Chị em trổ tài vào bếp lúc nghỉ dịch, 'cháy' nguyên liệu, dụng cụ làm bánh

TPO - Trong những ngày cách ly toàn xã hội, nhiều bà nội trợ tranh thủ thời gian, trổ tài nấu ăn, làm bánh,… Kéo theo đó, nhu cầu tìm mua nguyên liệu, dụng cụ nhà bếp tăng mạnh, nhiều cửa hàng bất ngờ khi lượng đơn tăng vọt trong mùa dịch COVID-19

Chia sẻ trên mạng xã hội, trong các hội nhóm bếp núc có tới hàng trăm bài viết mỗi ngày, chủ đề chính xoay quanh việc sáng tạo, trao đổi công thức nấu ăn, đặc biệt là làm bánh. Nhiều người dùng tài khoản facebook hào hứng chia sẻ thành quả, bí quyết bếp núc, giới thiệu cho nhau những nguyên liệu ngon, thiết bị mới, chất lượng. 

Chị em trổ tài vào bếp lúc nghỉ dịch, 'cháy' nguyên liệu, dụng cụ làm bánh ảnh 1

Nguyên liệu, dụng cụ đắt đỏ, nhiều hoá đơn sắm đồ làm bánh của chị em lên tới tiền triệu

Quyết định biến những ngày nghỉ thêm thú vị và bận rộn hơn, chị Minh Trang (Nam Từ Liêm, Hà Nội) mày mò cách làm bánh thông qua video hướng dẫn trên mạng xã hội. Để chuẩn bị cho mẻ bánh đầu tiên, chị Trang mất gần 1 tuần tìm mua đủ nguyên liệu.

“Mình gần như chưa có nguyên liệu hay dụng cụ gì nên tất cả phải mua mới, đặt tới 3 nơi mới tạm đủ đồ, mỗi thứ một ít cũng hết hơn 1,5 triệu đồng, đắt nhất là chiếc máy đánh trứng. Các món cơ bản như bột mỳ, men nở mà cũng canh mãi mới mua được”, chị Trang kể.

Chị Thuý Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng phải chờ cả tuần để nhận được chiếc nồi chiên không dầu. “Nồi tầm 1 triệu mình đã hỏi nhiều nơi nhưng đều hết hàng, trước đó thì liên tục thấy quảng cáo trên facebook, giờ không nghĩ khó mua thế này. Nồi to và đắt hơn thì mình đã tham khảo ở mấy siêu thị điện máy nhưng chưa đủ khả năng, đành chờ đặt hàng trên mạng”.

Chị em trổ tài vào bếp lúc nghỉ dịch, 'cháy' nguyên liệu, dụng cụ làm bánh ảnh 2 Bộ khuôn làm bánh cuốn được hội chị em ở nhà săn lùng trong những ngày ở nhà chống dịch

Bất ngờ khi lượng đơn tăng vọt, anh Duy Anh, chủ một shop online cung cấp đồ làm bánh tất bật chuẩn bị hàng hoá cho khách.

“Đồ làm bánh nhiều món lắt nhắt, công đoạn chốt đơn cũng tốn kha khá thời gian vì phải kiểm tra từng món, món nào hết thì báo lại cho khách, chờ phản hồi từ họ rồi mới đóng đồ và giao hàng. Càng những đồ cơ bản, bán càng chạy. Có lẽ nhiều người bây giờ mới làm bánh nên đều mua giống nhau, bao gồm: bột mỳ, bơ, đường, kem tươi và một số dụng cụ cân đo, trộn bột, đánh trứng”.

Để tiết kiệm chi phí và tiện cho khách hàng sử dụng, anh Duy Anh thường đóng gói nguyên liệu thành các phần nhỏ, ví dụ như chia bao bột mỳ 25kg thành từng túi 1kg, chia hộp phô mai 1kg thành nhiều miếng 100 – 200g.

“Trước đây có thời gian và đông nhân viên thì mình vẫn làm vậy, nhưng đợt này ít người, nhiều đơn, làm không xuể. Bây giờ chỉ bán 2-3 ngày là hết số đồ bình thường bán cả tuần, đơn đều yêu cầu giao tận nơi nên cũng vất vả hơn”, anh Duy Anh nói.

Hạn chế bán tại nhà, chỉ nhận ship hoặc giao đồ cho khách đặt trước, anh Duy Anh khuyến khích khách hàng chuyển khoản thay vì trả tiền mặt trong mùa COVID-19. 

Chị Ngọc Huyền, nhân viên một chuỗi cửa hàng bán đồ làm bánh tại Hà Nội cho biết, một ca làm việc hiện có 3 nhân viên, bình thường khá thoải mái nhưng những ngày thì không “tải” nổi. Một người làm thu ngân, một người trực điện thoại, kiểm hàng và chốt đơn, người còn lại bán hàng, tư vấn, kiêm luôn dắt xe khi cần.

Chị Huyền cho hay, công ty đã đóng cửa một số cửa hàng, không bán trực tiếp để tập trung giải quyết đơn online. Với một số mặt hàng, cửa hàng chỉ bán tối đa 2 sản phẩm/ hoá đơn vì nhu cầu mua quá cao. “Bột mỳ số 13, đế bánh trứng… bây giờ phải bán giới hạn để nhiều người cùng mua được, thế nhưng hàng về cũng chỉ 1 ngày là hết”, chị Huyền cho hay.

Ngoài ra, bộ khuân làm bánh cuốn cũng đang thu hút các chị em trong mùa dịch. Chị Vũ Thị Vân (Hoàng Mai, Hà Nội), cho hay, bộ khuôn tráng bánh mà chị đang bán được các bà nội trợ ủng hộ nhiệt tình. "Dịp này mọi người ở nhà nhiều, lại không có gì giải khuây nên khuôn làm bánh cuốn là "hot trend" trong thời điểm này", chị nhận định. 

Theo chị Vân, mỗi lần đăng bán có thể thu được vài triệu đồng vì lượng khách đặt lên tới vài trăm cái. Nhiều khách đặt thêm phải chờ tới đợt tiếp theo.

MỚI - NÓNG