Chi phí tài chính 'ăn mòn' lợi nhuận doanh nghiệp

Chi phí tài chính 'ăn mòn' lợi nhuận doanh nghiệp
Lý do chung của hầu hết các doanh nghiệp làm ăn sa sút quý III là lãi vay và giá vốn cao, tồn kho lớn. Có đơn vị phải trả chi phí tài chính nhiều gấp 5 lần lợi nhuận, hàng tồn chiếm 60-87% tổng tài sản.

Chi phí tài chính 'ăn mòn' lợi nhuận doanh nghiệp

> Doanh nghiệp thủy sản khát vốn
> DNNN thua lỗ ngàn tỷ vẫn xếp hạng A

Lý do chung của hầu hết các doanh nghiệp làm ăn sa sút quý III là lãi vay và giá vốn cao, tồn kho lớn. Có đơn vị phải trả chi phí tài chính nhiều gấp 5 lần lợi nhuận, hàng tồn chiếm 60-87% tổng tài sản.

Nhiều doanh nghiệp thủy sản chịu cảnh chi phí tài chính và giá vốn cao đẩy lợi nhuận sụt giảm. Ảnh: VASEP
Nhiều doanh nghiệp thủy sản chịu cảnh chi phí tài chính và giá vốn cao đẩy lợi nhuận sụt giảm. Ảnh: VASEP.

Bi đát nhất có lẽ là các doanh nghiệp thủy sản đang rơi vào tình trạng chi phí tài chính và giá vốn cao đẩy lợi nhuận sụt giảm. Cụ thể, trong quý III năm nay, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long (ACL) có lợi nhuận sau thuế đạt 2,1 tỷ đồng, chỉ bằng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 32 tỷ đồng). Lãi bị sụt giảm nhưng chi phí tài chính lại gấp đôi lợi nhuận (lên đến 5,2 tỷ đồng), trong đó, chi phí đi vay mà doanh nghiệp phải trả là 5,1 tỷ đồng.

Tương tự, quý III Công ty cổ phần Nam Việt (ANV) có lợi nhuận sau thuế đạt 5,5 tỷ đồng, chưa bằng 25% quý III năm ngoái (22,3 tỷ đồng). Chi phí tài chính của công ty này lên đến 13 tỷ đồng, không chỉ tăng so với cùng kỳ mà còn cao hơn hai lần lợi nhuận.

Với Công ty cổ phần đường Ninh Hòa (NHS), lợi nhuận sau thuế trong quý III của doanh nghiệp chỉ đạt hơn 3 tỷ đồng, chưa bằng con số lẻ của cùng kỳ năm ngoái (hơn 54 tỷ đồng). Nguyên nhân của sự sa sút lợi nhuận này là do giá vốn quá cao, chiếm 86% doanh thu. Thêm vào đó, chi phí tài chính của đơn vị này cũng tăng so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn gấp 5 lần so với lợi nhuận.

Cũng chìm trong vòng xoáy này, không chỉ bị chi phí tài chính ăn mòn lợi nhuận, các doanh nghiệp bất động sản còn trầy trật với hàng tồn kho. Theo báo cáo tài chính quý III của các doanh nghiệp niêm yết, danh sách doanh nghiệp địa ốc bị lỗ khá dài: Công ty địa ốc Khang An (KAC), Quốc Cường Gia Lai (QCG), Vạn Phát Hưng (VPH), Đầu tư Bất động sản Việt Nam (VNI)...

Khó khăn càng chồng chất khi nhiều đơn vị có lượng hàng tồn kỷ lục chiếm 60-87% tài sản doanh nghiệp. Cụ thể, Quốc Cường Gia Lai tồn kho hơn 3.500 tỷ đồng, Vạn Phát Hưng đọng hơn 1.300 tỷ đồng, còn Phát Đạt lên đến hơn 4.400 tỷ đồng. Theo các chuyên gia, nguồn vốn và chi phí tài chính tích tụ rất lớn trong hàng tồn kho. Nếu không giải phóng được thế bế tắc này, sức khỏe của doanh nghiệp cũng sẽ bị đe dọa.

Tổng giám đốc Công ty bất động sản Phúc Đức, Lâm Văn Chúc than: "Tôi có nhiều dự án bị lỗ vì lãi suất ăn mòn vào vốn gốc trong 4 năm qua. Nếu tình hình này kéo dài thì 10 năm nữa kinh tế cũng không phục hồi nổi".

Trong thời kỳ lãi suất tăng nóng, ông có hợp đồng vay lên đến 25,4% một năm. Dù đã hạ nhiệt được phần nào nhưng mức lãi vay 15% một năm như hiện nay vẫn còn quá cao, không phù hợp cho đầu tư kinh doanh hay sản xuất.

Chi phí tài chính của doanh nghiệp bất động sản còn kẹt trong các dự án dở dang (hàng tồn) cũng không nhỏ. Ảnh: Đ.C
Chi phí tài chính của doanh nghiệp bất động sản còn kẹt trong các dự án dở dang (hàng tồn) cũng không nhỏ. Ảnh: Đ.C.

Trưởng khoa Tài chính ngân hàng Đại học Mở TP HCM, Nguyễn Văn Thuận phân tích: "Chi phí tài chính đang khiến doanh nghiệp thêm ngột ngạt giữa vô vàn khó khăn, trong đó lãi vay được xem là nặng nhất. Về lý thuyết, lãi vay đang hạ nhưng thực tế lại không thấp chút nào".

Theo ông Thuận, gần đây lãi vay tuy có giảm đôi chút đối với những khoản nợ mới, nợ cũ cũng được điều chỉnh nhưng không nhiều. Do đó chi phí tài chính, đặc biệt là lãi vay vẫn gây áp lực rất lớn đối với doanh nghiệp.

Trưởng khoa Tài chính ngân hàng Đại học Mở TP HCM nhận định, Chính phủ đang bàn giảm lãi suất, áp dụng trần lãi suất cho vay là bước đầu hỗ trợ doanh nghiệp trong việc giảm chi phí vốn. Tuy nhiên, bên cạnh việc áp trần lãi suất cho vay, doanh nghiệp còn phải chịu phí phát sinh nên lãi suất thực tế vẫn cao. "Một vấn đề khác thậm chí còn nan giải hơn là chi phí tài chính đang kẹt trong núi hàng tồn kho là những con số khủng", ông nói.

Hỗ trợ lãi suất, theo ông Thuận, chỉ có thể gỡ được một phần nhỏ khó khăn. Điều quan trọng trong thời điểm này là phải làm sao tăng sức tiêu thụ trở lại để doanh nghiệp xử lý hàng tồn kho và phục hồi sản xuất. Nếu sức tiêu thụ tốt thì dù bị lỗ doanh nghiệp cũng có được dòng tiền, từ nguồn thu này có thể khấu hao và cân đối lại tài chính, tạo điều kiện cho quá trình phục hồi.

Ông Thuận dự báo, khả năng kéo lãi vay xuống 12% trong lúc này là không tưởng. Mức hợp lý có thể là ngưỡng 14-15% nhưng cộng thêm chi phí sẽ cao hơn mức này một chút. "Nghẽn ở hàng tồn kho lại là tử huyệt khiến cho doanh nghiệp mệt mỏi nhất. Lãi suất chủ yếu bị chôn trong lượng hàng này, nếu doanh nghiệp không thể tìm được đầu ra, hậu quả sẽ rất nặng nề", ông cho hay.

Theo Vũ Lê
VnExpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.