Nhận định:

Chia sẻ và trung thực

Chia sẻ và trung thực
TP - Tháng củ mật, xưa người ta hay lo mất của, bây giờ thì lo tiền mất giá. Vừa qua nghe mấy bà bán rau đồn đại giá xăng tăng 17 ngàn đồng ai cũng như ngồi trên lửa.
Chia sẻ và trung thực ảnh 1
Giá nhiều mặt hàng tăng cao, đặc biệt là thực phẩm gây nhiều khó khăn cho đời sống người dân

Tuy sự thật không phải vậy nhưng vẫn lo. Lo vì cuộc sống rất khó biết chắc điều gì, nhất là chuyện giá cả.

Tại các cuộc họp cuối năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhắc lại nhiều lần thông điệp trong lĩnh vực điều hành giá cả:

Thực hiện lộ trình thị trường hóa nhưng Chính phủ không lạnh lùng với khó khăn của dân, nhất là người nghèo. Lộ trình đó, phải được thông tin đầy đủ, kịp thời và trung thực với dân. Dẫu làm sai, chúng ta cũng thẳng thắn nhận khuyết điểm để làm tốt hơn…

Thủ tướng cũng kêu gọi lòng yêu nước của nhân dân thông qua sự thông cảm và chia sẻ với Chính phủ lúc này. Nghe vậy, người dân chắc ai cũng sẵn lòng đồng hành với Chính phủ.

Thay mặt Chính phủ, điều hành lĩnh vực này là một số bộ ngành, trọng trách là Bộ Tài chính. Nhân dân đã lắng nghe và đã chấp hành những chính sách điều hành giá của Bộ  Tài chính từ đầu cơn “bão giá” đến giờ. Nhưng nhân dân sẽ cảm thông và chia sẻ hơn với những “thuỷ thủ” chính sách, nếu nhận được sự trung thực và chân thành của “đối tác”.

Hồi đầu năm, giá cả lên, lạm phát tăng. Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu một số hàng nhằm hạ giá. Ngân sách tính tạm mất hàng ngàn tỷ. Công nhân, viên chức chấp nhận hoãn tăng lương. Thị trường vẫn nóng. Bộ Tài chính tiếp tục giảm thuế nhập khẩu vài lẫn nữa kèm theo kế hoạch kiểm tra giá một số hàng, nhắc nhở một số ngành.

Dân được nghe hứa là giá sẽ bình ổn. Thế nhưng thị trường hầu như không xoay chuyển. Bộ Tài chính có cuộc gặp các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô để hỏi cho rõ: Sao thuế nhập khẩu xuống rồi mà giá xe cứ lên? Các doanh nghiệp liên doanh này nói: Bán giá ấy rồi mà chúng tôi còn đang… lỗ đấy. Khó khăn quá, chúng tôi sẽ xin giảm thuế nhập khẩu linh kiện nữa cơ.

Các mặt hàng được Bộ kiểm tra hầu như không phát hiện  bất thường gì. Nguyên nhân chính được loan báo: Giá thế giới sốt. Hội nhập thì không thể tránh ảnh hưởng.

Sức nóng của giá tràn lên bàn kỳ họp lần hai của Quốc hội. Đại diện các bộ giải thích chuyện giá bằng rất nhiều lý do. “Thuận nói” nhất là: Giá không tăng bằng GDP thì không đáng lo. Chỉ có người đầu tiên thẳng thắn thừa nhận sự chưa lường hết trong điều hành khi bỏ tiền đồng ra mua 9 tỷ USD cũng là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Ông nói rằng trong cuộc phát triển khó có thể lúc nào cũng thành công. Tuy vậy chúng ta vẫn cần mạnh dạn, dám làm để tiến. Sai thì dám nhận để sửa… Dư luận được vỗ về, bởi ít ra cũng biết một phần của nguyên nhân gạo, thịt đắt đỏ. Biết thì có thể tránh.

Cũng tại đây, quan chức ngành tài chính, ngân sách nói sẽ khống chế giá không tăng hơn GDP. Đùng một cái, Quốc hội bế mạc chưa đầy một tuần, Bộ Tài chính tuyên bố: tăng giá dầu! Và thị trường lồng lộn theo đúng quy luật của chính nó.

Những công thức, lý luận, những dự báo và khẳng định của các lãnh đạo ngành chưa hết âm vang thì con số lạm phát đã hiển hiện, đồ sộ một cách khác lạ!

Bất ngờ như phép mầu, chỉ số giá được hạ tức thì, ngoạn mục và cực kỳ đơn giản khi Bộ Tài chính tuyên bố: Nay tính toán kiểu khác! Phương pháp tính CPI của cả chiều dài ngành thống kê bỗng chốc được khẳng định “không hợp” một cách nhẹ nhàng. Không có một con số nào, không một lời giải thích nào về hệ quả của những cách tính đó cũng như lý do của thời điểm áp dụng.

