Chiêm ngưỡng sừng trâu vô danh ‘độc nhất vô nhị’ ở Bình Dương

TPO - Một cặp sừng trâu có chiều dài kỷ lục hơn 2m được lưu giữ tại Bảo tàng Bình Dương. Tuy nhiên, khi hỏi về lai lịch của chiếc sừng thì chẳng ai biết được xuất hiện cụ thể vào thời điểm nào. Trong khi đó, cũng tại Bảo tàng lịch sử này có một vật cổ khác “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam.

Được giới thiệu của cán bộ Bảo tàng Bình Dương, chúng tôi tìm đến và tận mắt chứng kiến một số cổ vật mà theo lời người hướng dẫn đến người dân địa phương cũng chưa từng nhìn thấy.

Theo đó, tại bảo tàng lịch sử này đang lưu giữ một cặp sừng trâu có chiều dài hơn 2m, gấp 3 lần so với sừng trâu bình thường. Nếu không được giới thiệu hẳn người nhìn sẽ nghĩ đó là hai chiếc ngà voi.

Chiêm ngưỡng sừng trâu vô danh ‘độc nhất vô nhị’ ở Bình Dương ảnh 1 Cặp sừng trâu dài hơn 2m

“Từ hồi tôi đến nhận công tác tại bảo tàng (1994) đã thấy có cặp sừng trâu ở đây. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa ai biết nó xuất hiện từ khi nào và ở đâu mà chỉ nghe nói hàng chúc năm trước một vị nguyên lãnh đạo bảo tàng tìm thấy mang về lưu giữ. Tôi cũng chưa từng thấy một cặp sừng trâu nào có chiều dài và lớn như thế”, bà Đỗ Thị Tiên – Phó giám đốc Bảo tàng Bình Dương nói.

Theo lãnh đạo Bảo tàng Bình Dương, do trụ sở còn thiếu nơi trưng bày, trong khi cặp sừng chiếm diện tích lớn nên đang phải lưu giữ trong kho cẩn thận.

Chiêm ngưỡng sừng trâu vô danh ‘độc nhất vô nhị’ ở Bình Dương ảnh 2
Chiêm ngưỡng sừng trâu vô danh ‘độc nhất vô nhị’ ở Bình Dương ảnh 3 Sừng trâu có kích thước gấp nhiều lần so với bình thường

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, tại Bảo tàng Bình Dương, trong số các cổ vật giá trị lịch sử, nơi đây còn lưu giữ một di vật cổ “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam. Theo đó, mới đây trong quá trình khai quật và đào thám sát, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều di vật khá đặc biệt mà theo xác định ban đầu là chỉ có ở Bình Dương, chưa phát hiện ở nơi nào khác trong nghiên cứu khảo cổ ở Việt Nam.

Cụ thể, tại phường Phú Chánh, TX. Tân Uyên, Bình Dương, cơ quan chức năng đã phát hiện các cọc gỗ cổ được xác định là cọc nhà sàn, dụng cụ xe sợi dệt vải bằng gỗ, các di vật từ thực vật như xác cau, xác cây vụn, gáo dừa, vỏ trái bầu, trái ngâu... Đặc biệt, phát hiện một chum gỗ được sử dụng làm áo quan, trong đó có các chum gỗ sử dụng trống đồng làm nắp đậy.

Theo giới khoa học, điều này có thể liên tưởng đến táng thức của người Việt cổ ở Việt Khê – Châu Can vùng Bắc Bộ dùng chất liệu gỗ làm quan tài nhưng ở đây là quan tài hình thuyền.

Chiêm ngưỡng sừng trâu vô danh ‘độc nhất vô nhị’ ở Bình Dương ảnh 4
Chiêm ngưỡng sừng trâu vô danh ‘độc nhất vô nhị’ ở Bình Dương ảnh 5 Mộ chum gỗ 'độc nhất vô nhị" ở Việt Nam, theo đánh giá của các nhà khảo cổ học

Còn chum gỗ ở Bình Dương lại có sự liên hệ về hình dáng quan tài bằng chum gốm của cư dân cổ Sa Huỳnh vùng duyên hải miền Trung; quan tài chum vò bằng gốm của cư dân cổ ở Giồng Phệt, Giồng Cá Vồ (Thành phố Hồ Chí Minh), Dầu giây, Suối Chồn (Đồng Nai), Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) và quan tài các nồi vò úp vào nhau ở Quy Chữ, Làng Vạc thuộc văn hóa Đông Sơn (Bắc Bộ).

Mộ chum gỗ, nắp trống đồng là hiện vật đặc biệt, quý hiếm và tiêu biểu cho một thời đại lịch sử trước và sau công nguyên tại vùng đất Phú Chánh, Tân Uyên, Bình Dương và khu vực Đông Nam bộ. Trước đó, tại Bình Dương, di vật cổ được phát hiện là “Tượng động vật Dốc Chùa” đã được Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia.

MỚI - NÓNG