Tìm lối đi cho riêng mình
Mặc dù ra đời đã 3 năm nhưng sữa tươi thanh trùng ATMILK vẫn chủ yếu bán hàng kiểu “người này giới thiệu người kia”. Chị Nguyễn Thị Hồng Nguyệt, Giám đốc kinh doanh ATMILK chia sẻ: “Lĩnh vực sữa có rất nhiều đại gia, các thương hiệu lớn tham gia nên mình gặp khá nhiều khó khăn khi quyết định gia nhập cuộc chơi. Biết sẽ rất khó khăn nên ATMILK tìm kiếm thị trường bằng cách đến tận hộ gia đình tiếp thị, mời dùng thử sản phẩm chứ không thông qua các kênh phân phối”.
Kinh doanh chủ yếu sản phẩm sữa thanh trùng, đơn vị này cũng tạo sự khác biệt ở khâu vận chuyển.Tức là đi thẳng từ trang trại, nhà máy đến người tiêu dùng mà không qua khâu trung gian. Theo chị Nguyệt, cách này sẽ giúp sữa không bị hư, đồng thời giá cả phải cạnh tranh. Người ta thường hay so sánh một sản phẩm mới với các mặt hàng cùng loại của những nhãn hàng đình đám khác. “Không có cách tiếp thị nào hiệu quả hơn bằng việc để khách hàng tự cảm nhận chất lượng. Đó là sữa không chất bảo quản, không dùng chất chống nhũ hóa… Có như vậy mình mới chinh phục khách hàng”, chị Nguyệt nói.
Cũng hướng đến sự khác biệt nhưng CEO Mobistar Ngô Nguyên Kha cho rằng, sự khác biệt đó phải đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Dẫn chứng câu chuyện “đem chuông đi đánh xứ người” của mình, vị CEO này đã trực tiếp đem điện thoại thông minh Mobistar đến thị trường Ấn Độ, cạnh tranh với các ông lớn công nghệ khác để chinh phục người dân xứ này. “Tôi tình cờ biết người Ấn Độ rất thích selfie (chụp ảnh tự sướng) nên tập trung đẩy mạnh phần camera tốt hơn, chụp góc rộng hơn, giá cả phải chăng. Do đó, khi giới thiệu sản phẩm, Mobistar đã vượt qua nhiều hãng điện thoại đình đám khác để được khách hàng Ấn Độ đón nhận”, anh Kha chia sẻ.
Làm thế nào để tìm được sự khác biệt khi có nhiều đối thủ cạnh tranh cùng lĩnh vực? Làm cách nào để đột phá và thành công trong thời đại công nghệ 4.0?… Ông Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch Tập đoàn Egroup - một trong những Shark Tank Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp (DN) ngành nghề nào cũng vậy, muốn cạnh tranh và thành công cần xác định mình đang bán gì, có gì khác biệt so với DN khác, có điểm nhấn nào “độc, lạ”…
Anh Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee bộc bạch: “Kinh nghiệm của mình là phải biết rõ khách hàng muốn gì, và mình có gì để phục vụ khách hàng. Khi bắt đầu khởi nghiệp, điều tôi nghĩ đến đầu tiên không phải là cần làm gì mà phải là “mình không nên làm gì”. Không phải bạn bán sản phẩm gì mà là đưa thông điệp gì đến khách hàng. DN startup không nên bắt chước, đi theo các DN đi trước mà luôn phải tìm ra lối đi cho riêng mình”.
Tận dụng lợi thế
Lấy ví dụ từ tư vấn cho Lactea, ông Mã Thanh Danh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn KIDO, Chủ tịch Công ty tư vấn quốc tế CIB chia sẻ khi bán trà, DN không chỉ bán sản phẩm trà mà phải đi vào văn hóa trà; đi tới nơi trồng trà ở Hà Giang, tìm hiểu cách trồng trà, bón trà, thu hoạch trà...
Từ đó xây dựng nên không gian thực nghiệm về trà, giúp khách hàng khi dùng trà cảm thấy nhẹ nhõm.Đối với những người xa xứ, khi thưởng thức vị trà nhớ lại quê hương, nhớ lại kỷ niệm. “Như vậy, cái thành công là “bán” kỷ niệm, “ bán” kí ức. Điều này đồng nghĩa, DN phải biết tận dụng những di sản, sản phẩm đặc trưng của Việt Nam, xuất xứ của nó để mang lại giá trị văn hóa cho sản phẩm.Từ đó mới có thể vượt qua ranh giới đại dương đỏ tiến vào đại dương xanh”, ông Danh chia sẻ.
Cho rằng startup Việt còn nhiều thua thiệt khi sánh với các DN nước ngoài, bà Christy Trang Lê, Giám đốc quốc gia Facebook Việt Nam tư vấn, DN nội địa nên tận dụng những cái mình có để “đi tắt đón đầu”, sử dụng Data (dữ liệu) một cách khôn ngoan nhất để đẩy DN đi tới, tạo ra những bước đột phá. “90% dân số mua sắm dạng offline, nhưng 60% lại quyết định mua hàng khi nhìn thấy sản phẩm đó online.2 thế giới online - offline nếu kết nối với nhau sẽ rất hữu hiệu. Và Data chính là tài nguyên vô giá để kết nối 2 thế giới này”, bà Christy Trang Lê nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, có rất nhiều nguồn vốn sẵn sàng rót vào DN startup, nhưng gọi vốn như thế nào là cả một vấn đề. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu muốn kêu gọi đầu tư từ Shark Tank, DN đó phải chứng minh được mô hình kinh doanh của mình thành công như thế nào, chiến lược trong các năm tiếp theo và đặc biệt, DN nói phải đi với con số, bằng chứng cụ thể mà mình làm được. Ngoài ra, họ phải chọn đúng nhà đầu tư phù hợp để rót vốn đầu tư cho doanh nghiệp mình.
Mới đây, tại hội thảo “Khám phá bí quyết tăng trưởng đột phá trong đại dương đỏ” tổ chức tại TPHCM, TS.LS Bùi Quang Tín - CEO Trường Doanh nhân Bizlight cho rằng, các công ty startup hiện đang thiếu nhiều về sự chuẩn bị pháp luật, về vốn, về công nghệ… Đặc biệt là thiếu tư vấn về chiến lược pháp luật.“Câu chuyện pháp lý không chỉ liên quan đến DN startup mà cả những DN lớn, hàng đầu tại Việt Nam. Cho nên, để tránh trường hợp xảy ra khủng hoảng mới “chạy đôn chạy đáo” xử lý thì các DN khởi nghiệp cần tìm cho mình một đơn vị tư vấn pháp lý thật kỹ càng để củng cố sức mạnh và vượt ra biển lớn” - LS Bùi Quang Tín nói.