Vụ phá rừng thủy điện Khe Diên (Quảng Nam) :

Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh “thoát” trách nhiệm?

Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh “thoát” trách nhiệm?
TP - Một trong những điểm chú ý của vụ phá rừng thủy điện Khe Diên tại Quế Sơn, là khi chưa có giấy phép khai thác, kiểm lâm địa phương đã phát hiện một lượng rất lớn gỗ bị triệt hạ, sau đó huyện và tỉnh chỉ đạo đưa vào gỗ tận thu, hợp thức hóa giấy tờ.
Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh “thoát” trách nhiệm? ảnh 1
Gỗ khai thác lậu trong vụ Khe Diên

Hạt trưởng Kiểm lâm (KL) huyện là ông Trương Đức Mười đã bị khởi tố. Nhưng theo điều tra của chúng tôi, vụ việc này không đơn thuần là trách nhiệm xử lý không đúng pháp luật của KL Quế Sơn.

Ngày 11/1/2006, KL Quế Sơn phát hiện 211 bảng gỗ và 38 lóng gỗ, khối lượng là 71,42 m3 bị triệt hạ. Ngày 18/1, KL huyện và tỉnh lập biên bản xác minh. Số gỗ trên, dù đã bị xẻ ra, nhưng đều được đóng búa bài cây. Ngày 19/1, KL huyện có báo cáo gửi KL tỉnh và huyện  xin ý kiến chỉ đạo. Ngày 20/1, KL tỉnh có công văn chỉ đạo tổ chức điều tra.

KL sau đó đã mời ông Lê Văn Ngọc - GĐ Cty Ngọc Sơn đến để làm rõ dấu búa bài cây đã đóng vào số gỗ trên. Dấu búa do Chi cục Lâm nghiệp tỉnh giao búa cho đơn vị  thiết kế là Cty Lâm đặc sản Quảng Nam đóng. Từ ngày 9-14/2, KL huyện và xã Quế Ninh kiểm tra hiện trường, phát hiện số gỗ trên có nguồn gốc từ  35 gốc cây bị chặt, tại các tiểu khu 432, 434, 442, 444. 446, 447. 

Ngày 16/2, UBND huyện Quế Sơn đã chỉ đạo KL huyện giao số gỗ trên cho Cty Ngọc Sơn quản lý. Tại cuộc họp ngày 15/3, có sự tham gia của Chi cục trưởng KL tỉnh là ông Diệp Thanh Phong, huyện đã chỉ đạo giao số gỗ trên cho UBND huyện.

Câu hỏi đặt ra ở đây : Đây là số gỗ trái phép, tại sao với trách nhiệm của mình, ông Phong không kiên quyết thể hiện quan điểm của mình, chỉ đạo KL huyện khởi tố vụ án, chuyển số gỗ trên sang cơ quan điều tra, mà cũng đồng tình với chỉ đạo sai của huyện?

Lần thứ 2, ngày 11/4/2006, KL huyện cùng với xã Quế Ninh và đơn vị khai thác, phát hiện 150 bảng gỗ, dọc theo tuyến đường dài 3 km vào khu vực đang thi công thủy điện, trên đầu gỗ đều có  đóng dấu búa bài cây, ký hiệu QL 363. Lúc này, do mưa lớn và đường đi khó, nên số lượng gỗ trên chưa được xác định, KL huyện chỉ còn cách chốt chặn và bảo quản, xin ý kiến chỉ đạo từ  tỉnh.

Ngày 16/4, KL huyện có báo cáo số 03, gửi huyện xin ý kiến chỉ đạo. Ngày 13/9,  KL huyện có báo cáo 41, gửi KL tỉnh và lãnh đạo huyện, nêu: Số gỗ trên, Cty Ngọc Sơn đã khai thác trên đường và 2 bên đường, thuộc  tiểu khu. Tổng 444.

Tổng số gỗ là 53,45 m3; tiểu khu 446 cũng bị Cty mở ra một số đoạn ngoài thiết kế và đã khai thác một số gỗ , tuy nhiên số gỗ này không xác định được vì đã được vận chuyển ra khu tập trung. Hai tiểu khu trên địa phận xã Quế Phước, nằm ngoài thiết kế khai thác lòng hồ thủy điện, KL huyện đã lập biên bản đình chỉ việc mở đường của Cty này.

Ông Ngọc giải trình là số gỗ trên nằm trong khu  vực được thiết kế bổ sung, đang chờ phê duyệt. Ngày 19/9, KL tỉnh có CV 345, cũng do ông Phong ký, chỉ đạo: Đối với số gỗ tận dụng ngoài  khu vực thiết kế là vi phạm pháp luật, yêu cầu KL huyện đình chỉ ngay việc khai thác và giao cho Cty Ngọc Sơn bảo quản, đồng thời kiểm tra khối lượng, nguồn gốc.

Nếu toàn bộ số gỗ này có nguồn gốc trong khu vực lòng hồ thủy điện,  trên diện tích đã được tỉnh cho chuyển mục đích sử dụng đất, thì yêu cầu Cty Ngọc Sơn khẩn trương hoàn tất các thủ tục pháp lý để tận thu, tận dụng. Nếu số gỗ trên không thuộc khu vực lòng hồ, thì lập biên bản xử lý vi phạm. Chuyện chưa đến đâu cả, ngày 27/9, giấy phép khai thác bổ sung do ông Hồ Tấn Sơn, GĐ Sở NN&PTNT ký, đã về, trùm lên toàn bộ diện tích mà số gỗ trên đã bị triệt hạ. Nó đã nhanh chóng được hợp thức hóa.

Vấn đề đặt ra ở đây là: Tại sao CV trên lại nói “nước đôi”? KL địa phương đã khẳng định đó là số gỗ ngoài thiết kế, vi phạm pháp luật, thì sao KL tỉnh  không  chỉ đạo khởi tố ngay? Giả sử nếu sau đó, nó là gỗ nằm trong khu vực khai thác, thì việc hoàn trả lại cũng không muộn, bởi lập luận của  Cty Ngọc Sơn là nó nằm trong khu vực chờ thiết kế bổ sung, xét thời điểm đó, là không hợp pháp,  lý do  đơn giản là chưa cho phép thì không được làm.

Tại sao ông Phong lại dựa vào giải trình thiếu cơ sở pháp lý của Cty Ngọc Sơn, đưa ra phán quyết cho cấp dưới của mình? Lối chỉ đạo “lập lờ” trên, vô tình hay cố tình phụ họa với huyện và Sở NN&PTNT mở đường cho Cty Ngọc Sơn phá rừng ?

Một cán bộ KL có ý kiến: Chỉ đạo ỡm ờ thì cấp dưới biết đường đâu mà thực hiện!  Vụ việc này đã khiến gần 10 người bị bắt và khởi tố. Dư luận địa phương lẫn cán bộ trong ngành tư pháp đều cho rằng: KL huyện đã lâm vào thế “thực hiện cũng chết mà không thực hiện cũng chết”, bởi trên tỉnh thì nói không rõ ràng, huyện thì bắt tay quá chặt với trùm gỗ lậu, nên hết đường phản ứng.

Nếu như 71 m3 gỗ ban đầu mà KL tỉnh kiên quyết làm đến nơi đến chốn, thì chắc chắn không tạo ra tiền lệ như 53 m3 sau này, rừng đã không bị phá nhiều như thế !

MỚI - NÓNG