Chiến lược mới: Chống dịch theo nguy cơ từng khu vực

0:00 / 0:00
0:00
Các địa phương cần đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin phòng COVID-19. Ảnh: Duy Phạm
Các địa phương cần đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin phòng COVID-19. Ảnh: Duy Phạm
TP - Vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện các ổ dịch COVID-19 trong cộng đồng và có khả năng bùng phát; ở một số địa phương, dịch đã nhiễm sâu trong cộng đồng, tương đương những nơi nhiễm nặng trên thế giới. Do đó, cần có những biện pháp chống dịch mới phù hợp diễn biến.

Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp ngày 9/9 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, chủ trì với Bộ Y tế, Bộ KH&CN, cùng các chuyên gia, nhà khoa học về các biện pháp chống dịch trong tình hình mới.

Các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất, trong chiến lược chống dịch chung của cả nước, vẫn cần phải có chiến lược riêng cho hai khu vực khác nhau theo nguy cơ dịch bệnh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, giãn cách vẫn là biện pháp cả thế giới đang áp dụng để ngăn chặn chuỗi lây nhiễm COVID-19, kể cả khi người dân đã tiêm đủ liều vắc-xin. Nhưng giãn cách phải thực chất, thực hiện nghiêm, đồng thời có chuẩn bị về nguồn nhân lực, thiết bị y tế và nguồn ôxy để điều trị cho người bệnh.

Tại cuộc họp, các chuyên gia đề cập việc huy động y tế tư nhân tham gia điều trị, chăm sóc bệnh nhân COVID-19. Họ cho rằng, nên áp dụng việc chi trả cho y tế tư nhân tương tự như cơ sở điều trị công lập; những chi phí khác phải dựa trên nguyên tắc minh bạch và sự tự nguyện của người dân.

Theo báo cáo của Bộ Y tế tại cuộc họp, trong số 23 địa phương đang thực hiện giãn cách, TPHCM đang trong giai đoạn cao điểm của chiến dịch xét nghiệm diện rộng toàn thành phố nên số ca mắc mới tiếp tục ghi nhận ở mức cao.

Các tỉnh, thành phố còn lại cơ bản vẫn ghi nhận số ca mắc mới trong cộng đồng hằng ngày tuy không cao…

Tại 40 tỉnh, thành phố còn lại, tình hình dịch cơ bản đang trong tầm kiểm soát, nhưng vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện các ổ dịch trong cộng đồng và có khả năng bùng phát. Do đó, các địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là. Các chuyên gia cho rằng, không có biện pháp chống dịch COVID-19 tách biệt, đơn lẻ. Những đợt dịch trước đây, Việt Nam đã chống dịch tốt.

Với diễn biến mới của dịch, Việt Nam vẫn cần các biện pháp phối hợp để duy trì thành công này. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nói: “Làn sóng dịch thứ tư với biến chủng Delta khiến số ca mắc tăng theo cấp số nhân, dẫn đến quá tải và số ca tử vong tăng cao. Đặc biệt, thấy rõ vấn đề về thiếu trang thiết bị y tế và vắc-xin”.

Các chuyên gia đề nghị có công cụ, bộ tiêu chí đánh giá mức độ lây nhiễm, từ đó, phòng tránh lây nhiễm và có biện pháp để giảm thiểu số ca tử vong. Với bộ tiêu chí này, chính quyền địa phương sẽ quyết định thắt chặt giãn cách hay nới lỏng.

Các chuyên gia cũng đặt vấn đề về việc áp dụng biện pháp phòng, chống dịch khác nhau giữa người đã tiêm đủ liều vắc-xin và người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều. Các nhà khoa học thẳng thắn cho rằng, có tình trạng lúng túng trong triển khai các biện pháp chống dịch COVID-19, thiếu thông tin định hướng tốt trên truyền thông…

Ứng phó phù hợp diễn biến mới

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên phát biểu, COVID-19 là bệnh truyền nhiễm mới nổi, như vậy phải vừa làm vừa nghiên cứu vừa tìm biện pháp ứng phó phù hợp với diễn biến dịch bệnh.

“Sau thời gian triển khai phòng, chống dịch COVID-19, chúng ta đã vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tiếp thu các ý kiến của nhân dân, các nhà khoa học, tham khảo các bài học quốc tế, từng bước hoàn thiện để chống dịch hiệu quả hơn. Kết quả vừa qua cho thấy, công tác phòng, chống dịch đang đi đúng hướng, phù hợp với diễn biến tình hình và điều kiện thực tế của Việt Nam.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, khó lường, vì vậy vẫn phải tiếp tục vừa làm vừa rút kinh nghiệm để bổ sung, hoàn thiện với tinh thần thực hiện quyết liệt và hiệu quả”, ông Tuyên nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, khi dịch diễn biến phức tạp và lây lan vào các khu công nghiệp tại Bắc Ninh và Bắc Giang, Ban Chỉ đạo Quốc gia đã có hướng thực hiện cách ly F1 tại nhà và hướng dẫn công nhân tự lấy mẫu xét nghiệm. Đến khi dịch tiếp tục diễn biến phức tạp tại TPHCM, chiến lược ứng phó đã có điều chỉnh từ xét nghiệm đến phân tầng điều trị và cho một số F0 điều trị, cách ly tại nhà.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, tình hình dịch đã “nhiễm sâu” đặc biệt ở TPHCM và một số địa phương lân cận như Bình Dương, Long An, Đồng Nai… Những địa phương này hiện không khác những nơi nhiễm nặng nhất trên thế giới.

Trong khi đó, dịch bệnh tại các tỉnh, thành phố khác vẫn đang được kiểm soát. Do đó, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, cần có sự điều chỉnh về các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với diễn biến trong nước.

Với những tỉnh, thành phố kiểm soát dịch bệnh, ghi nhận ít ca mắc, các chuyên gia khuyến cáo vẫn tiếp tục tăng cường công tác phát hiện, cách ly F0, F1, truy vết F2, F3.

Đối với khu vực dịch bệnh lây nhiễm sâu như TPHCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai..., phải có những biện pháp chống dịch đặc biệt như tập trung kiểm soát nguồn lây để kéo giảm số ca mắc mới, giảm nhanh số ca tử vong, đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin.

Sau đó, các địa phương này dần nới lỏng hoạt động sản xuất, kinh doanh theo trạng thái bình thường mới như các nước phát triển đã tiêm vắc-xin đạt miễn dịch cộng đồng. Cùng với đó, bên ngoài thành phố là vành đai an toàn, kiểm soát chặt người ra vào, không để dịch lây lan ra các địa phương khác.

MỚI - NÓNG