'Chia lửa' với tâm dịch Bình Dương

0:00 / 0:00
0:00
Trắng đêm chạy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2
Trắng đêm chạy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2
TP - Câu chuyện xúc động của các “chiến sĩ” áo trắng trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng và Đại học Yersin Đà Lạt tình nguyện “chia lửa” cho vùng tâm dịch tỉnh Bình Dương có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Ngày 14/8, Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng cho biết vừa trao tặng 89 triệu đồng cho đoàn y bác sỹ, sinh viên ngành y ở Lâm Đồng đi chi viện cho Bình Dương phòng chống dịch COVID-19. Lực lượng tình nguyện gồm 89 người thuộc các trường Cao Đẳng Y tế Lâm Đồng và Đại học Yersin Đà Lạt được bố trí làm việc tại khu cách ly và bệnh viện dã chiến ở TP.Thuận An.

Nhiệm vụ chủ yếu của đoàn là lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm SARS-CoV-2, chăm sóc các F0..., riêng Giáo sư - Tiến sỹ Dương Quý Sỹ (Hiệu trưởng Cao Đẳng Y tế Lâm Đồng) còn tham gia hội chẩn chữa trị các ca bệnh nặng. Hai tuần qua, đoàn y tế Lâm Đồng đã lấy mẫu và xét nghiệm 15 ngàn mẫu theo phương pháp RT-PCR; đồng thời tham gia xét nghiệm nhanh cho người dân địa phương.

Mẫu tin nhắn hiếm hoi của các “chiến sĩ” áo trắng tình nguyện trường Cao Đẳng Y tế Lâm Đồng gửi về thật cảm động: “Vừa có 600 mẫu bệnh phẩm F0 về xét nghiệm PCR, các cô Túy Hà, Thảo Trâm, Cẩm Thúy của trường mình phải vào chạy mẫu đến sáng sớm mai. Đây là những mẫu bệnh phẩm COVID-19 nên nguy cơ lây nhiễm cấp độ cao nếu xảy ra sai sót hoặc sự cố.

Cô Trinh vì lý do sức khỏe chỉ làm việc ban ngày. Thầy Quân, Cô Thi, Cô Minh Hiền thì làm việc tại cộng đồng mới lấy 1.200 mẫu test nhanh trong ngày. Tối hôm qua cô Thi cùng các bạn sinh viên tình nguyện đi hỗ trợ tiêm vaccine từ sáng đến 11 giờ đêm, về sốt nguyên đêm nhưng may mắn là test nhanh âm tính”.

Bạn Võ Thị Văn Minh (Đội trưởng Đội tình nguyện của Đại học Yersin Đà Lạt) cùng một số sinh viên nhận nhiệm vụ tại Khu cách ly Trường Tiểu học Phú Long (TP.Dĩ An). Các bạn ăn ngủ vạ vật, trải qua nhiều đêm trắng truy vết các F1, F2, lấy mẫu xét nghiệm…

Ngày làm việc của Minh cùng các sinh viên khác bắt đầu từ sớm tinh mơ, hết đưa cơm đến các phòng cách ly, phụ bác sĩ làm thuốc, chăm sóc bệnh nhân, tiếp nhận các trường hợp vào cách ly, đo thân nhiệt, phun xịt khử khuẩn...

Nhiều hôm phải làm việc đến quá nửa đêm; hiếm khi được ăn đúng giờ, ngủ đủ giấc. Hễ các bệnh nhân khó thở hay có triệu chứng bất thường là các nữ sinh viên bỏ dở bữa cơm, thức trắng đêm để chăm sóc.

Suốt thời gian làm việc phải đeo găng tay, mặc đồ bảo hộ nên khi tháo ra, ai nấy đều ướt sũng. Đã quen với khí hậu lạnh của Đà Lạt, nay xuống xứ nóng Bình Dương, lại phải mặc đồ bảo hộ cả ngày nên một số sinh viên tình nguyện ngất xỉu; những người da nhạy cảm thì lên mẩn ngứa, nổi mụn nước…

Nhiều lúc các nữ sinh viên không cầm được nước mắt khi chứng kiến những cụ già xanh xao ốm yếu bước vào khu cách ly, các em nhỏ khóc ngằn ngặt vì lần đầu xa mẹ, nhiều sản phụ âu lo chờ tới ngày lâm bồn, những bệnh nhân nặng lên cơn đau phải chuyển lên tuyến trên, đặc biệt là cảnh những người trong khu cách ly bật khóc khi hay tin người nhà mất mà không thể về chịu tang.

Khó khăn, nguy hiểm là thế nhưng không ai nản chí, thoái lui; luôn hy vọng sớm hết dịch bệnh COVID-19 để trở lại giảng đường.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.