Đó là trường hợp của bé gái 2 tháng tuổi vừa phải chuyển đến cấp cứu tại một bệnh viện tư nhân trên địa bàn TPHCM. Thời điểm nhập viện, bé có biểu hiện tăng tiết đờm nhớt, khó thở.
Hình ảnh X-quang phát hiện dị vật là chiếc nhẫn đang bị kẹt ở thực quản của bệnh nhi |
Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía người nhà ghi nhận, trước đó bé được đeo một chiếc nhẫn vào trên tay. Khi đói, trẻ đưa tay vào miệng mút theo thói quen thì bất ngờ có biểu hiện ho sặc sụa, đỏ mặt, khó thở. Gia đình lập tức chuyển trẻ đến bệnh viện cấp cứu.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ đã tiến hành chụp X-quang kiểm tra thì phát hiện hình ảnh cản quang của dị vật dạng kim loại giống chiếc nhẫn nằm trong thực quản đoạn thực quản ngực của bệnh nhi. Chiếc nhẫn có hoa văn được trang trí tạo thành những góc cạnh nhọn và sắc nguy cơ gây tổn thương thực quản của trẻ.
Bằng phương pháp nội soi bác sĩ đã lấy thành công chiếc nhẫn vàng ra khỏi cơ thể bệnh nhi |
Qua hội chẩn nhanh, các bác sĩ đã quyết định thực hiện phương pháp nội soi gắp dị vật. Bằng thiết bị nội soi chuyên dụng cho bệnh nhi, các bác sĩ đã lấy thành công chiếc nhẫn ra khỏi thực quản của trẻ. Cháu đã may mắn khi không bị tổn thương thực quản, sau thủ thuật can thiệp lấy dị vật, ngày 30/5 sức khỏe của bệnh nhi đã bình phục tốt.
Từ trường hợp trên, bác sĩ cảnh báo, trẻ nhỏ chưa thể ý thức được những nguy hiểm có thể xảy ra với bản thân nhưng rất tò mò và thích khám phá thế giới xung quanh bằng mọi giác quan nên dễ đối mặt với những nguy hiểm. Để tránh rủi ro do hóc dị vật có thể xảy ra với trẻ, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh không để trẻ chơi các đồ chơi nhỏ, sắc nhọn, các vật dễ cho vào miệng như: nhẫn đeo tay, pin, đồng xu, viên bi hoặc các vật có hóa chất độc hại.