Chiêng Tha - Báu vật bí ẩn giữa đại ngàn

Chiêng Tha - Báu vật bí ẩn giữa đại ngàn
TPCN - Theo già làng A Lêm, cả làng còn chưa tới mười bộ chiêng Tha. Bộ cổ nhất còn giữ lại đã trên một trăm năm tuổi, bị rạn nứt, mòn vẹt và xuất hiện một số đoạn đứt gãy trên cạnh chiêng.
Chiêng Tha - Báu vật bí ẩn giữa đại ngàn ảnh 1
Già làng A Lêm (phải) và một nghệ nhân làng Đắk Mế đang gọi Tha (ảnh chụp cuối năm 1993, tại Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Kon Tum)     

Brâu là một trong những tộc người thiểu số có số dân ít nhất hiện nay ở Tây Nguyên cũng như Việt Nam.

Họ sinh sống tại làng Đắk Mế, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, giáp ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia.

Bộ chiêng của các dân tộc khác thường có đến hàng chục chiếc, trong khi chiêng Tha chỉ có hai: Jơliêng (Chiêng chồng) và Chuar (Chiêng vợ). Jơliêng có kích cỡ lớn hơn Chuar và cả hai đều không núm.

Chiêng Tha được coi là thần linh tối cao, là tổ tiên của người Brâu. Người Brâu không nói đánh chiêng như các dân tộc khác ở Tây Nguyên mà gọh Tha, tức mời Tha nói. Và đây là một trong những bí ẩn của chiêng Tha.

Nghi lễ để mời Tha nói rất khắt khe, phải dâng lễ vật và tất nhiên phải được phép của già làng. Trước tiên, chiêng được treo lên giá, dùi đánh chiêng cũng được treo lên sao cho khi đánh, đầu dùi chạm vào giữa lòng chiêng.

Chủ lễ (già làng) lấy tiết gà cắt tại chỗ xoa vào lòng chiêng với hàm ý cho chiêng ăn, sau đó hút một cần rượu đầu tiên tưới vào lòng chiêng- cho chiêng uống.

Khấn xong, chủ lễ kính cẩn, giõng dạc: Gọh Tha pơi (mời Tha nói). Lễ xong, hai người gọh Tha vào vị trí, ngồi đối diện nhau, tay nắm lấy dùi. Dùi đánh chiêng được phân làm hai loại: Garnó (dùi cái) có hình cổ ngỗng dùng để đánh vào mặt chiêng; Talôông (dùi đực) thon dài, dùng thúc vào lòng chiêng.

Người cầm Talôông cũng là người dùng đầu ngón chân để ngắt hoặc tạo sự “luyến láy” âm thanh.

Theo đánh giá ban đầu của một số nhà nghiên cứu, chiêng Tha là loại nhạc cụ rất cổ, cổ từ chất liệu, phương pháp chế tác đến hình thức sử dụng.

Tiết tấu của chiêng Tha rộn ràng, chuyển tải nhiều thông tin hơn mang tính nghệ thuật, và đó cũng là yếu tố quan trọng trong việc xác định sự cổ xưa của chiêng Tha.

Gặp A Lêm cuối năm 1993 khi ông cùng đội nghệ nhân của làng Đắk Mế đem bộ chiêng Tha cổ nhất, thuộc sở hữu của gia đình ông, đi tham dự Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Kon Tum. A Lêm bảo chiêng Tha là báu vật thiêng liêng của cả cộng đồng nên người lạ khó được tiếp xúc.

Và đây là lần thứ hai chiêng Tha được rời khỏi cộng đồng (lần đầu vào tháng 4/1992, đến tỉnh Đắk Lắk để tham gia Lễ hội cồng chiêng do Bộ Văn hóa thông tin tổ chức).

A Liêm còn kể trước đây lâu lắm rồi, một lần làng Đắk Mế bị cháy trụi, dân làng đã bảo tồn chiêng bằng cách chôn xuống đất. Đến nay, người Brâu vẫn còn thói quen cất giữ báu vật của mình theo cách này.

Nếu cứ theo cách này chiêng Tha sẽ mãi mãi mang theo bí ẩn của mình vào sâu trong lòng đất. Vào một ngày nọ, A Lêm quyết định đào đất lên, giữ chiêng trong nhà. Nhờ sự “nổi loạn” của ông mà chiêng Tha- di sản của di sản- còn được ngân vang giữa đại ngàn.

MỚI - NÓNG
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
TPO - Tại Kỳ họp thứ hai mươi (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Lai Châu khóa XV thông qua 13 nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tỉnh có Nghị quyết phê duyệt bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục năm 2024.