữ cảnh sát phải đi làm ô-sin ngoài giờ kiếm thêm tiền, hay cặp vợ chồng chiến sỹ trẻ phải thuê trọ trong những căn phòng tồi tàn, sống quanh “gái gú” nhà hàng, các đối tượng xã hội… Hỏi sao không tìm căn kha khá mà thuê, anh em nói biết khổ song không đủ tiền thuê. Thương lắm, xúc động lắm! Thân mang trọng trách Giám đốc Công an, ông Khương nói cũng có phần trách nhiệm khi đời sống một số anh em chiến sỹ còn cơ cực…
Ưu tiên con em cựu lãnh đạo, tại sao không?
Hỏi về công tác nhân sự trong thời gian làm Giám đốc, không ngần ngại, tướng Khương nêu 4 tiêu chí ưu tiên. Một là tại chỗ, 4-5 anh “sàn sàn” như nhau thì xem anh nào có nhiều thành tích, giải thưởng hơn, tại chỗ không có mới xét đến bên ngoài.
Thứ hai là ưu tiên nữ. “Người ta công việc cũng như anh, mà còn phải làm vợ, làm mẹ, làm nội trợ… Vậy mà người ta hoàn thành công việc tốt như anh nam giới, vậy người ta chắc chắn phải giỏi hơn anh. Chưa kể, trung ương cũng quy định tỉ lệ nữ trong cơ cấu cán bộ lãnh đạo…” – ông Khương bảo.
Thứ ba là tiêu chí trẻ. Nhiều anh vỗ ngực 30 năm thâm niên công tác, nhưng người ta chỉ có 10 năm mà làm bằng anh, vậy người ta phải hơn anh. Thứ tư là tiêu chí… con em các cựu lãnh đạo Công an TP Hà Nội.
“Tại sao lại ưu tiên con em các thế hệ lãnh đạo? Ta luôn nói tri ân các thế hệ lãnh đạo. Vậy tri ân thế nào? Người ta có truyền thống gia đình, có đóng góp cho Công an Hà Nội. Nhiệm vụ của anh là phải phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo để họ trưởng thành, kế thừa truyền thống gia đình. Đó là cách tri ân thật sự, chứ không phải nói suông” – tướng Khương nói.
Ông Khương kể, một năm, ở Công an quận nọ có trường hợp cần bổ sung một phó phường mà tại chỗ chưa có ai đủ điều kiện. Lãnh đạo quận tính luân chuyển đến… 7 vị trí để sắp xếp bổ nhiệm một phó phường. “Tôi gọi đồng chí Trưởng quận lên, bảo sao các anh loay hoay thế? Tại chỗ có không? Không có thì rà soát các phường, các đội khác. Cuối cùng, tìm ra ngay được một anh trẻ, trong quy hoạch, lại được giải đặc biệt toàn quốc cuộc thi cán bộ hộ tịch giỏi. Tôi bảo, phó phường của các anh đây chứ còn đâu?” – ông Khương kể.
“Chưa đời giám đốc nào ban hành mệnh lệnh nhiều như tôi. Đến giờ có tới 5 mệnh lệnh yêu cầu các lực lượng làm nhiệm vụ. Mệnh lệnh vượt lên trên cả kế hoạch và phương án, tính pháp lý cao, không chấp hành mệnh lệnh sẽ xử lý. Đó là một trong những giải pháp để xử lý”.
Trung tướng Đoàn Duy Khương
Vậy mà chưa thông. Tướng Khương tiếp lời, khi tổ chức cán bộ thông báo làm quy trình bổ nhiệm, cậu chiến sỹ kia hoảng hồn, nhờ lãnh đạo quận phản ánh lại là còn trẻ, thiếu kinh nghiệm, không dám nhận bổ nhiệm. “Tay này có… bình thường không? Vị trí nhiều người mong không được, lại từ chối?”. Cho anh em tế nhị tìm hiểu, ông Khương mới vỡ nhẽ cậu chiến sỹ kia sợ bị hiểu nhầm là “đi đêm”, “xin” chức với Giám đốc…
“Tôi cho gọi lãnh đạo quận và cậu này lên, nói đây là mệnh lệnh của Giám đốc, yêu cầu chấp hành, làm quy trình bổ nhiệm. Lúc đó mới giải tỏa được vấn đề. Và kết quả, anh này đang làm cán bộ lãnh đạo phường rất tốt” – ông Khương cười.
Tháng Bảy này, tướng Khương mãn nhiệm về hưu. Thoáng chút trầm ngâm chiều tháng Sáu khi vợi tuần trà, ông bảo, trong bài phát biểu chia tay anh em đồng chí sắp tới, ông xúc động viết thêm một câu, đại ý: Tôi xin gửi lời tri ân sâu sắc đến người Thầy, người Anh đã giúp tôi trưởng thành đến ngày hôm nay – cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang!