Chi phí logistics của Việt Nam tương đương 20,9% GDP?

TP - Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics năm 2016 của Việt Nam đứng thứ 64/160 nước; tốc độ phát triển bình quân hằng năm của ngành logistics Việt Nam khoảng 14-16%. Tuy nhiên, vấn đề nổi cộm nhất là chi phí logistics của Việt Nam ở mức cao, tương đương 20,9% GDP.

Phát biểu kết luận Hội nghị toàn quốc về logistics diễn ra ở Hà Nội ngày 16/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao các bộ, ngành một số nhiệm vụ cụ thể để phát triển logistics Việt Nam. Trong đó, Thủ Tướng yêu cầu các bộ xây dựng chỉ thị của Thủ tướng để phát triển ngành này nhằm kéo giảm chi phí logistics.

Các thông tin tại hội nghị cho thấy, việc cạnh tranh về chất lượng, giá cả hàng hoá ngày càng bị thu hẹp. Các nhà sản xuất, xuất nhập khẩu chuyển sang cạnh tranh về tốc độ, chi phí, sự hợp lý trong quá trình giao hàng. Đây chính là tầm quan trọng và cơ hội phát triển của ngành logistics thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.    

Trong khi đó, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics năm 2016 của Việt Nam đứng thứ 64/160 nước; tốc độ phát triển bình quân hằng năm của ngành logistics Việt Nam khoảng 14-16%. Tuy nhiên, vấn đề nổi cộm nhất là chi phí logistics của Việt Nam ở mức cao, tương đương 20,9% GDP.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến bức xúc về chi phí logistics quá cao tại Việt Nam. Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho hay, sẽ không khắc phục được tình hình nêu trên nếu không chỉ rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm. Theo ông Cung cho rằng: “Việc đầu tư quá nhiều vào đường bộ cũng là nguyên nhân đẩy chi phí logistics lên cao nhưng chưa được chỉ ra để khắc phục”.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, dù có nhiều bước phát triển nhưng chi phí logistics hiện còn quá cao, tập trung vào đường bộ; trong khi vận tải đường bộ cao tốc, đường thủy, hàng hải, đường sắt không được tập trung đầu tư.

Thủ tướng nhấn mạnh, lượng hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh, vị trí địa lý của Việt Nam có thể là trung tâm trung chuyển hàng hoá, các hiệp định thương mại đã được ký kết… bắt buộc ngành logistics Việt Nam phải phát triển.

Thủ tướng yêu cầu: Bộ GTVT, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương, tiếp thu ý kiến, khẩn trương giải quyết các kiến nghị của các hiệp hội, các doanh nghiệp vận tải, logistics, cắt giảm ngay các thủ tục không cần thiết. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải 10 nhiệm vụ, Bộ Công thương 7 nhiệm vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư 3 nhiệm vụ, 2 nhiệm vụ đối với Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…

MỚI - NÓNG