Bê bối trong đấu thầu thuốc ở Đắk Lắk:

Chỉ đạo lần thứ 3 về điều chuyển cán bộ vẫn chưa xong

Những bệnh nhân thiếu thuốc kể khổ với phóng viên.
Những bệnh nhân thiếu thuốc kể khổ với phóng viên.
TP - Tới nay, Sở Y tế Đắk Lắk vẫn chưa chấp hành chỉ thị điều chuyển kế toán trưởng, dù tỉnh đã 3 lần ra công văn chỉ đạo về vấn đề này. 

Tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh trầm trọng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện nay bắt nguồn từ cuộc đấu thầu thuốc bộc lộ nhiều sai phạm nghiêm trọng, mà báo Tiền Phong đã phản ánh qua loạt bài “Tiêu cực trong đấu thầu dược phẩm - Nhóm lợi ích thao túng” đăng trong tháng 9/2015. Tuy nhiên tới nay, Sở Y tế vẫn chưa chấp hành chỉ thị điều chuyển kế toán trưởng, dù tỉnh đã 3 lần ra công văn chỉ đạo về vấn đề này. 

Sau khi báo Tiền Phong đăng bài đầu tiên trong loạt bài “Tiêu cực trong đấu thầu dược phẩm - Nhóm lợi ích thao túng”, trả lời phỏng vấn của nhóm phóng viên vì sao Sở Y tế Đắk Lắk để xảy ra các sai phạm nghiêm trọng này, ông Doãn Hữu Long Giám đốc Sở trả lời “Do không được tham mưu tốt!”, mà người chịu trách nhiệm chính về các tham mưu sai trái này, ông Long cho biết, là kế toán trưởng Nguyễn Hữu Thông.

Theo tìm hiểu của báo Tiền Phong, ông Nguyễn Hữu Thông đã công tác tại phòng Tài chính kế toán Sở hơn 20 năm, trong đó 16 năm nay ông Thông liên tục giữ chức trưởng phòng Tài chính kế toán, kiêm Kế toán trưởng, trái quy định hiện hành của tỉnh về các chức danh không được bổ nhiệm quá 2 nhiệm kỳ công tác. Với sự liên đới của ông Thông, hàng loạt vụ đấu thầu dược phẩm và trang thiết bị y tế trên địa bàn tỉnh đã bị nhiều doanh nghiệp khiếu nại có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng. Trong đó, riêng việc cố ý làm trái, quyết chi sai hơn 2,8 tỷ đồng mua 111 máy vi tính để bàn từ năm 2010 với giá hơn 23 triệu đồng 1 máy, bằng nguồn đầu tư sai mục đích cho Bệnh viện Đa khoa Tây Nguyên tới thời điểm này vẫn chưa xây xong, đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo lãnh đạo tỉnh từ tháng 10/2015, tới nay vẫn chưa có cán bộ nào bị kỷ luật.

 Tháng 10/2015, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo xác minh, làm rõ các dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng về việc đấu thầu mua thuốc và trang thiết bị y tế tại tỉnh Đắk Lắk, xử lý theo quy định pháp luật, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/11/2015.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã ký quyết định số 2902, thành lập đoàn thanh tra liên ngành, tiến hành thanh tra công tác đấu thầu thuốc và mua sắm trang thiết bị y tế giai đoạn từ năm 2011 đến tháng 9/2015. Do tiến trình thanh tra chậm chạp, kéo dài, lãnh đạo tỉnh đã phải gửi văn bản lên Thủ tướng Chính phủ xin hoãn thời hạn báo cáo.

Trong khi chờ kết luận cuối cùng của đoàn thanh tra tới nay chưa xong, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ thị chấn chỉnh các hoạt động của Sở Y tế. Trong đó riêng nội dung yêu cầu giám đốc Sở Y tế phải thực hiện luân chuyển cán bộ, tạm thời không để ông Thông tiếp tục giữ các chức vụ hiện tại, nhằm phục vụ công tác thanh tra, UBND tỉnh đã phải ban hành lần lượt tới 3 công văn. Đó là các CV số 275 ký ngày 24/12/2015, CV số 335 ký ngày 15/1/2016, và mới đây, là CV 1467 ký ngày 4/3/2016.

Việc xử lý quá chậm trễ, chưa nghiêm túc chỉ thị của Phó Thủ tướng Chính phủ đối với các sai phạm về đấu thầu dược phẩm và đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế xảy ra tại Sở Y tế Đắk Lắk đang khiến tư tưởng cán bộ công nhân viên y tế trên địa bàn tỉnh bất an, công tác khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh kém hiệu quả. Đối tượng gánh chịu thiệt thòi, chính là cán bộ nhân dân toàn tỉnh, trong đó có hàng vạn người đã mua bảo hiểm y tế.

Riêng nội dung yêu cầu giám đốc Sở Y tế phải thực hiện luân chuyển cán bộ, tạm thời không để ông Thông tiếp tục giữ các chức vụ hiện tại, nhằm phục vụ công tác thanh tra, UBND tỉnh đã phải ban hành lần lượt tới 3 công văn. Đó là các CV số 275 ký ngày 24/12/2015, CV số 335 ký ngày 15/1/2016, và mới đây, là CV 1467 ký ngày 4/3/2016.

MỚI - NÓNG