Chỉ phạt một DN, vì sao?

Chỉ phạt một DN, vì sao?
TP - Người dân vui mừng trước sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc giá cước vận tải phải giảm (trước Tết). Các đoàn thanh tra chuyên ngành lên đường tìm hiểu về cơ cấu giá.

Thế rồi sau thời gian dài kiểm tra, cộng với ba lần hoãn công bố kết quả như cam kết, các đoàn này đã khiến người dân không khỏi thất vọng bởi khắp cả 3 miền chỉ phạt được mỗi 1 doanh nghiệp.

Thực ra, không cần đợi đến buổi họp báo công bố tại Bộ Tài chính, mà trong quá trình kiểm tra, những đoàn thanh tra đã phần nào hé lộ việc giảm giá cước nhỏ giọt. Vấn đề ở đây không chỉ là giảm, mà phải giảm tương ứng với giá nhiên liệu (đã giảm gần 40%). Nếu cước vận tải chỉ giảm chiếu lệ thì chắc chắn nhà nước không phải tốn tiền công tác phí để cử các cán bộ mất nhiều thời gian thực thi công vụ đến thế.

Thật trớ trêu, sau công bố kết quả thanh tra (rằng có giảm giá cước), nhiều nơi xuất hiện cảnh xe khách nhồi nhét người, tăng giá vé vô tội vạ. Tệ hơn, không ít hãng xe khách còn xin phụ thu giá vé. Có lẽ, chuyện sẽ không chỉ dừng ở đó.

Dù cơ quan chức năng biện minh, giá cước vận tải đường bộ không thuộc phạm vi quản lý của nhà nước, nhưng một khi có dấu hiệu bất thường cũng cần vào cuộc nghiêm túc để can thiệp. Huống gì, đây là lĩnh vực có tác động lớn tới mặt bằng giá cả. Cước vận tải không giảm, các loại hàng hóa tiêu dùng khác khó có cơ hội giảm theo. Thế còn, giá cước vận tải hàng không tuy được nhà nước quản lý bằng giá trần, nhưng trong đợt giảm giá nhiên liệu này cũng chỉ nhúc nhích giảm không đáng kể. Vé máy bay dịp cao điểm Tết thực sự chỉ dành cho người có tiền. Giá cước vận tải đang “móc túi” người tiêu dùng. Trong khi đó công cụ quản lý của nhà nước lại chưa đủ sắc để điều tiết. Đây không chỉ đơn thuần là chuyện đi lại, mà cơ hội cho sự phục hồi của cả nền kinh tế. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, kết quả kiểm tra vừa rồi chưa đi đến đích.

Điều lạ lùng nhất liên quan tới giá cước vận tải lần này là sự thờ ơ đến khó hiểu của Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương). Việc các doanh nghiệp vận tải không giảm giá cước (dù giá xăng dầu đã giảm sâu) có biểu hiện của việc “bắt tay” làm giá. PV Tiền Phong nhiều lần liên lạc với người có trách nhiệm tại cơ quan này, nhưng đều nhận được trả lời không thỏa đáng.

Cơ quan chức năng, nơi chưa đi đến đích, nơi thờ ơ với sự việc. Không biết người dân sẽ trông cậy vào ai đây?.

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.