Nghĩa trang Lạc Hồng Viên. Ảnh: Ngọc Mai |
Nằm cách Hà Nội hơn 50 km, nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Kỳ Sơn, Hòa Bình) được xây dựng hạ tầng đồng bộ như một khu đô thị. Đường trải nhựa quanh co men theo những ngọn đồi, hai bên đường là hệ thống đèn cao áp. Nhìn từ xa, những dãy mộ nằm rải rác trên sườn đồi, bên dưới là suối.
Từng ngôi mộ nằm trong khuôn viên có hệ thống cây xanh, thảm cỏ, cổng ra vào, tường bao... như những biệt thự thu nhỏ. Một số lô đất rộng cả trăm m2, chưa có mộ, song vẫn được xây tường bao.
Nằm giữa đồi Kim là phần mộ của một đại gia đồ cổ ở phố cổ Hà Nội. Khi yên nghỉ, ông được gia đình đưa lên nghĩa trang Lạc Hồng Viên, phần mộ đặt giữa lô đất rộng 100 m2, bên cạnh là hàng cây cảnh, hoa thơm ngát. Khu mộ còn được gia chủ xây dựng thêm chiếu nghỉ với đầy đủ bàn ghế. Các con ông còn đặt dịch vụ chăm sóc cây cảnh để có hoa tươi nở suốt bốn mùa.
Ngôi mộ xây dựng trong khuôn viên rộng như những "biệt thự" của người sống. |
Kế bên là ngôi mộ của tổng giám đốc một tập đoàn, được lát đá trắng nguyên khối, riêng giá vật liệu là 40 triệu đồng. Bên cạnh mộ là các khóm cây cảnh, hoa được chăm sóc cẩn thận, người đến thăm có thể nghỉ chân ở bộ ghế bằng đá điêu khắc cầu kỳ...
Xa xa là khuôn viên "biệt thự" rộng với phần mộ được ốp bằng đá, hai bên có đôi rồng chầu cỡ lớn và lư hương đều bằng đá xanh. Góc khuôn viên là ngôi từ đường xây dựng vững chãi. Chi phí xây mộ này cả trăm triệu đồng, chưa kể tiền đất giá 2-3 tỷ đồng.
Theo một cán bộ kinh doanh của Công ty cổ phần thương mại Toàn Cầu, chủ đầu tư của Lạc Hồng Viên, chiếm vị trí đẹp trên các đỉnh đồi là khu mộ gia tộc, chia lô thẳng tắp. Để sở hữu lô đất rộng chừng 100 m2 tại vị trí này, chủ nhân phải bỏ ra ít nhất 1,5 tỷ đồng, cộng với chi phí xây mộ từ mấy chục triệu đến vài trăm triệu đồng.
Người ít tiền hơn thường chọn lô đất bên sườn đồi như dãy “nhà chia lô”, giá khoảng 200-300 triệu đồng cho mỗi lô 30-45 m2. Mộ đơn diện tích từ 4,5 m2 với giá thấp là 30 triệu đồng.
Tại đây còn khá nhiều lô đất rộng 300-500 m2 để xây mộ gia tộc, có chủ là lãnh đạo các tập đoàn, chủ doanh nghiệp đăng ký, ước tính giá đất 5-6 tỷ đồng. Thông thường các gia đình này thuê dịch vụ chăm sóc cây cảnh, cúng giỗ hàng tháng với chi phí hàng trăm triệu đồng.
“Những khu đất rộng, vị trí đẹp, hạ tầng đầy đủ càng được khách hàng đặt mua nhanh, mặc dù giá bán hàng tỷ đồng. Trước khi mua đất, họ thường đưa thầy phong thủy lên tìm hướng, chọn vị trí”, một cán bộ kinh doanh tại nghĩa trang chia sẻ.
Khuôn viên gia tộc được trang trí cầu kỳ của một đại gia. |
Với người đã khuất nằm tại nghĩa trang này cũng được chăm sóc chu đáo. Nếu đến ngày giỗ hay cúng tuần mà con cái ở xa không về được, nhân viên nghĩa trang có thể thay con cháu cúng giỗ.
Theo một nhân viên nghĩa trang, có cụ ông đương thời hay ăn thịt chó, uống rượu Hennessy nên người con yêu cầu sắp lễ phải có những thứ như vậy; hoặc người nhà yêu cầu người cúng phải hợp tuổi với người khuất, chọn giờ cúng…
Cũng thuộc dự án do doanh nghiệp đầu tư, nghĩa trang Vĩnh Hằng (Ba Vì, Hà Nội) có rất nhiều ngôi mộ bạc tỷ của đại gia. Trên quả đồi rộng 20 ha đã phủ kín những ngôi mộ được xây dựng kiên cố. Nhiều mộ ốp đá xanh, lập miếu thờ, bình phong khổng lồ với hoa văn tinh xảo. Gần đỉnh đồi, có những khu mộ gia tộc được xây dựng hoàng tráng như một ngôi chùa.
Khác với Lạc Hồng Viên, gia chủ mua đất tại nghĩa trang Vĩnh Hằng được xây dựng mộ phần theo ý thích mà không cần theo thiết kế chung. Do vậy, các khu mộ gia tộc tại đây người mua đất thỏa sức tô vẽ các kiến trúc lạ mắt.
Một khu mộ tại nghĩa trang Vĩnh Hằng. |
Thông thường các gia đình mua lô đất rộng từ 100 đến 300 m2, giá trị mỗi lô cách đây 2-3 năm dao động 300-500 triệu đồng tùy theo vị trí. Cộng với chi phí xây dựng thì giá trị của những khu mộ này lên đến cả tỷ đồng.
Xu hướng xây dựng công viên nghĩa trang theo hình thức xã hội hóa đang thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư. Nhiều dự án nghĩa trang quanh Hà Nội đang triển khai như Thiên Đường (xã Minh Phú, Sóc Sơn), Yên Kỳ mở rộng... Người mua đất tại những nơi này không cần có hộ khẩu Hà Nội như các nghĩa trang của thành phố.
Ông Trần Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng thương mại Toàn Cầu, cho biết dự án nghĩa trang Lạc Hồng Viên với diện tích giai đoạn một 98 ha, tổng đầu tư 1.600 tỷ đồng, hướng tới mục tiêu là công viên nghĩa trang sinh thái lớn nhất nước.
“Chúng tôi mong muốn không chỉ làm hài lòng những người trước khi sang thế giới bên kia mà con cháu họ cảm thấy an lòng và muốn thường xuyên đến thăm người thân”, ông Tuấn Anh nói.
Theo Vnexpress