Chi 32.000 tỉ sắm 'xế hộp độc'

Chi 32.000 tỉ sắm 'xế hộp độc'
Trong năm 2007, số ôtô nhập khẩu với nhiều hàng "độc" đã lên đến hơn 28.000 chiếc, tăng 223% so với năm 2006. Hầu hết các loại xe mà các ngôi sao màn bạc, siêu sao bóng đá cho đến các tỉ phú trên thế giới đang sử dụng đều đang lăn bánh ở VN.
Chi 32.000 tỉ sắm 'xế hộp độc' ảnh 1
Ôtô nhập khẩu giá trị cao tại một salon trên đường Pasteur, Q.3, TP.HCM

Trong đó xe có giá trên 10 tỉ đồng đã vượt qua con số 10, kể từ cuối quí 3-2007.

Những chiếc xe "nhiều tỉ đồng"

Tính trung bình mỗi tháng thị trường VN tiêu thụ hơn 2.000 xe nhập khẩu và riêng tháng 12-2007 đã có 5.000 ôtô các loại được nhập về.

Trong quí 1-2008, một chiếc Rolls-Royce Phantom đời 2008 trị giá khoảng 1,5 triệu USD (sau khi áp thuế) được máy bay chở về VN thông qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM).

Đây là chiếc xe đắt nhất VN và là chiếc Rolls-Royce thứ ba được nhập khẩu vào VN. Giới chuyên môn cho biết tốc độ tậu Rolls-Royce như thế này ngang bằng các nước trong khu vực và chỉ thua láng giềng Trung Quốc.

Nữ chủ nhân của chiếc xe đắt tiền này là bà D.T.B.D. khá nổi tiếng trong giới chơi xe khi chỉ chuộng mỗi nhãn hiệu xe hạng sang BMW.

Một mình bà sở hữu ba chiếc xe BMW cao cấp. Khi đặt mua xe, nữ chủ nhân này yêu cầu hãng chế tạo Rolls-Royce in logo công ty trên chiếc xe màu diệp lục của bà.

Giới nhập xe cho biết số lượng xe Bentley nhập về VN hiện nay không dưới 20 chiếc. Riêng Công ty Hoàng Trọng đã đưa về tới 14 xe theo đơn đặt hàng của các vị khách TP.HCM. Trung tuần tháng 12-2007, một chiếc Bentley Continental Flying Spur màu đỏ có giá gần 230.000 USD (khoảng 3,7 tỉ đồng) đã nhập về VN theo đơn đặt hàng của một nữ doanh nhân của thương hiệu mỹ phẩm S.

Theo nhà nhập khẩu, tuy là xe đã qua sử dụng nhưng để lùng mua được xe nhãn hiệu này màu đỏ tại thị trường Anh và Mỹ thật sự khá khó khăn.

Khi ôtô "cưỡi" máy bay

Những chiếc xe cưng này phần lớn được chủ nhân cho cưỡi máy bay về VN với chi phí 5.000-7.000 USD thay vì phải lênh đênh trên biển khoảng một tháng với chi phí chỉ khoảng 1/3.

Chi trên 32.000 tỉ đồng để sắm xe nhập

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc năm 2007 đạt 523 triệu USD (không kể linh kiện nhập khẩu cho các nhà sản xuất trong nước lắp ráp ôtô), số kỷ lục từ trước đến nay.

Nếu cộng cả tiền thuế phải nộp thì số tiền mà người VN bỏ ra để sở hữu 28.000 ôtô nhập khẩu này lên đến gần 2 tỉ USD (trên 32.000 tỉ đồng). Số này chưa tính đến ôtô được lắp ráp trong nước.

Chiếc Audi R8, có giá tại Đức là 109.000 USD, xuất hiện lần đầu tiên tại triển lãm ôtô Paris 2006, một năm sau đó Audi R8 mới chính thức có mặt trên thị trường.

Nhà sản xuất chỉ cho xuất xưởng15 chiếc mỗi ngày nên luôn nằm trong tình trạng khan hiếm, vậy mà đến giữa tháng 9-2007 nó đã có mặt ở cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất.

