Chỉ thị 'cách ly toàn xã hội' ban hành dựa trên quy định nào?

Khi công bố dịch COVID-19 trên cả nước sẽ thực hiện kiểm soát ra, vào vùng có dịch bệnh, hạn chế các tụ tập đông người, tạm đình chỉ các hoạt động tại nơi công cộng.
Khi công bố dịch COVID-19 trên cả nước sẽ thực hiện kiểm soát ra, vào vùng có dịch bệnh, hạn chế các tụ tập đông người, tạm đình chỉ các hoạt động tại nơi công cộng.
TPO - Thủ tướng vừa ban hành Chỉ thị về Chỉ thị số 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Theo đối chiếu và phân tích của luật sư, chỉ thị này được ban hành dựa vào Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, dịch COVID -19 là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây rất nhanh, phát tán rộng với tỷ lệ tử vong cao. Vì thế, đây là bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 3 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Với bệnh truyền nhiễm nhóm A, Điều 53 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định các biện pháp ứng phó như sau: Hạn chế ra, vào vùng có dịch đối với người và phương tiện; trường hợp cần thiết phải kiểm tra, giám sát và xử lý y tế; cấm đưa ra khỏi vùng có dịch những vật phẩm, động vật, thực vật, thực phẩm và hàng hóa khác có khả năng lây truyền bệnh dịch; thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người vào vùng có dịch quy định trong Luật.

Điều 53 của Luật cũng quy định, Trưởng Ban chỉ đạo chống dịch thành lập các chốt, trạm kiểm dịch tại các đầu mối giao thông ra, vào vùng có dịch để thực hiện các biện pháp quy định như trên. 

Theo luật sư Nguyên, ngoài các biện pháp quy định tại Điều 53 nêu trên, các biện pháp chung khi có dịch (quy định tại Điều 52 của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm) cũng được áp dụng trong tình huống dịch nhóm A.

Cụ thể, Điều 52 quy định: Tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch; cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm được cơ quan y tế có thẩm quyền xác định là trung gian truyền bệnh dịch; hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động, dịch vụ tại nơi công cộng tại vùng có dịch. Luật cho phép Chính phủ quy định cụ thể việc áp dụng các biện pháp quy định tại khoản vừa nêu.

Với cá nhân người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch trong tình huống dịch nhóm A, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định phải thực hiện một hoặc một số biện pháp bảo vệ cá nhân sau đây: Trang bị bảo vệ cá nhân; sử dụng thuốc phòng bệnh; sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế để phòng bệnh; sử dụng hoá chất diệt khuẩn, hoá chất phòng trung gian truyền bệnh.

Luật sư Nguyên cho hay, các giải pháp được Thủ tướng đưa ra trong chỉ thị nêu trên đảm bảo quy định trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm nhưng quy mô áp dụng ở cấp độ toàn quốc, không phân biệt theo tỉnh thành. “Vừa qua, các biện pháp phòng chống dịch đã được áp dụng nhưng chưa đầy đủ, chỉ đối với một số thành phố trọng điểm nay áp dụng đầy đủ, trên phạm vi toàn quốc”.

Luật sư Nguyên thông tin thêm, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm còn quy định một cấp độ cao hơn trường hợp cơ quan chức năng ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch (quy định tại điều 54). Điều luật này đưa ra các biện pháp mạnh hơn Điều 53 như: Đặt biển báo hiệu, trạm gác và hướng dẫn việc đi lại tránh vùng có dịch; Yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế đối với phương tiện vận tải trước khi ra khỏi vùng có dịch; cấm người, phương tiện không có nhiệm vụ vào ổ dịch;

Tổ chức tẩy uế, khử độc trên phạm vi rộng; tiêu hủy động vật, thực phẩm và các vật khác có nguy cơ làm lây lan bệnh dịch sang người; cấm tập trung đông người và các hoạt động khác có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch và … và quy định về huy động các nguồn lực khi tham gia phòng, chống dịch.

MỚI - NÓNG