Tổng kết các ngành liên quan đến kinh tế nông nghiệp có rất nhiều tràng pháo tay. Xứng đáng thôi. Vì thiên tai, dịch bệnh suốt năm mà xuất khẩu nông sản vẫn tốt. Sản lượng vẫn khá. Năm nay thế giới được giá, Việt Nam cùng chia hưởng. Khoa học kỹ thuật tiến bộ, nông dân - doanh nghiệp xích gần hơn…

Nói như vậy thì đời sống nông dân nhất định phải khá lên. Con số thống kê đưa ra rằng mức sống tăng 6,6%. Nhưng chắc chắn không ai hiểu đời sống nông dân bằng chính họ. Nông dân rất ngại “sảy nhà” thế mà tình trạng di cư, bỏ làng lên phố, bỏ nước đi làm thuê… đã “rút ruột” nông thôn không còn mấy trai đinh, lực điền.

Vậy thì làm sao có thể nói sau luỹ tre thanh bình là những cuộc sống no ấm? Một hạt gạo gánh 40 loại phí, tệ tham nhũng, cường hào mới và những phiên chợ giá tăng như nước lũ đã tước đi cơ hội sung túc của bà con.

Nhưng quan trọng nhất là những thành quả của lúa, gạo, cà phê, tiêu, điều, thuỷ sản… chỉ đem lại con số đẹp trên giấy và sự sung mãn của hầu bao của “anh bạn nhà nông”, tức là những doanh nghiệp nông nghiệp. Mức sống nông dân được tính bằng tổng thu từ nông nghiệp trừ đi tổng chi nên ra con số 6,6%. Đó là con số chỉ đúng với nhà quản lý và doanh nghiệp mà thôi.

Dân ta không sợ hy sinh, không sợ gian khổ và càng không sợ nghèo nhưng để có được bản lĩnh đó, dân ta cần niềm tin. Niềm tin đầu tiên phải xuất phát từ sự trung thực. Trung thực, xét cho cùng chính là việc cung cấp đầy đủ thông tin cho họ.

Tiếc thay những chủ trương, những biện pháp, những bước đi… trong điều hành xã hội tuy cũng xuất phát từ lợi ích của dân nhưng vì câu chuyện “thông tin trung thực” không hoàn hảo khiến cho những chủ trương, giải pháp, lộ trình ấy nhiều khi trở thành những “bóng ma” ám ảnh người dân.

Đó là: tăng học phí, tăng viện phí, tăng giá điện… để hội nhập, để thực hiện lộ trình “thị trường hóa”, để xóa bỏ bao cấp… Người dân không cần biết lý thuyết đó ưu việt ra sao. Họ chỉ cần biết tại sao lại làm thế?

Dân được gì và mất gì ở câu chuyện đó? Nông dân xưa chỉ cần nói: Việt Nam cần độc lập, cần thống nhất thì họ sẵn sàng hy sinh cả đến đứa con cuối cùng, hạt gạo cuối cùng cho đất nước. Tất nhiên, vì lúc đó họ biết họ được gì, đất nước được gì từ sự hy sinh đó.

Nếu hôm nay, ngành giáo dục nói một cách đầy đủ, công khai và nghiêm túc rằng: Không bao cấp cho học sinh cấp III, cho sinh viên, nghiên cứu sinh nhiều như trước nữa, bằng cách tăng học phí của họ; tiền bao cấp cắt lại đó đem đầu tư thêm cho mầm non, mẫu giáo, tiểu học sao cho trẻ em miền núi, nông thôn, hải đảo cũng có điều kiện vào đời gần như trẻ em đô thị thành phố... thì nhân dân không sợ tăng học phí.

Tiếc thay những đề án cải cách lương, cải cách tài chính giáo dục, y tế… cứ mãi mãi là bí mật. Người dân mù mịt, hoang mang… Có lẽ nguyên nhân lớn nhất khiến một số cơ quan điều hành không dám nói đủ, nói hết là vì họ sợ sai, sợ chưa hoàn hảo. Nhưng nhân dân không sợ, không trách những sai lầm, khiếm khuyết đó.

Lòng dân rất thuận tình với ý Thủ tướng: Phát triển không tránh được thử thách. Sai lầm và thất bại không phải không bao giờ có. Nhân dân luôn sẵn lòng chia sẻ và đồng hành với Chính phủ như suốt chiều dài lịch sử đất nước. Cái nhân dân cần là sự trung thực!

MỚI - NÓNG