Chế Linh - U70 tự tin xuyên Việt

Chế Linh - U70 tự tin xuyên Việt
TP - Về nước vào 2007 và 2008 để tham dự các lễ hội lớn của người Chăm, nhưng phải tới 21-10 này, Chế Linh mới chính thức hát trên sân khấu trong nước. Người được xem là chủ soái dòng nhạc vàng trò chuyện với PV Tiền Phong.

Chế Linh: Những con đường đều trở lại Việt Nam

Anh công nhận cách hát của mình ảnh hưởng từ dân ca Chăm. Dù bận rộn, Chế Linh vẫn đóng góp vào công tác bảo tồn văn hóa Chăm trong giới trẻ ở hải ngoại.

Anh chuẩn bị thế nào cho chương trình xuyên Việt đầu tiên?

Cũng vì tầm quan trọng của việc xuất hiện tại quê hương lần này nên tôi phải về trước một tháng lo từ ban nhạc cho đến các vấn đề khác rất kỹ lưỡng để không phụ lòng khán giả.

Anh có chút gì hồi hộp căng thẳng?

Trước khi về nước, vấn đề giấy phép đều đã thông qua. Coi như không phải lo lắng nữa. Chỉ lo sắp xếp công việc. Tôi rất hài lòng vì mặc dầu không phổ biến rộng cho bà con bạn bè nhưng tới sân bay thì thấy những người ái mộ, những người thương vẫn còn dành cho tình cảm dạt dào. Điều đó cho tôi niềm tin, không có gì phải dao động trong những việc mình đang làm.

Dự kiến anh sẽ hát khoảng 20 bài. Anh đã chuẩn bị sức khỏe thế nào để đáp ứng lượng bài tương đối nhiều như thế?

(Cười) Chế Linh luôn nhắc nhở mình cũng như những người bạn hay đàn em theo nghề phải luôn trau dồi, tập dượt, sẵn sàng ra sân khấu bất cứ lúc nào được mời.

Anh đã luyện tập thế nào để có được lối hát riêng đặc trưng như vậy?

Người ta thường nói Chế Linh hát bi đát sầu não quá, nhưng đó là do mỗi ca sĩ phải chọn lối biểu diễn riêng để đưa chất giọng của mình đến người nghe. Chế Linh chọn tình cảm tha thiết hơn. Nghiên cứu kỹ mỗi bài hát, tôi thấy cần phải diễn đạt cho tới. Không phải bài nào mình cũng hát rã rời như vậy.

Ca sĩ Duy Khánh có phần đóng góp giúp anh có được cách hát đó?

Tôi có âm nhạc ở trong người từ hồi bé, do đàn anh đã cho căn bản rồi. Bước vào Sài Gòn dĩ nhiên hẵng còn bỡ ngỡ lắm, tôi tìm tới những người có thể học hỏi. Đầu tiên là anh Duy Khánh. Anh sẵn sàng trao đổi hướng dẫn và cho Chế Linh gặp gỡ nhạc sĩ như anh Thu Hồ, Châu Kỳ, Mạnh Phát…- những người có thể hướng dẫn Chế Linh và viết theo lối hát Chế Linh.

Mình là dân Chăm, thuở đầu cũng lo ngại sợ sệt khi bước làng nghệ thuật. Nhưng mình nghĩ chỉ có văn nghệ mới có thể đem tình cảm con người đến với con người, giữa dân tộc này với dân tộc khác gần gũi nhất. Nên Chế Linh bỏ qua tất cả sợ hãi, lo âu để xông vào, để làm thế nào tạo sự kết hợp giữa 2 dòng văn hóa gần gũi hơn chút xíu. Từ những điều tôi làm được, mong con em Chăm sẽ mạnh dạn hơn khi làm con đường nghệ thuật.

Vì sao anh lấy tên khác khi viết bài hát? Bút danh Tú Nhi có ý nghĩa gì?

Tôi quan niệm ca sĩ không nhất thiết phải hát nhạc của mình. Chế Linh không thể nào hát bài của Chế Linh vì tôi nghĩ những nhạc sĩ khác đem bài cho Chế Linh sẽ nghĩ Chế Linh không truyền tải một cách đúng mức bài hát của họ bằng bài do chính Chế Linh viết. Cho nên phải giấu tên mình đi. Có người đoán Tú Nhi là người yêu của Chế Linh. Thực sự Tú Nhi chỉ là “một đứa bé trẻ” thôi.

Anh có giúp được nhiều cho 7 người con trai đều theo con đường âm nhạc?

Đạo đức của một nghệ sĩ, tôn trọng khán giả, tôn trọng chính mình, phải giữ sức khỏe và phải chung thủy với nghề nghiệp của mình- là những điều tôi dạy các con. Luyện giọng cho hay cũng cần thiết nhưng không khó đối với tôi. Khó nhất làm sao ứng xử từ gia đình ra xã hội không bị lợn cợn, không bị tai tiếng.

Thời điểm này anh đã được về nước hát, làm chương trình lớn, và vẫn được khán giả yêu mến. Anh còn mong mỏi ước ao gì nữa?

Tuổi này tôi cũng mong mỏi sẽ có một ngày nghỉ ngơi để nhường chỗ cho các con, nhưng khán thính giả chưa cho phép. Giờ phút này ước vọng của tôi là nhường bước cho các con tiếp nối. Tôi cũng mong các con tôi sẽ làm được một chút xíu nào đó để khán giả đã yêu thương tôi không bị xúc phạm.

Thời của anh, người hâm mộ bày tỏ tình cảm thế nào?

Được ái mộ Chế Linh thấy hạnh phúc rồi. Đồng thời tôi không ngần ngại bất cứ buổi gặp gỡ nào với các fan. Cũng có người nói ái mộ, thương mến mình, mời đến sinh hoạt rồi thì lại trách mắng mình hoặc lại muốn kích động mình vấn đề này khác, thì tôi cũng giải quyết tất cả việc đó, biến họ trở thành bạn. Đó là điều Chế Linh đã gặp rất nhiều thời trước 1975 tại Sài Gòn.

Ở hải ngoại Chế Linh chưa bao giờ gặp chuyện đó. Chỉ có lần bên Thụy Sĩ, khi hát xong, người ta tới xin chữ ký. Mình cứ nghĩ người ta ái mộ thì đâu có gì ầm ĩ, cứ đứng say sưa ký thôi. Rồi người này kéo người kia kéo một hồi áo mất đi. Có hộ chiếu trong đó thì họ đem trả lại, rồi xé mỗi người một miếng áo vest. Xong lại đem miếng áo tới cho tôi ký vào. Hồi đó là 1984.

Chúc anh thành công trong chương trình có ý nghĩa đặc biệt này.

Chế Linh tên thật là Yamlan (thường được đọc là Chà Len), sinh năm 1942 tại paley Hamu Tanran, (nay thuộc làng Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận).

Năm 1959, Chế Linh vào Sài Gòn mưu sinh rồi gắn bó với nghiệp ca hát và nhanh chóng nổi lên với dòng nhạc boléro mà lúc đó quen gọi là nhạc “sến”.

Năm 1972, anh được giải thưởng Kim Khánh - Huy chương Vàng đệ nhất hạng nam ca- do nhật báo Trắng Đen tổ chức. Năm 1980, Chế Linh rời Việt Nam qua Malaysia và sau đó là Toronto- Canada định cư và tiếp tục sự nghiệp ca hát cho đến nay.

Chương trình chủ đề Chế Linh 30 năm tái ngộ khai diễn 21-10 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia tại Hà Nội, sau đó là rạp Trưng Vương- Đà Nẵng (29-10), Nhà Văn hóa Việt-Tiệp, Hải Phòng (5-11), nhà hát Hòa Bình, TPHCM (19-11).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.