GS. Đào Trọng Thi:

Chen lấn, cướp lộc là không thể chấp nhận

Chen lấn, cướp lộc là không thể chấp nhận
Trả lời Tiền Phong, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi cho rằng, chen lấn, xô đẩy, tranh cướp lộc trong lễ hội và những hành động phản cảm khác rất đáng phê phán.

Theo ông Thi, lễ hội truyền thống mang ý nghĩa tốt đẹp, nhằm tôn vinh giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc, cần phát huy. Còn hiện tượng tiêu cực, phản cảm trong tổ chức lễ hội, có hai vấn đề đặt ra. Thứ nhất, liên quan khâu tổ chức. 

Nếu để lộn xộn thì ban tổ chức, cơ quan liên quan, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm. Thứ hai, liên quan giáo dục, ý thức của người tham gia lễ hội. Tổ chức chỉ là một phần thôi và nếu người dân không có ý thức chấp hành những quy định thì khó mà có lực lượng nào quản lý nổi.

Tôi nghĩ, giáo dục để người dân có ý thức hơn khi tham gia lễ hội là công việc mang tính chất lâu dài. Ý thức không thể ngày một hai mà có được, có khi phải từ trong nhà trường phổ thông, tuyên truyền trong xã hội và phải có lực lượng làm gương.

Chen lấn, cướp lộc là không thể chấp nhận ảnh 1

Ông Đào Trọng Thi

Để ngăn chặn hành vi phản cảm, thái quá của người dân khi tham gia lễ hội, theo ông cần phải làm gì?

Những hành vi phản cảm như chen lấn, xô đẩy thậm chí tranh cướp lộc và đồ thờ tự hay nạn rải tiền lẻ...thì trước hết cần có sự giáo dục, giải thích. Rõ ràng đó chẳng phải là hành vi tốt đẹp, hay ho gì. Công đức là tốt, mong được lộc cũng là tốt, nhưng cứ đi rải tiền, nhét cả tiền lẻ vào tượng thì có khi là vô văn hóa, không tôn trọng thần thánh chứ đừng nói là tôn kính. Vậy phải cấm, phải xử lý ngay hành vi đó. 

Ban quản lý có thể đặt các hòm công đức thuận lợi hơn và phải đảm bảo sự tôn nghiêm. Nhưng tôi nghĩ ở đây có thể có cả sự bất cập trong sự phân chia của các thành phần liên quan về số tiền công đức. Nếu không cho rải tiền, có thể một bộ phận nào đó cũng mất quyền lợi. 

Chúng ta nên thu về một đầu mối, sử dụng tiền công đức ấy phù hợp về mục đích đối với các bên tham gia bảo tồn, bảo vệ, duy trì hoạt động của cơ sở tín ngưỡng đó. Còn nếu ban quản lý đặt hòm công đức thu sử dụng hết thì những người trực tiếp bảo vệ, trông coi điểm thờ tự, tín ngưỡng đó không có quyền lợi, họ sẽ phải nghĩ cách để tạo ra quyền lợi cho họ.

Nhìn vào cảnh chen lấn, xô đẩy để tranh lộc thánh xảy ra tại lễ hội đền Trần, ông có suy nghĩ gì?

Đi lễ đền Trần ai cũng mong muốn có được lộc, ấn đó là mong muốn tốt đẹp, chính đáng. Vấn đề đặt ra là cách người ta nhận được, đạt được cái lộc đó như thế nào mà thôi. Phản cảm là ở chỗ đó.

Ví dụ chúng ta xếp hàng trật tự thì khác, còn tranh nhau xô đẩy như ăn cướp thì chuyện đó không thể chấp nhận được. Lễ hội khai ấn đền Trần vừa mang ý nghĩa tinh thần vừa mang ý nghĩa tâm linh tốt đẹp.

Nếu không có khai ấn, phát lộc ấn thì lễ hội sẽ mất cái hưng phấn, mất dấu ấn truyền thống. Truyền thống đó là tốt đẹp nhưng phải tổ chức làm sao để nó thể hiện sự văn minh mới quan trọng.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG