Doanh nghiệp bất chấp luật, dân chịu hậu quả
Chuyện về phí bảo trì diễn ra dai dẳng nhiều năm nay và chưa dừng lại tại hầu hết các chung cư. Nguyên nhân là 2% phí bảo trì rất lớn khiến nhiều chủ đầu tư đã “chiếm dụng”. Dù luật, nghị định và thông tư đều buộc chủ đầu tư phải trả số tiền này cho ban quản trị nhưng nhiều chủ đầu tư tìm mọi lý do để hoãn trả số tiền này. Cư dân tại hàng loạt toà nhà ở Hà Nội, TPHCM thời gian gần đây đã phải căng băng rôn khắp nơi từ toà nhà mình đang sống, đến cơ quan chủ đầu tư cho đến Sở Xây dựng để đòi quỹ này nhưng đều thất bại.
Bà Đinh Thị Cẩm Vân, đại diện BQT chung cư Star City (Lê Văn Lương, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, số tiền phí bảo trì của tòa nhà lên đến 30 tỷ đồng nhưng chủ đầu tư mới chỉ bàn giao 3,4 tỷ đồng. Hiện nay sau 4 năm đưa vào sử dụng, tòa nhà đã xuống cấp mà không có kinh phí để sửa chữa. Cư dân toà nhà đã 3 lần xuống đường căng băng rôn đòi tiền phí bảo trì nhưng chủ đầu tư vẫn không chịu hợp tác và bất chấp pháp luật.
Cũng ròng rã đòi tiền phí bảo trì nhiều năm nay là cư dân Hồ Gươm Plaza (Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội). Bà Lê Thị Thanh Hương, thành viên BQT chung cư Hồ Gươm Plaza cho biết, dù chủ đầu tư thống nhất lộ trình trả 20 tỷ đồng phí bảo trì cho BQT cách đây 2 năm song đến thời điểm hiện tại mới đòi được 2 tỷ đồng. Theo bà Hương, nhiều hạng mục trong toà nhà cần đến số tiền từ phí bảo trì để duy tu, sửa chữa nhưng chủ đầu tư vẫn “phớt lờ”.
Tại tòa nhà CT3, Khu đô thị (KĐT) mới Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội), cư dân cũng như BQT vô cùng bức xúc khi tòa nhà đã có nhiều hạng mục xuống cấp như: nứt lún tường, máy bơm hỏng, hệ thống phòng cháy chữa cháy không hoạt động… đe dọa đến cuộc sống cư dân, nhưng không có kinh phí sửa chữa do không đòi được 2% phí bảo trì này.
Thống kê cho xong?
Tháng 6 vừa qua, tại văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng thống kê, tại 43 địa phương có đến 215 dự án nhà ở, chung cư có khiếu nại, tranh chấp. Trong đó có 108 dự án xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư với cư dân liên quan đến quỹ bảo trì; phần sở hữu chung, sở hữu riêng; chất lượng công trình; phí quản lý vận hành…
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tại nhiều chung cư chủ đầu tư không chịu nộp kinh phí bảo trì đối với phần diện tích thuộc sở hữu riêng hoặc chiếm dụng kinh phí bảo trì sử dụng vào mục đích khác. Đặc biệt, trong số này có đến 39 dự án chủ đầu tư không bàn giao, chậm bàn giao hoặc chỉ bàn giao một phần kinh phí bảo trì cho BQT. Bộ Xây dựng cũng chỉ rõ địa chỉ các chung cư có vi phạm liên quan phí bảo trì tại Hà Nội có các chung cư: Hateco Hoàng Mai, Star City 81 Lê Văn Lương, 310 Minh Khai, Hồ Gươm Plaza... Tại TPHCM các chung cư được điểm danh có: Hoàng Anh River View, chung cư Khánh Hội 2, chung cư The Morning Star, chung cư Investco-Babylon, New Sài Gòn…
Một nguyên nhân của tình trạng tranh chấp, thậm chí chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì được Bộ Xây dựng chỉ ra là do một số chủ đầu tư chưa đủ năng lực thực hiện dự án. Họ chỉ chú trọng đến thu lợi nhuận từ việc bán căn hộ mà chưa quan tâm đến nghĩa vụ sau bán hàng của mình. Tại một số nơi, chính quyền địa phương chưa thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước nên không kịp thời xử lý, ngăn chặn mâu thuẫn phát sinh dẫn tới các tranh chấp kéo dài.
Mới đây, Bộ Xây dựng đề xuất Bộ Công an và các ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các quy định về chung cư. Với những chủ thể có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư, đặc biệt là hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư trái quy định của pháp luật, Bộ Xây dựng đề xuất các cơ quan chức năng điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm.
Tuy nhiên, dù hàng loạt chung cư bị điểm mặt, chỉ tên, đến nay vẫn chưa có trường hợp nào bị xử lý. Theo ông Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, bên cạnh quy định cưỡng chế ghi tại Nghị định 99/2015/NĐ-CP, Bộ Xây dựng đang có dự thảo đề xuất chuyển hồ sơ cho Bộ Công an xử lý hình sự những trường hợp chủ đầu tư cố tình chây ì không bàn giao kinh phí bảo trì cho BQT chung cư. Song, dự thảo trên chưa có hiệu lực pháp luật.
Ông Phạm Sỹ Liêm phân tích, trên thực tế, Sở Xây dựng hay UBND cấp tỉnh thực hiện cưỡng chế tài sản đã quy định rõ từ trước đến nay nhưng hệ thống pháp luật thường mặc định việc cưỡng chế là công việc của Tòa án, Cơ quan thi hành án. Trong tương lai, quy định này hứa hẹn là giải pháp đột phá để giải quyết nhanh gọn, triệt để đối với thực trạng chủ đầu tư chiếm dụng, chiếm đoạt tài sản của bà con cư dân. “Nếu có bằng chứng về việc chủ đầu tư cố tình chiếm đoạt số tiền kinh phí bảo trì, rất có thể có dấu hiệu “Chiếm giữ trái phép tài sản” hoặc tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” hay tội “Tham ô”. Do đó, các khu dân cư, BQT có quyền tố cáo khởi tố hình sự hành vi trên của chủ đầu tư đến cơ quan có thẩm quyền mà không cần chờ sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng” - ông Liêm nói.
Mới đây, Bộ Xây dựng đề xuất Bộ Công an và các ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các quy định về chung cư. Với những chủ thể có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư, đặc biệt là hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư trái quy định của pháp luật, Bộ Xây dựng đề xuất các cơ quan chức năng điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm.