Vừa qua có vụ cả 10 người trúng tuyển công chức ở Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) trong tổng số 299 người dự thi đều bị hủy kết quả, vì Hội đồng thi vi phạm quy chế, làm lộ đề, mấy cán bộ có trách nhiệm đều bị kỷ luật.
Làm công chức lương “ba cọc ba đồng”, lương cỡ chủ tịch tỉnh hay bộ trưởng cũng chỉ khoảng chục triệu mỗi tháng. Ấy vậy mà sao ngày càng nhiều người muốn làm công chức đến thế, nhất là vào những ngành như thuế, hải quan, quản lý thị trường... lại càng “hot”.
Dân chúng xưa nay thường quan niệm rằng, làm công chức ở một số vị trí lương tuy có ít nhưng bổng lộc lại nhiều. Thành ra thu nhập cũng tốt mà lại ổn định, không như đi làm ở các công ty tư nhân nhiều áp lực mà cũng lắm rủi ro, dễ thất nghiệp. Thời kinh tế khó khăn, công ăn việc làm bấp bênh, làm nghề công chức lại càng đắc địa.
Sự kiện chen nhau nộp hồ sơ dự thi vào Cục thuế Hà Nội không chỉ chứng tỏ một xu thế chuộng nghề công chức có thực trong xã hội, mà còn phản ánh việc thi tuyển công chức cũng đang ngày càng công khai, minh bạch hơn.
Đó cũng là tín hiệu đáng mừng, bởi sẽ có thêm nhiều cơ hội để chọn được người tài đức vào bộ máy công quyền. Tuy nhiên một khi đã công khai thì phải minh bạch, phải được sự giám sát của các cơ quan chức năng, báo chí và công luận.
Thi tốt nghiệp THPT, thi vào ĐH-CĐ còn được báo chí đưa tin, giám sát chặt chẽ về công tác tổ chức, về đề thi, về chấm thi, về điểm chuẩn... nữa là thi làm công chức nhà nước. Được thế, hẳn sẽ bớt đi những vụ sai phạm phải hủy kết quả thi như ở Bộ Công Thương vừa qua.
Làm công chức theo đúng nghĩa là làm nghề phục vụ dân, là chí công vô tư, chứ không phải dễ làm giàu. Không hiểu có bao nhiêu thí sinh đang chen chân nộp hồ sơ dự thi công chức tâm niệm được như vậy ? Được thế, bộ máy nhà nước ắt sẽ mạnh hơn, ắt sẽ phục vụ dân được tốt hơn.