Chết yểu nhiều dự án bãi đỗ xe ngầm

Công viên Cầu Giấy, lá phổi xanh của quận
Công viên Cầu Giấy, lá phổi xanh của quận
TP - Để đảm bảo mạng lưới giao thông tĩnh trên địa bàn, Hà Nội đã có quy hoạch tổng thể để xây dựng các bãi đỗ xe ngầm, bãi xe thông minh tuy nhiên nhiều dự án vẫn chỉ trên giấy. 

Mới đây, Cty Đầu tư và Phát triển đô thị Tây Hồ đã có đề xuất UBND thành phố Hà Nội xây bãi đỗ xe ngầm tại một phần phía Đông Bắc của Công viên Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Dự án gồm các hạng mục: bãi đỗ xe kết hợp trung tâm thương mại, dịch vụ... Lý do đưa ra đề xuất này, chủ đầu tư nhấn mạnh vấn đề thiếu chỗ gửi xe của người dân.

Tuy nhiên, hàng trăm người dân sinh sống tại tòa nhà NO8B - KĐT mới Dịch Vọng có đơn kiến nghị yêu cầu không triển khai dự án tại Công viên Cầu Giấy. Theo người dân, dự án bãi đỗ xe ngầm đã thể hiện những bất cập, làm phá vỡ quy hoạch H2-2, tỉ lệ 1/2000 đã được phê duyệt từ trước.

Theo cư dân, dự án xây bãi đỗ xe là không cần thiết vì ở phía Đông của công viên cạnh nhà NO9B1 (khoảng cách đến công viên Cầu Giấy là 20m) đã có một nhà để xe nổi 5 tầng; các tòa chung cư xung quanh công viên đều có tầng hầm và diện tích dành cho việc để xe, phía sau tòa nhà NO4B1 là khu đất đã quy hoạch cho việc xây nhà để xe và trung tâm thương mại nhưng đến nay vẫn chưa sử dụng, chỉ làm nhà tạm.

Ngổn ngang các dự án bãi đỗ xe

Thực tế, từ năm 2010 Hà Nội đã có chủ trương xây dựng các bãi đỗ hiện đại và bãi xe ngầm để phục vụ nhu cầu giao thông tĩnh của thành phố. Tuy nhiên, 7 dự án bãi đỗ xe ngầm tại: Công viên Thống nhất (295 Lê Duẩn), Khu thể thao Quần Ngựa, tại Công viên Thủ Lệ (quận Ba Đình), tại Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô, quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội, quảng trường Ngân hàng Nhà Nước (quận Hoàn Kiếm), Công viên Tuổi trẻ (quận Hai Bà Trưng) đều chưa được khởi công.

Đặc biệt, trong đó có dự án bãi xe ngầm tại Công viên Thống nhất đã được chuyển đổi từ dự án khách sạn sang dự án bãi xe ngầm từ năm 2009, tuy nhiên sau 10 năm nơi đây vẫn là bãi đất trống. Hiện, Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội đang rà soát lại toàn bộ kế hoạch sử dụng đất, trong đó có bãi đỗ xe ngầm 295 Lê Duẩn. Trong năm 2018, bãi xe vẫn còn bị lấn chiếm, tận dụng thành bãi xe lậu quy mô mà Tiền Phong đã nhiều lần phản ánh.

Tình trạng biến tướng những bãi xe công cộng thành nhà hàng, dịch vụ, kinh doanh diễn ra phổ biến ở các dự án bãi đỗ xe. Tiêu biểu là các dự án Cống hóa mương Phan Kế Bính, mương Nguyên Hồng (quận Ba Đình), Cống hóa mương Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy)… Hay như ô đất “vàng” tại 66 Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân) có quy hoạch làm dự án bãi đỗ xe kết hợp dịch vụ. Thực tế công trình nhà hàng tiệc cưới đã chiếm trọn tổng mặt bằng, chỉ còn một phần diện tích nhỏ trông giữ xe. Chủ yếu là phục vụ xe cho khách tới nhà hàng chứ không phải mục đích công cộng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, người dân có quyền nghi ngại, đặt câu hỏi về những dự án “xén” đất công mục tiêu làm bãi xe. Bởi lẽ các bãi xe theo quy hoạch của Hà Nội không thiếu, nhưng thực hiện quy hoạch thế nào mới là vấn đề cần bàn.

