Chiến dịch ‘bàn tay sắt’ dẹp nạn chặt chém du khách

Chiến dịch ‘bàn tay sắt’ dẹp nạn chặt chém du khách
TPO – Trả lời Quốc hội, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh nêu cách làm ở Thanh Hóa, thực hiện chiến dịch “bàn tay sắt”, lập “hiệp hội chống chặt chém” du khách.

> Phó Thủ tướng yêu cầu nâng chế tài xử nạn 'chặt chém'

> Bất lực trước taxi 'máy chém'! (P1)

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đối diện với nhiều vấn đề
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đối diện với nhiều vấn đề "nóng" trong ngành văn hóa, thể thao và du lịch tại phiên chất vấn sáng nay, ngày 13/6.

Trao đổi với Bộ Công an về Cảnh sát du lịch

Sau Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, sáng 13/6, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đăng đàn trả lời chất vấn.

Phần lớn đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh xung quanh vấn đề ở một số địa phương diễn ra tình trạng đeo bám, chèo kéo, chặt chém khách du lịch. Điều này ảnh hưởng tới hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Các đại biểu Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng cho biết biện pháp để khắc phục tình trạng này và giải pháp để nâng cao chất lượng du lịch. Liệu có cần thành lập lực lượng Cảnh sát du lịch không?

Trả lời vấn đề trên, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có chiến lược phát triển và quy hoạch du lịch. Trong những năm qua, du lịch Việt Nam đã phát triển nhanh chóng.

Về tình trạng đeo bám, chặt chém khách du lịch, cũng như giá cả sản phẩm, dịch vụ du lịch quá cao so với thực tế, ảnh hưởng xấu tới ấn tượng của khách du lịch nước ngoài, Bộ trưởng cho biết, “tình trạng trên không phải bây giờ mới có, đã rộ lên, gây bức xúc trong dư luận xã hội”.

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân vừa chỉ đạo giải quyết những vấn đề ảnh hưởng lớn tới hình ảnh du lịch Việt Nam.

Sắp tới, du lịch trong nước phải ưu tiên chất lượng. Dịch vụ du lịch phải tập trung theo chiều sâu. Theo đó, tình trạng đeo bám, chặt chém khách du lịch phải được loại bỏ triệt để. Giá cả niêm yết sản phẩm, đồ ăn uống du lịch phải được niêm yết công khai. Đặc biệt, các địa phương phải tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân đối với các hoạt động du lịch.

Ngoài ra, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ yêu cầu các địa phương thành lập đường dây nóng, lực lượng bảo vệ, quản lý thị trường, môi trường để khi người dân phát hiện những vấn đề ảnh hưởng xấu tới du khách, cũng như ngành du lịch, có thể thông báo và nhanh chóng giải quyết kịp thời.

Về quản lý nhà nước, hiện Bộ này có Nghị định 45 hạn chế nạn chặt chém, nhưng do công tác phối hợp liên ngành, kiểm tra giám sát chưa tốt, mức xử phạt nhẹ, nên tình trạng không niêm yết giá, chèo kéo du khách vẫn diễn ra

"Một số vùng du lịch trọng điểm có điểm đen, nên áp dụng biện pháp lắp camera, mở đường dây nóng” – Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nói và giải thích thêm có tình trạng chặt chém cần phải xử lý, nhưng thực trạng này “không phổ biến”.

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết, một số nước ở khu vực châu Á đã thành lập cảnh sát du lịch với nhiệm vụ bảo vệ du khách, cũng như giám sát các dịch vụ du lịch. Mô hình này đã có tác dụng rất lớn tới bảo vệ thương hiệu, hình ảnh du lịch của các nước đó.

Theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, khi Việt Nam chưa thể thành lập lực lượng cảnh sát du lịch, các địa phương có thể tận dụng đội ngũ cảnh sát trật tự, công an, thanh niên tham gia bảo vệ an toàn cho du khách. Ngoài ra, các tỉnh nên đầu tư lắp hệ thống camera để giám sát hoạt động du lịch tại địa bàn.

Ghi nhận ý kiến đề nghị thành lập cảnh sát du lịch, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết, ở một số quốc gia như Campuchia, Malaysia, Ai Cập, Ấn Độ… đã có lực lượng cảnh sát du lịch. Nhưng, khi Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trao đổi, Bộ Công an cho rằng, đây là vấn đề cần báo cáo Thủ tướng và cân nhắc thêm.

Chưa ngang tầm khu vực

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hòa Bình) cho rằng, du lịch Việt Nam đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhưng lại chưa phát triển tương xứng với tiềm năng thế mạnh vốn có. Đại biểu Hải chất vấn, đâu là nguyên nhân chính, và giải pháp khắc phục tình trạng này?

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nói, những năm qua, du lịch Việt Nam phát triển tương đối tốt, góp phần tăng thu ngoại tệ, giải quyết việc làm cho 1,4 triệu lao động. Mức đầu tư vào loại hình du lịch cũng có sự phát triển. Việc đầu tư vào lĩnh vực du lịch khách sạn, nhà hàng đạt khoảng 10 tỷ USD, gần 1000 dự án đầu tư vào du lịch. Điển hình như ở khu du lịch Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có một nhà đầu tư nước ngoài xây khách sạn lên đến 1 tỷ đô la.

Du lịch Việt Nam được xác định là kinh tế mũi nhọn, nhưng tình trạng chặt chém, ăn xin, giá cả niêm yết không công khai… đang ảnh hưởng xấu tới du khách. Nguyên nhân thực trạng này chủ yếu do sự phối hợp liên ngành của chúng ta chưa tốt. Việc xử lý vi phạm còn nhẹ, không đủ sức răn đe…

Bộ trưởng cho biết, trong tương lai, sẽ chuyển chất lượng dịch vụ từ rộng sang sâu. Tại những “điểm đen” sẽ lắp camera theo dõi, huy động lực lượng cảnh sát trật tự góp phần ngăn ngừa thực trạng này…

Thấy Bộ trưởng chưa trả lời đúng trọng tâm, Chủ tịch Quốc hội hỏi lại câu hỏi của đại biểu, đến năm 2020, du lịch Việt Nam có thể phát triển ngang tầm các quốc gia trong khu vực không, cụ thể như Thái Lan, Malaisia?

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho rằng, dù ngành du lịch của chúng ta phát triển, nhưng vẫn không thể đuổi kịp sự phát triển mạnh mẽ của Thái Lan, Malaysia, Singapore…

“Phải liệu cơm gắp mắm. Nếu đề ra chỉ tiêu mà không đạt thì cũng không nên. Tiềm năng du lịch Việt Nam tuy lớn, nhưng để trở thành hiện thực là cả một quá trình cần phải phấn đấu, và có sự phối hợp giữa nhiều bộ ngành, địa phương”, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nói.

Về vấn đề cấp phép biểu diễn, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh phân trần, để xảy ra những vụ việc đáng tiếc thời gian qua cũng một phần do sơ suất trong quá trình cấp phép. Qua thanh tra, kiểm tra, nhiều đơn vị tổ chức đã bị buộc phải xử lý kiểm điểm nghiêm túc.

Ông Hoàng Tuấn Anh cũng hứa, tới đây, vấn đề giáo dục đạo đức cho người mẫu, diễn viên vẫn phải được ngành văn hóa làm thường xuyên, cùng các chế tài xử lý.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.