Nước Ý có một thương hiệu xe hạng sang Lamborghini và chỉ có 250 chiếc phiên bản đặc biệt của chiếc xe thể thao Ý nổi tiếng Lamborghini Gallardo SE được bán ra trên toàn thế giới. Trung tuần tháng 11-2007 chiếc xe này với số thứ tự 249 đã được nhập về VN. Giá

sau thuế tại châu Âu của dòng xe này là 141.500 euro, khoảng 207.098 USD. Một chiếc Lamborghini Gallardo khác nhập cảnh về VN sau khi "quá cảnh" Hà Nội đã về đến TP.HCM, giá trị của nó sau khi thực hiện xong các khoản thuế có thể lên đến gần 300.000 USD.

Theo thông tin trên mạng, ở Mỹ mỗi năm chủ nhân của nó phải dành khoảng 3.500 USD cho tiền xăng và với mức độ tốn kém này, nó được tạp chí Forbes (Mỹ) bầu vào hàng đầu những xe "nhà giàu" tốn xăng nhất. Chưa hết, một doanh nghiệp tại Hà Nội còn sắm chiếc BMW bọc thép với giá lên đến gần 400.000 USD.

Việt Nam, thị trường béo bở

Andreas Klingler, tổng giám đốc công ty xe hơi thể thao uy tín, nhà phân phối nhãn hiệu xe đắt tiền Porsche, cho biết rất tin tưởng vào tiềm năng phát triển của thương hiệu này ở VN. Năm 2008 công ty đặt mục tiêu bán được vài chục chiếc nhưng năm 2009 sẽ tăng trưởng ít nhất 100% so với năm 2008.

Ông nhận định so với các quốc gia trong khu vực, tốc độ tăng trưởng này là cao có thể vào hàng top 3. "Người tiêu dùng VN không ngại bỏ tiền mua những thương hiệu sang trọng này. Mặc dù đường sá của VN chưa thể đáp ứng được cho những dòng xe thể thao cao cấp nhưng nó vẫn xuất hiện đều đều. Họ muốn thông qua chiếc xe khẳng định sự sang trọng và thành đạt của mình".

Ông còn cho biết sẵn sàng nhận các yêu cầu riêng của khách hàng VN. Giá của những chiếc Porsche này trung bình 125.000-500.000 USD (giá sau thuế), trong đó có nhiều chiếc là loại thể thao hai chỗ ngồi, gầm xe chỉ cách mặt đất khoảng 10cm, đạt tốc độ 100km/giờ trong vòng 6 giây, khi đó gầm xe còn hạ xuống thấp hơn nữa.

Một doanh nhân chuyên nhập ôtô cho biết kim ngạch nhập khẩu ôtô trên thực tế còn cao hơn nhiều lần so với con số 523 triệu USD vì nhà quản lý chỉ tính giá trị trên giá mà nhà nhập khẩu kê khai. Trong khi nhiều xe có giá gốc từ Mỹ cao hơn rất nhiều.

Ôtô, điện thoại di động xịn trên thế giới đều có ở VN

* Theo Viện Nghiên cứu tầng lớp thượng lưu Mỹ (Luxury Institute - www.luxuryinstitute.com), thương hiệu Rolls-Royce (RR) đứng đầu danh sách những hãng xe thượng hạng thế giới, ngay sau RR là một thương hiệu khác của Anh Bentley.

Những thương hiệu cao cấp khác còn lại là Aston Martin, BMW, Ferrari, Lamborghini, Maserati, Maybach, Mercedes và Porsche. Cuộc thăm dò này Luxury Institute chỉ thực hiện với những ai có thu nhập trên 200.000 USD/năm và tài sản tối thiểu 5 triệu USD mới được mời tham dự. Thế mà tất cả các thương hiệu ôtô nổi tiếng này đều đang có mặt ở VN.

* Ngoài ôtô, những người thành đạt còn "chơi" điện thoại di động. Vertu là thương hiệu điện thoại hàng đầu thế giới về giá, có thể sử dụng trong ít nhất 10 năm. Một chiếc điện thoại chỉ có chức năng nghe, gọi và nhắn tin của Vertu đang bán ở VN giá thấp cũng phải 5.000 USD.

Riêng dòng điện thoại Signature Diamond phải đặt hàng mới sản xuất, vậy mà chiếc điện thoại mang tên Signature Yellow Gold Full Pavé Diamond Baguette với gần 100.000 USD đã được một doanh nhân tại TP.HCM mua.

Xuất hiện ở VN từ đầu năm 2006, theo nhà phân phối, mỗi tháng có hàng chục chiếc được tiêu thụ. Vertu đã xếp hạng thị trường tiêu thụ ở VN là thị trường thứ hai có tốc độ tăng trưởng trong khu vực châu Á.

Theo Lê Nam
 Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG