Chết đứng vì truyền tải

Chết đứng vì truyền tải
TP - Tiền Phong 10-3-2011 có bài Có điện mà không phát được, phản ánh thực tế nhiều công trình thủy điện ở Kon Tum phải hoạt động cầm chừng do đường truyền tải điện không tải hết lượng điện do doanh nghiệp sản xuất. Thực tế này vẫn đang khiến các doanh nghiệp sản xuất điện chết đứng.

Thủy điện vừa và nhỏ đang xây dựng ở Kon Tum:

Chết đứng vì truyền tải

> Có điện mà không phát được

Ngày 14-3, Sở Công thương Kon Tum chủ trì cuộc họp giải quyết việc cung cấp điện của các nhà máy thủy điện lên lưới quốc gia. Ngay sau đó, Tổng Công ty Điện lực Miền Trung cho lập dự án đầu tư công trình chống quá tải đường dây 110KV Pleiku-Kon Tum nhằm giải quyết tạm thời tình trạng quá tải đường dây, tổng trị giá hơn 39,5 tỷ đồng. Nguồn vốn này được chia đều cho 10 nhà máy thủy điện ở Kon Tum tổng công suất 205,8MW đang và chuẩn bị đưa vào vận hành.

Theo biên bản làm việc ngày 30-3 giữa Công ty lưới điện cao thế miền Trung; Tổng Công ty Điện lực miền Trung... với chủ đầu tư các nhà máy thủy điện thì các bên góp vốn lần đầu trước ngày 30-6 và hoàn thành góp vốn trước ngày 31-12-2011. Từ ngày 5-6 đến 30-6, các dự án thuỷ điện cơ bản phải ngừng hoạt động, cô lập toàn bộ đường dây 110KV Pleiku-Kon Tum nâng cấp đường dây. Việc cấp điện cho tỉnh Kon Tum tổng công suất rất thấp, giờ cao điểm chỉ có 31,8 MW, giờ thấp điểm 15 MW nên riêng 1 tổ máy của Nhà máy thủy điện Plei Krông công suất đã 50 MW là dư tải. Giờ thấp điểm, một tổ máy Pleikrông phát điện thấp nhất cũng dư 4-7MW phải chạy phụ tải qua Gia Lai bằng đường dây 22KV. Các công trình thuỷ điện nhỏ như Đăk Psi4: 30MW, Đăk Rơ Sa 9,9MW; Đăk Ne 8,1 MW... gần như phải dừng phát điện. Theo bà Mầu Thị Xuyên- Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cty CP thủy điện Đăk Psi, việc doanh nghiệp phải đóng hơn 8 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp lưới điện và dừng phát điện gần 1 tháng thiệt hại thêm hàng chục tỷ đồng là nằm ngoài phương án kinh doanh của đơn vị.

Nhiều doanh nghiệp đầu tư thuỷ điện ở Kon Tum cho biết, không chỉ bị làm khổ trong việc phát điện lên lưới quốc gia, việc bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với giá bình quân khá thấp chỉ hơn 500đồng/kwh, doanh nghiệp chỉ vừa đủ trả lãi ngân hàng và chi phí. Từ ngày 1-6, thị trường điện đi vào cạnh tranh tự do, các nhà máy thuỷ điện đang chờ chính sách từ EVN, song với cung cách quản lý điều hành điện như hiện nay ở Kon Tum, người bán điện cạnh tranh với ai khi mà EVN một mình một chợ? Khi ký hợp đồng, EVN cam kết mua hết lượng điện sản xuất ra của doanh nghiệp và mua hết điện ở giờ cao điểm (được bán giá cao) song trên thực tế nhiều lần trong giờ cao điểm họ bị bộ phận điều độ yêu cầu tiết giảm sản lượng hoặc không mua hết với lý do đường dây quá tải.

Đường dây 110KV Pleiku-Kon Tum không tải hết lượng điện do các nhà máy thuỷ điện ở Kon Tum sản xuất, EVN biết rõ từ nhiều năm trước song vẫn không thực hiện phương án đầu tư xây dựng đường dây 220KV Pleiku-Kon Tum. Lý do EVN đưa ra là không có tiền! EVN đầu tư thủy điện Pleikrông nhưng không xây dựng đường truyền tải về trạm 500KV Pleiku để đưa lên lưới quốc gia. Hậu quả là hiện nay trong khi cả nước đang thiếu điện thì EVN phải cắt hàng triệu kwh điện do các nhà máy ở Kon Tum sản xuất được.

Trong cuộc làm việc giữa Tổng công ty Điện lực miền Trung, Sở Công thương Kon Tum, Công ty lưới điện cao thế miền Trung... diễn ra mới đây, các bên thống nhất: Kiến nghị EVN và Sở Công thương Kon Tum thông báo để các nhà đầu tư thuỷ điện khác (ngoài các nhà đầu tư đã góp vốn nâng cấp đường dây cao thế) giãn hoặc dừng dự án đầu tư thủy điện để việc đấu nối thủy điện vào lưới điện quốc gia không gây quá tải lên đường dây 110KV Pleiku-Kon Tum cho đến khi trạm biến áp 220KV Kon Tum đưa vào vận hành. Thông tin này khiến các nhà đầu tư đang xây dựng thủy điện ở Kon Tum chết đứng. Không được đưa điện lên lưới, đầu tư công trình để làm gì? Theo sở Công thương Kon Tum tỉnh này có hàng chục công trình thủy điện đang trong giai đoạn thi công, tổng công suất hơn trăm MW trải rộng ở các huyện Đăk Glei, Đăk Hà, Tu Mơ Rông... Cho đến nay vẫn chưa thấy dấu hiệu EVN đầu tư xây dựng đường dây 220KV ở Kon Tum để mua lượng điện từ các nhà máy thuỷ điện đang xây dựng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG