Chi phí “bôi trơn” cán bộ thuế còn cao

TP - Có khoảng 50% số doanh nghiệp (DN) cho biết từng gặp phiền hà về thủ tục thuế. Trong khi đó, tỷ lệ các DN phải chi trả những khoản chi phí không chính thức trong những lần thanh, kiểm tra thuế còn cao.

Đây là thông tin từ buổi công bố khảo sát mức độ hài lòng của DN về ngành thuế năm 2014 diễn ra hôm qua 11/8. Ông Đậu Anh Tuấn-Trưởng Ban Pháp Chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-VCCI), cho biết: Qua khảo sát cho thấy, tới gần một nửa số DN từng gặp phiền hà khi thực hiện thủ tục thuế (49%). Trong đó, có 2 nhóm thủ tục “bị kêu” nhất là đăng ký thuế, thay đổi thông tin đăng ký thuế và khai thuế.

Theo ông Tuấn, có 52% DN tham gia khảo sát tiếp đón đoàn thanh, kiểm tra thuế trong năm qua. DN có quy mô doanh thu càng lớn, xu hướng bị thanh, kiểm tra thuế càng cao. Trong đó, DN lĩnh vực khai khoáng bị thanh, kiểm tra cao nhất (63%), tiếp đó là lĩnh vực xây dựng (53%), công nghiệp chế tạo (50%), nông nghiệp (49%)…

Ông Tuấn cho biết thêm, chi phí không chính thức là vấn đề nhức nhối ở Việt Nam lâu nay, và lĩnh vực thuế không ngoại lệ. Theo khảo sát, có khoảng 32% các DN cho biết họ phải chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thuế. Trong đó, khoảng 19% DN Nhà nước cho biết phải “chi thêm”. Đặc biệt, có tới 41% doanh nghiệp FDI đã phải trả chi phí không chính thức cho công chức thuế.

Vậy, nếu không “chi thêm”, liệu DN có bị phân biệt đối xử? Tới 40% số DN tin rằng, họ sẽ “có chuyện”. Gần một nửa số DN FDI lo ngại vấn đề trên, tiếp đó là DN dân doanh (42%) và con số này ở DN Nhà nước là gần 30%.

Theo khảo sát, trong số những DN cho rằng sẽ bị phân biệt đối xử nếu “không chi”, 50% cho biết họ sẽ bị yêu cầu bổ sung, giải trình hồ sơ; khoảng 37% lo ngại họ bị kéo dài thời gian làm thủ tục thuế và khoảng 15% cho biết công chức thuế sẽ có thái độ không văn minh, lịch sự khi tiếp xúc.

Vì sao DN càng lớn, thanh, kiểm tra thuế càng nhiều? Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng: “Dường như ngành thuế thanh, kiểm tra theo mục tiêu của mình với tư duy truyền thống”. Theo ông Tuấn, năm 2015, cơ quan thuế phải chuyển sang xây dựng cơ chế quản lý rủi ro cho 530 nghìn DN trên cả nước. “Không thể để việc thanh, kiểm tra thuế theo cảm tính”, ông Tuấn nói. Ngoài ra, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, nhiều đối tượng “có sự phiền hà” lớn không kém, đòi hỏi ngành thuế tiếp tục đổi mới.

Làm thế nào để hạn chế tham nhũng trong ngành thuế? Lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, cần thực hiện các thủ tục qua mạng, hạn chế tiếp xúc cán bộ thuế và DN; thanh, kiểm tra khách quan, không phụ thuộc vào lãnh đạo cơ quan thuế.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng, cải cách thủ tục hành chính thuế không chỉ dừng lại ở DN, mà cần mở rộng ra khối dân doanh (như 1,6 triệu hộ, cá nhân kinh doanh). “Phải công khai, minh bạch thì nhũng nhiễu mới hết. Cần giảm sự tiếp xúc giữa cán bộ thuế và người nộp thuế”, bà Cúc nói.

MỚI - NÓNG