Chi 14.000 tỷ đồng ngân sách mỗi năm cho các hội

Ngân sách dành cho các hội lớn gấp đôi ngân sách cho giáo dục hoặc y tế.
Ngân sách dành cho các hội lớn gấp đôi ngân sách cho giáo dục hoặc y tế.
TPO - Ngân sách dành cho các hội ước tính khoảng 14.000 tỷ đồng. Con số này cao hơn hẳn 11.366 tỷ đồng dự chi cho Bộ NN&PTNT và gấp đôi số chi dự tính cho Bộ Y tế hoặc Bộ GD&ĐT trong năm 2016. 

Ngày 7/7, tại Hà Nội, Liên hiệp Hội Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Trung tâm Thông tin tổ chức phi chính phủ tổ chức hội thảo “Môi trường pháp lý cho các tổ chức xã hội, nhu cầu đặt ra đối với Luật về Hội”.

Gần 9.000 hội được bao cấp

Tham luận tại hội thảo cho thấy, cả nước có khoảng 14.500 tổ chức hội, tổ chức phi chính phủ (TCPCP) đang hoạt động (gấp 36 lần năm 1990) gồm trên 500 hội cấp trung ương và 14.000 hội cấp tỉnh, huyện, xã. 

Khoảng 77% người dân Việt Nam đang tham gia ít nhất một hội, tính riêng 5 tổ chức chính trị xã hội (trừ Mặt trận Tổ quốc) đã có số hội viên khoảng trên 30 triệu người. Các hội đã góp phần tích cực thực hiện một số công việc của Nhà nước và xã hội, đóng vai trò phản biện, giám sát xã hội…

Tuy nhiên, hoạt động của hội và TCPCP vẫn còn nhiều hạn chế. Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết: “Hoạt động của hội chưa phát huy đầy đủ chức năng, vai trò, bị hành chính hóa, hạn chế khả năng thu hút quần chúng; chưa thực hiện nghiêm 3 nguyên tắc tổ chức hoạt động là tự nguyện, tự trang trải và tự chịu trách nhiệm”.

Nhằm khắc phục tình trạng trên, ông Phúc cho rằng cần hoàn thiện thể chế pháp luật để các tổ chức xã hội được phát triển đúng với quy luật của nó, sớm ban hành Luật Hội và TCPCP theo tinh thần Hiến pháp 2013.

Hằng năm, ngân sách dành cho các hội ước tính khoảng 14.000 tỷ đồng. Con số này cao hơn hẳn 11.366 tỷ đồng dự chi cho Bộ NN&PTNT và gấp đôi số chi dự tính cho Bộ Y tế hoặc Bộ GD&ĐT trong năm 2016. 

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, nếu tính đủ cả chi phí kinh tế - xã hội, chi phí cho toàn hệ thống của các tổ chức hội, đoàn thể trong năm 2015 dao động trong khoảng 45.600 - 68.100 tỷ đồng/năm (tương đương 1 đến 1,7% GDP). 

Số tiền này được chi cho 6 tổ chức chính trị xã hội (không thuộc đối tượng áp dụng của Luật về hội) và 8.792 hội có tính chất đặc thù được Nhà nước đảm bảo kinh phí, nhân sự, cơ sở vật chất.

Thiếu quy định về tài chính

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Chính sách, pháp luật và phát triển cho rằng, dự thảo Luật về Hội sắp được trình Quốc hội đã bỏ ngỏ, chưa điều chỉnh các vấn đề về tài chính, kinh phí hoạt động của hội. 

Theo đó, dự thảo chưa thể hiện những giải pháp chính sách nhằm thực hiện chỉ đạo của Đảng về giảm xu thế bao cấp kinh phí hoạt động của hội. Trong khi đó, Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 quy định kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp… được thực hiện theo nguyên tắc tự đảm bảo, ngân sách Nhà nước chỉ hỗ trợ cho các nhiệm vụ Nhà nước giao theo quy định của Chính phủ.

Ông Giao cho biết, dự thảo Luật về hội không thể hiện chính sách nhằm tạo điều kiện để các hội có năng lực tự trang trải tài chính, thiếu các quy định về cơ chế xã hội hoá dịch vụ công, giao kinh phí Nhà nước cho các hội theo nhiệm vụ. 

Ông Giao kiến nghị, việc xây dựng Luật về hội cần đảm bảo nội dung nhằm giảm bao cấp kinh phí hoạt động đối với các hội do Đảng, Nhà nước thành lập và có giải pháp để các hội có năng lực tự trang trải tài chính. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế ưu đãi, hỗ trợ kinh phí cho hội của những người yếu thế như Hội Người mù, Hội Người khuyết tật, Hội Nạn nhân chất độc da cam…

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.