Chiến lược phát triển Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đến năm 2030

Chiến lược phát triển Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đến năm 2030
Trải qua 23 năm xây dựng phát triển, trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã có những đóng góp vượt bậc cho sự phát triển sự nghiệp giáo dục nước nhà.

1.      Thành quả qua 23 năm xây dựng và phát triển

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được thành lập tháng 6/1996, do Giáo sư Trần Phương - Nguyên Ủy viên Trung ương ĐCSVN (Khóa IV và V), nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam làm Hiệu trưởng. Trường là cơ sở đào tạo đa ngành (27 ngành); đa cấp (Cao đẳng, Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ), đa hình thức (Chính quy, Liên thông, Vừa làm - vừa học, Trực tuyến). Trường xác định sứ mệnh của mình là đào tạo các nhà kinh tế thực hành, các nhà kỹ thuật - công nghệ thực hành; các bác sĩ, dược sĩ, cử nhân điều dưỡng giỏi Y thuật và giàu Y đức tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trường là một tổ chức hợp tác của những người lao động trí óc, tự nguyện góp sức, góp vốn để xây dựng và phát triển trường bền vững, vì mục đích đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, không vì mục đích lợi nhuận.

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là một trong số những trường đại học ngoài công lập có cơ sở đào tạo riêng, đầu tư nghiêm túc cho cơ sở vật chất, coi đó là một trong những điều kiện cơ bản để tạo dựng một trường đại học đúng nghĩa. Đây cũng là một trong những thế mạnh của trường so với các trường đại học ngoài công lập khác trên địa bàn Hà Nội nói riêng và toàn quốc nói chung.

Qua 23 năm hoạt động, Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã tiếp nhận 128.700 sinh viên, học viên, trong số đó có 1.000 sinh viên Lào và Campuchia, số đã tốt nghiệp là 100.636 (Cử nhân, kỹ sư, kiến trúc sư: 88.117 người; Thạc sĩ: 3.517 người; Tiến sĩ: 10 người). Hầu hết đều nhận được việc làm ngay sau khi ra trường, với mức lương tương đối cao.

Đội ngũ quản lý và giảng dạy cơ hữu của trường gồm 1.116 giảng viên cơ hữu, trong đó có 79 Giáo sư, Phó Giáo sư; 105 Tiến sĩ và 675 Thạc sĩ, luôn tâm huyết, tận tụy với nghề.

Trường có 03 cơ sở: Cơ sở I tại Vĩnh Tuy - Hà Nội; Cơ sở II tại Từ Sơn - Bắc Ninh; Cơ sở III tại Lương Sơn - Hòa Bình, cả ba được xây dựng trên diện tích 22 héc-ta và được trang bị hiện đại, thiết kế khoa học, rộng rãi, thân thiện, tạo nhiều hứng thú học tập và nghiên cứu. Diện tích phòng học là 41.731m2 x 2ha = 83.462m2, đủ đáp ứng cho 30.000 sinh viên Hệ chính quy học tại trường; Thư viện trường có 8.539 đầu sách, được trang bị 400 bộ máy tính để sinh viên truy cập mạng; Ký túc xá bảo đảm chỗ ở cho 2.000 sinh viên, hiện đang dành cho 1.000 sinh viên Lào và Campuchia; Sân vận động ngoài trời và nhà tập có mái che bảo đảm điều kiện cho sinh viên phát triển thể lực.

Chiến lược phát triển Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đến năm 2030 ảnh 1  

Trường được trang bị hơn 4.000 máy vi tính nối mạng Internet, bảo đảm cho mỗi sinh viên một máy khi học và thực hành. Có 274 máy chiếu (Projector) phục vụ giảng dạy bằng giáo án điện tử. 250 phòng học được lắp đặt thiết bị vân tay để bảo đảm kỷ luật lên lớp đúng giờ. Các khối nhà cao tầng đều được lưu thông bằng thang máy. Các ngành kỹ thuật - Công nghệ và Bảo vệ sức khỏe có đủ phòng thực hành, thực tập hoặc thí nghiệm.

Kể từ khi thành lập, lãnh đạo nhà trường luôn coi trong việc phát triển hợp tác quốc tế, coi đây là một trong những động lực chính tạo sự bứt phá trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của Trường. Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội luôn nỗ lực phát triển mối quan hệ với các tổ chức khoa học và giáo dục có uy tín trên thế giới, cũng như với các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài với mong muốn phát triển hợp tác lâu dài, tin cậy, đôi bên cùng có lợi. Trường luôn phấn đấu là một trong những trường đại học trong tốp đầu tại Việt Nam để phát triển hợp tác giáo dục, nghiên cứu khoa học với các trường đại học, học viện, trung tâm, viện nghiên cứu lớn trên thế giới.

Hàng năm trường đã tiếp đón 40 - 50 đoàn cán bộ, giảng viên từ nhiều nước sang trao đổi kinh nghiệm, bàn thảo kế hoạch hợp tác. Nhiều đoàn giảng viên và sinh viên từ các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Australia…

Hình thức hợp tác của Trường với các đối tác quốc tế rất đa dạng như hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, liên kết đào tạo quốc tế chương trình đại học và sau đại học, tổ chức hội thảo khoa học quốc tế, trao đổi sinh viên, giảng viên và cán bộ...

Dù đã có bước phát triển vượt bậc, góp phần quan trọng khẳng định uy tín, thương hiệu trong hệ thống giáo dục Việt Nam và quốc tế nhưng lãnh đạo nhà trường luôn ý thức và quyết tâm xây dựng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội trở thành một cơ sở đào tạo có vị thế vững chắc, tin cậy trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

2. Chiến lược phát triển Trường đến năm 2030

Với mục tiêu tiếp tục phát triển trường theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực với quy mô hợp lý để chuyển sang giai đoạn phát triển theo chiều sâu; cung cấp một môi trường học tập, nghiên cứu lành mạnh, tiên tiến, nâng cao kiến thức, phát triển kỹ năng, sáng tạo, bảo đảm cho người học khi tốt nghiệp đủ năng lực thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và môi trường hội nhập quốc tế; phát triển năng lực thực hành của người học, gắn kết đào tạo với thực tế sản xuất; nghiên cứu khoa học và công nghệ, tập trung theo hướng triển khai kết quả nghiên cứu ứng dụng ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống; cung cấp nguồn nhân lực có kiến thức thực tiễn, năng lực thực hành phù hợp với yêu cầu của địa phương, của ngành và nền kinh tế nói chung, tích cực phục vụ cộng đồng.

Chiến lược phát triển trong giai đoạn 2018 - 2022: Về quy mô đào tạo, trường duy trì và ổn định ở mức 25.000 sinh viên và học viên/năm. Trong đó, đại học chính quy chiếm khoảng 90%; sau đại học khoảng 5%; đại học liên thông, đại học tại chức, đại học từ xa khoảng 5%. Từ năm học 2019 - 2020 trở đi, trường triển khai đào tạo theo tín chỉ. Chương trình đào tạo được điều chỉnh sát chương trình khung với thời lượng tối thiểu theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đến năm 2020, có ít nhất 03 chương trình đào tạo đại học được kiểm định. Đồng thời, lựa chọn để mở thêm một số ngành đào tạo mới trong 05 năm tới, định hướng phát triển những ngành thuộc thế mạnh của trường.

Chiến lược phát triển Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đến năm 2030 ảnh 2  

Chiến lược về phát triển đào tạo trong giai đoạn 2022 - 2030: Phấn đấu trở thành một trường đại học phát triển có chiều sâu, chất lượng đào tạo được nâng cao, trở thành một trường đại hoc thuộc tốp đầu về chất lượng đào tạo trong số các trường đại học định hướng thực hành ở nước ta. Hằng năm có ít nhất 30% giảng viên cơ hữu thuộc các khoa chuyên ngành tham gia các hoạt động phối hợp giữa nhà trường với thực tế sản xuất, với các bệnh viện thực hành theo yêu cầu đào tạo của khối khoa học sức khỏe. Một số chương trình đào tạo của trường có sự tham gia của các chuyên gia, doanh nhân, cán bộ kỹ thuật có kinh nghiệm, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Phấn đấu có thêm 02 chương trình đào tạo đại học và 03 chương trình đào tạo Thạc sĩ được kiểm định. Phát triển đào tạo sau đại học của khối ngành sức khỏe bao gồm: đào tạo chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sĩ, dược học, đào tạo theo chứng chỉ chuyên khoa, nhất là các chuyên khoa cận lâm sàng.

Chiến lược phát triển các hoạt động nghiên cứu khoa học: Trước hết, Ban Giám hiệu nhà trường sẽ kiện toàn Hội đồng khoa học cấp trường, ban hành Quy chế nghiên cứu khoa học Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội; Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ giảng viên, khuyến khích và động viên mọi người tích cực nghiên cứu khoa học phục vụ đào tạo và cộng đồng, phấn đấu 100% giảng viên là Thạc sĩ trở lên tham gia nghiên cứu khoa học, có ít nhất 01 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí chuyên ngành/năm. Đối với giảng viên có trình độ Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ phải có công trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ, cấp Quốc gia và Quốc tế; Ra đời Tạp chí Kinh doanh và Công nghệ để đăng tải các công trình nghiên cứu của cán bộ, giảng viên, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh; Xây dựng cơ sở vật chất cho các hoạt động nghiên cứu và triển khai của trường.

Chiến lược phát triển hợp tác quốc tế về đào tạo: Mở rộng và phát triển các hoạt động hợp tác liên kết đào tạo với các trường đại học tiên tiến trong khu vực, Châu Á và thế giới; Thiết lập chương trình liên kết đào tạo thiết thực, có hiệu quả; Tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, nhất là với các quốc gia như Nga, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, có kế hoạch mời một số nhà khoa học nước ngoài, đặc biệt là các nhà khoa học gốc Việt thường xuyên giảng dạy, nghiên cứu tại trường; Tạo điều kiện cho các giảng viên của trường tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại nước ngoài; Mở rộng hoạt động trao đổi sinh viên, giảng viên với các trường nước ngoài, tiếp nhận sinh viên, học viên nước ngoài, nhằm gia tăng số lượng sinh viên nước ngoài học tập, nghiên cứu tại trường. Đồng thời, tổ chức cho sinh viên, học viên Việt Nam du học ở nước ngoài theo chương trình liên kết hợp tác đào tạo.

3.  Giải pháp để thực hiện những mục tiêu chiến lược của Trường

Trường sẽ kiện toàn Ban Giám hiệu, lãnh đạo các Phòng, Khoa, đơn vị trực thuộc theo hướng từng bước trẻ hóa, tinh gọn, có hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ được phân công; Duy trì, ổn định đội ngũ giảng viên cơ hữu theo quy mô đào tạo, phấn đấu tăng tỷ lệ giảng viên có trình độ Tiến sĩ; Nâng cao trình độ ngoại ngữ cho tất cả giảng viên, nhất là các giảng viên trẻ với mục tiêu: Giảng viên cơ hữu phải đạt chuẩn theo quy định; Xây dựng cơ chế, chính sách trình Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép trường xét phong hàm Giáo sư, Phó Giáo sư đối với giảng viên cơ hữu có trình độ Tiến sĩ, chọn lọc và đề nghị phong tặng Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo nhân dân… cho các nhà giáo của trường theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Nâng cao chất lượng cuộc sống của đội ngũ cán bộ giảng viên thông qua việc tạo công việc có thu nhập cao, cải thiện môi trường làm việc, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, tiền lương, thù lao… cho người lao động.

Trường tiếp tục nâng cao chất lượng các chương trình, giáo trình đào tạo và các tài liệu học tập, coi đây là những kiến thức cốt lõi, tạo điều kiện để giảng dạy theo tài liệu chính thống và tăng cường tính tự học, tự nghiên cứu của sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh; Nâng cao chất lượng câu hỏi thi, đề thi kết thúc học phần cho các môn học, tổ chức chặt chẽ các kỳ thi theo nguyên tắc: “Học thật, thi thật” với hệ thống quản lý có hiệu quả kết quả thi và kết quả học tập của sinh viên; Bảo đảm chất lượng giáo dục theo 25 tiêu chuẩn và 111 tiêu chí do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

Đồng thời, trường tiếp tục nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, giảng viên, khuyến khích và động viên mọi người tích cực nghiên cứu khoa học để nâng cao chất lượng đào tạo; Tranh thủ các dự án của các tổ chức trong và ngoài nước để tăng cường nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; Giao đề tài và xác định số giờ nghiên cứu hàng năm cho giảng viên. Hàng năm, trường dành một khoản kinh phí xứng đáng cho nghiên cứu khoa học (khoảng 2% tổng thu) để khuyến khích cán bộ, giảng viên nghiên cứu khoa học, hỗ trợ cho sinh viên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Trường xác định là đơn vị tự chủ về tài chính, đảm bảo cân đối thu chi, có tích lũy, có dự phòng rủi ro, chủ động giải quyết khi có khó khăn về tài chính, phấn đấu, đề ra các giải pháp để tăng thêm nguồn thu cho trường, quản lý hoạt động thu chi hiệu quả, hợp lý. Đối với 03 cơ sở của trường sử dụng theo hướng ổn định, có đầu tư nâng cấp và sử dụng có hiệu quả, đồng thời, đầu tư các phòng thực hành, thí nghiệm phục vụ đào tạo, nhất là đối với khối công nghệ và sức khỏe; Hoàn thiện Phòng khám bệnh đa khoa Phúc An tiến tới xây dựng bệnh viện thực hành của trường với quy mô phù hợp cho công tác đào tạo thực hành của khối sức khỏe và đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh phục vụ sức khỏe cộng đồng.

Trong những năm tới, trường đặt mục tiêu rõ ràng, đó là ổn định và tăng dần quy mô, phát triển ngành nghề, giữ vững các ngành nghề truyền thống. Mỗi năm, nhà trường dự kiến tăng quy mô tuyển sinh đại học chính quy khoảng 7 - 8%. Tuy nhiên, mục tiêu chính của nhà trường vẫn là nâng cao chất lượng đào tạo. Với các ngành khó tuyển và truyền thống, trường sẽ đào tạo theo hướng chất lượng cao, liên kết đào tạo bằng tiếng Anh để thu hút thí sinh.

Qua 23 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã đạt được nhiều thành tích và cũng trải qua nhiều biến động thăng trầm. Hội đồng quản trị, Ban Giám hiệu muốn mọi người thấy rằng đội ngũ cán bộ, giảng viên hiện nay luôn đoàn kết, biết đồng lòng, chung sức phấn đấu vì sự nghiệp chung, vì sự nghiệp “trồng người”, thấy một Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã từng bước lớn mạnh và trở thành một trường đại học uy tín, có đầy đủ điều kiện cho đào tạo một thế hệ tri thức chất lượng cao./.

                                                                                                TS. Đỗ Quế Lượng

                                                                                       Phó Hiệu trưởng thường trực

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.