“Với mật độ dân số trên bán đảo Triều Tiên, một cuộc xung đột quân sự có thể ảnh hưởng tới 25 triệu người ở hai bên biên giới, bao gồm ít nhất 100.000 công dân Mỹ”, trích báo cáo dài 62 trang do Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ gửi tới các nhà lập pháp nước này hôm thứ Sáu, 27/10.
Báo cáo chỉ ra rằng xung đột trên bán đảo Triều Tiên có thể khiến 30.000 đến 300.000 người thiệt mạng trong những ngày đầu tiên ngay cả khi Triều Tiên “chỉ sử dụng bom đạn thông thường”. Bởi Bình Nhưỡng được cho là sở hữu những loại vũ khí có khả năng nã 10.000 viên đạn/phút, báo cáo nhấn mạnh.
Hơn nữa, xung đột có thể lan rộng nhanh chóng, lôi kéo lực lượng từ các nước láng giềng như Nga, Trung Quốc và Nhật Bản.
“Một cuộc chiến như vậy có thể liên quan đến việc huy động lực lượng quân sự Mỹ đến bán đảo Triều Tiên, làm gia tăng tỉ lệ thương vong của binh sĩ”, báo cáo viết. “Nếu Trung Quốc quyết định tham gia cuộc xung đột, tỉ lệ thương vong có thể tăng cao và có khả năng dẫn tới xung đột quân sự ngoài bán đảo.”
Tuy nhiên, báo cáo cũng cho rằng nguy cơ xảy ra chiến tranh thậm chí không nghiêm trọng bằng nguy cơ chính quyền Chủ tịch Kim Jong-un đạt được khả năng phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân chạm tới lãnh thổ Mỹ.
Áp lực hiện đang đè nặng lên chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, bởi giới tình báo và quân đội đều cho rằng Triều Tiên có khả năng sẽ làm chủ công nghệ sản xuất tên lửa đạn đạo trong năm 2018.
Một số nhà phân tích cho rằng quá trình đàm phán sẽ được đẩy mạnh và tăng tốc nếu cả Triều Tiên và Trung Quốc đều tin rằng Mỹ đang thực sự cân nhắc các biện pháp quân sự.
Trước đó, hồi tháng Tám, ông Steve Bannon – cựu chiến lược gia trưởng của Tổng thống Mỹ Donald Trump từng mạnh mẽ khẳng định “không có giải pháp quân sự nào đối với mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên”.
"Cho tới khi ai đó chỉ cho tôi cách để 10 triệu người Seoul vẫn sống sót trước những vũ khí thông thường của Triều Tiên trong 30 phút đầu tiên của cuộc chiến, thì tôi không biết bạn đang nói tới giải pháp quân sự nào. Không có giải pháp quân sự nào ở đây cả", Bannon nói.
Những phát biểu trên của Bannon đã đi ngược lại với phát ngôn của Tổng thống Trump – người từng nói rằng sẽ đáp trả Triều Tiên bằng "hỏa lực và thịnh nộ" khi Bình Nhưỡng tuyên bố đang có kế hoạch tấn công đảo Guam. Không lâu sau đó, Bannon bị ông Trump sa thải.
Trong động thái mới nhất, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và người đồng cấp Hàn Quốc Song Young-moo hôm nay 28/10 cùng ra tuyên bố, khẳng định sẽ không chấp nhận thêm bất cứ động thái khiêu khích nào từ Triều Tiên.
Ông Mattis cảnh báo chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên sẽ làm suy yếu, thay vì củng cố an ninh nước này.
Trước đó, các chính trị gia bảo thủ tại Hàn Quốc đã kêu gọi Mỹ đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật trở lại bán đảo Triều Tiên, nhưng cả Bộ trưởng Mattis và Bộ trưởng Song đều bác bỏ ý tưởng này.