Duy chỉ có một khác biệt là lần này ông Park không sử dụng đội hình 3-4-3 cho U23 Việt Nam như ở Cúp M-150 diễn ra tuần trước ở Thái Lan mà đã trở lại đội hình 4-4-2 nên cung cách phê bình chỉ trích cũng khác đi. Thay vì chê rằng ông Park không chịu nhập gia tuỳ tục khi cố gắng gò ép U23 Việt Nam sử dụng đội hình 3-4-3 tuy đang rất thịnh hành trên thế giới, nhưng bóng đá Việt Nam lại không có cầu thủ sở hữu tố chất phù hợp để đáp ứng sơ đồ này, thì sau trận thua Ulsan Hyundai người ta lại phán rằng HLV Park đã bố trí nhân sự không hợp lý, khiến U23 Việt Nam gần như vứt đi cả hiệp một trước CLB Hàn Quốc.
Có vẻ như tâm lý muốn ĐT thắng đẹp trong mọi trận đấu, kể cả giao hữu, đã là nỗi ám ảnh quá nặng với một bộ phận không nhỏ người hâm mộ bóng đá Việt Nam, nên chỉ cần ĐT bại trận hoặc thậm chí là thắng không ấn tượng thì lập tức cơn bão phê bình lại dấy lên.
Người ta quên mất rằng sẽ là rất vô nghĩa nếu như ĐT U23 Việt Nam giành chức vô địch giải giao hữu M-150 Cup, thắng tiếp CLB Ulsan Hyundai rồi sau đó lại trắng tay ở VCK U23 châu Á năm 2018 sẽ diễn ra sau đây khoảng gần nửa tháng nữa tại Giang Tô (Trung Quốc).
Từ trước đến nay bóng đá Việt Nam đã không biết bao nhiêu lần kỳ vọng lớn lao rồi lại thất vọng tột cùng với căn bệnh “thử kêu, đốt tịt”, nghĩa là các ĐTQG thường thi đấu rất ấn tượng ở những giải đấu giao hữu mang tính chất khởi động rồi trượt dài khi vào giải chính thức.
Rõ ràng ĐT U23 Việt Nam dưới quyền HLV Park đang trong quá trình thử nghiệm lắp ghép đội hình và việc những trục trặc hay bất ổn xuất hiện ở giai đoạn này là điều không thể tránh khỏi.
HLV Park cần được khen ngợi vì ông đã dám thử nghiệm chiến thuật mới cho ĐT U23 Việt Nam, như việc áp dụng sơ đồ 3-4-3, hay việc ông đã tạo cơ hội ra sân cho gần như tất cả những cầu thủ mà ông triệu tập, đồng thời liên tục gọi bổ sung một số nhân tố mới.
Không những thế, ông Park còn tỏ ra là một HLV rất tinh quái và kinh nghiệm khi liên tục thay đổi số áo của các cầu thủ U23 Việt Nam trong những trận giao hữu vừa qua. Điều này khiến cho các đối thủ nếu có lấy được băng ghi hình về U23 Việt Nam thì cũng không dễ để điểm mặt những trụ cột của đội bóng chúng ta.
Trong lịch sử bóng đá Việt Nam, chưa giải đấu nào mà chúng ta khởi đầu ấn tượng từ giai đoạn chuẩn bị mà lại có được kết thúc tốt đẹp, chẳng hạn như bi kịch ở SEA Games 2007, SEA Games 2011 hay gần nhất là SEA Games 2017 tại Malaysia, khi ĐT U22 Việt Nam đã chơi rất tốt ở vòng loại U22 châu Á diễn ra trước SEA Games không lâu, nhưng đến lúc chính thức tham dự SEA Games 2017 thì tất cả lại không còn là chính mình.
Và không nên quên rằng ở AFF Cup 2008, giải đấu đầu tiên và duy nhất mà ĐTQG Việt Nam giành chức vô địch bóng đá Đông Nam Á cho tới nay, ĐT Việt Nam dưới quyền HLV Henrique Calisto khi ấy đã sở hữu chuỗi trận khởi động kém ấn tượng nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam với 12 trận liên tiếp không thắng, nhưng sau đó đã lột xác hoàn toàn để thẳng tiến tới danh hiệu quán quân.
Nói như thế để thấy rằng việc đòi hỏi ĐT phải chiến thắng ở mọi giải đấu, mọi trận đấu là điều không thể, và có khi những va vấp, trục trặc trong giai đoạn chuẩn bị lại là cơ sở để chúng ta gặt hái thành công về sau.
Mà có một chi tiết rất đáng chú ý là bóng đá Việt Nam thường chỉ thăng hoa khi không phải chịu áp lực thành tích, chẳng hạn như danh hiệu vô địch AFF Cup 2008 hay thành tích giành vé tham dự U20 World Cup 2017, đấy đều là những giải đấu mà không ai nghĩ rằng chúng ta sẽ làm nên chuyện lớn, song cuối cùng thì điều bất ngờ tuyệt vời lại đã xảy ra.
Vì thế, có lẽ đã đến lúc cần phải đoạn tuyệt với tư duy đá giao hữu cũng phải thắng đẹp, thắng oanh liệt.