“Chiếc bánh” công ích 4.000 tỷ

“Chiếc bánh” công ích 4.000 tỷ
TP - Kết quả giám sát của HĐND thành phố Hà Nội vào tháng 6/2014 vừa qua cho thấy một thực trạng đó là hầu hết trong số 4.000 tỷ đồng đầu tư từ ngân sách thành phố và quận huyện cho hoạt động công ích như duy trì vệ sinh môi trường, công viên, cây xanh, thoát nước, xử lý nước thải đều được triển khai theo hình thức đặt hàng. 

Tức là hằng năm, không phải cạnh tranh với bất kỳ ai, các doanh nghiệp công ích của Hà Nội như Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, Công ty Công viên, cây xanh, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị, Công ty TNHH MTV Chiếu sáng đô thị… đều được giao khối lượng công việc có giá trị từ hàng trăm đến cả ngàn tỷ đồng. Đáng chú ý là khối lượng công việc chủ yếu do các doanh nghiệp này tự chấp bút xây dựng rồi trình các cơ quan phê duyệt.

Xem xét từ quy trình, thủ tục triển khai, nghiệm thu, thanh toán với các doanh nghiệp công ích của Hà Nội người ta thấy như hiện hữu của cơ chế bao cấp ngày nào mặc dù đã mấy chục năm chúng ta thực hiện công cuộc đổi mới, xóa bỏ bao cấp, xây dựng cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. 

Ngay cả khi Chính phủ đã ban hành Nghị định 130 năm 2013 yêu cầu phải tổ chức đấu thầu công khai minh bạch trong việc cung cấp các dịch vụ công ích thì tại Hà Nội nhiều cơ quan chức năng vẫn phớt lờ, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Nghị định nói trên. Cơ chế đậm chất “xin-cho” thì hậu quả chắc là không khó dự đoán.

Gần đây có tín hiệu đáng mừng là dù mới triển khai vài gói thầu theo xã hội hóa, chào hàng cạnh tranh nhưng kết quả ban đầu của hoạt động này khiến nhiều người phải giật mình khi tỷ lệ ngân sách được tiết kiệm có nơi lên tới trên 30% so với đơn giá thành phố. 

Tuy nhiên, trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Hiệp hội các nhà thầu lý giải nguyên nhân tiến trình minh bạch hóa lĩnh vực dịch vụ công ích hầu như chưa hề chuyển động. “Hàng nghìn tỷ đồng ngân sách mỗi năm là chiếc bánh hấp dẫn với nhiều người và người ta sẽ làm mọi cách để duy trì lợi ích, để phần bánh của mình ngày càng to hơn”, vị lãnh đạo Hiệp hội nhà thầu nói.

Cách đây chưa lâu, dư luận xôn xao khi nghe công bố mức lương “khủng” của một số vị lãnh đạo doanh nghiệp công ích tại TP Hồ Chí Minh. Nhưng điều khiến dư luận “đau đầu” hơn là sau đó lại nghe mức lương của lãnh đạo doanh nghiệp công ích Hà Nội lại có phần “eo hẹp”, chỉ hơn lương cán bộ thường chút ít khi mà vận hành cùng một cơ chế như nhau! 

Hy vọng lần này, với những kết quả giám sát rất rõ ràng từ HĐND thành phố, từ thực trạng cung cấp dịch vụ công ích của các doanh nghiệp nhà nước, Hà Nội sẽ thật sự có bước chuyển mình trong nâng cao dịch vụ công ích, tiết kiệm được cho ngân sách.

MỚI - NÓNG