KTS. Trần Huy Ánh - Ủy viên thường vụ Ban chấp hành Hội KTS Hà Nội cho rằng, lo ngại của người dân sống gần công viên Cầu Giấy cũng là lo lắng của cư dân Hà Nội nói chung trong bối cảnh cuộc sống ngày càng cần những không gian sống xanh. Một dự án bãi xe ngầm khi lựa chọn vị trí phải là nơi thuận tiện ra vào, không xung đột giao thông và có khả năng kết nối với các công trình ngầm hiện có của các tòa nhà xung quanh. Trong khi vị trí ở giữa công viên không giúp cải thiện lưu thông đường phố, thậm chí còn có thể gây ách tắc, hơn nữa dự án sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống thì không nên. KTS Ánh cũng đặt câu hỏi về việc công viên là đất công cộng, dự án xén đất công thành đất tư như vậy liệu có phù hợp?

Một đơn vị đầu tư bãi xe giấu tên cho biết, đơn vị tham gia một số dự án bãi đỗ xe của Hà Nội, mỗi dự án đều có quy trình thẩm tra năng lực kéo dài. Không phải doanh nghiệp nào muốn đề xuất là được, đa số phải qua đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, kiểm tra năng lực kinh nghiệm quản lý khai thác của nhà đầu tư… “Nếu chúng tôi có năng lực hơn, làm bãi xe ngầm rẻ hơn thì tại sao không được lựa chọn. Hơn nữa, đây còn là một dự án sử dụng đất công thì càng cần công khai minh bạch”, vị này cho hay.

Được biết, Cty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Tây Hồ được đăng ký lần đầu ngày 18/3/2016 (đăng ký thay đổi lần thứ 3 ngày 12/3/2018). Cty Tây Hồ có tổng vốn điều lệ 255 tỷ đồng. Số lượng lao động mà Cty đăng ký là 5 người.

Trước đó, Cty Tây Hồ đã xin đầu tư xây dựng bãi đỗ xe ngầm phía dưới công viên cây xanh trong các khu đô thị tại quận Cầu Giấy và quận Thanh Xuân. Đề xuất được UBND thành phố Hà Nội đồng ý về chủ trương giao Cty Tây Hồ nghiên cứu đề xuất dự án đầu tư xây dựng 5 bãi đỗ xe ngầm (trong đó có bãi đỗ xe ngầm tại Công viên Trung Yên - nay được đổi vị trí tại Công viên Cầu Giấy).

Việc chuyển đổi vị trí dự án từ Công viên Trung Yên sang Công viên Cầu Giấy do cư dân phường Trung Yên phản đối dự án. Theo tờ trình của Cty Tây Hồ, đơn vị xin phép không nghiên cứu bãi đỗ xe ngầm tại vị trí Công viên Trung Yên, với lý do địa chất không thuận lợi, kết cấu phức tạp, nền đất yếu, nếu đầu tư xây dựng phải xử lý rất phức tạp.

MỚI - NÓNG
Đề xuất miễn thuế để đưa cổ vật về nước
Đề xuất miễn thuế để đưa cổ vật về nước
TPO - Nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng cơ chế về thuế hiện nay đang gây khó khăn trong việc hồi hương cổ vật. Theo đó, nhiều chuyên gia đề xuất miễn thuế hoàn toàn để mở rộng con đường hồi hương cổ vật. Đây là thông tin được đưa ra tọa đàm góp ý Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức ngày 28/3.