Hiện tại, nghiên cứu mới trên chuột cho thấy những gì mà chuột cái ăn trước khi mang thai cũng có thể rất quan trọng.
Thứ mà chuột cái ăn trước khi mang thai đã làm thay đổi về mặt hóa học ADN và những thay đổi này được truyền sang cho con. Thay đổi ADN đã tác động mạnh tới chuyển hóa của nhiều a-xít béo cần thiết ở chuột con.
Tác giả nghiên cứu, giáo sư, bác sĩ Mihai Niculescu, từ Viện Nghiên cứu dinh dưỡng của Trường đại học Bắc Carolina tại Chapel Hill (Mỹ) và cộng sự đã chia chuột cái thành 2 nhóm trước khi mang thai, và nuôi dưỡng chúng bằng một chế độ ăn có kiểm soát hoặc chế độ ăn thiếu a-xít alpha-linolenic (ALA). Họ đã thay một loại chất béo trong chế độ ăn nhưng vẫn giữ nguyên lượng calo. Chuột cái được nuôi cùng chuột đực với chế độ ăn có kiểm soát. Ngay sau khi chuột cái đẻ con, mỗi nhóm chuột ban đầu được chia thêm thành 2 nhóm, mỗi nửa nhóm ban đầu được nhận chế độ ăn có bổ sung dầu hạt lanh (giàu ALA), trong khi nửa còn lại của mỗi nhóm vẫn giữ chế độ ăn tương tự.
Các tác giả đã dùng máu và gan để xem xét nồng độ a-xít béo chưa bão hòa đa (PUFA) và methyl hóa ADN của gen Fads2 (gen điều hòa chuyển hóa PUFA). Họ thấy rằng ở cả 2 nhóm chuột mẹ và chuột con, dầu hạt lanh đã gây ra sự thay đổi về biến thể hóa học của gen Fads2.
Bổ sung dầu hạt lanh làm tăng methyl hóa gen Fads2, lần lượt làm giảm hoạt hóa gen này ở chuột con.
Tuy nhiên, dầu hạt lanh không phải là yếu tố duy nhất tác động dựa vào methyl hóa Fads2 ở chuột con. Kết quả chứng minh rằng bất kể có hấp thu dầu hạt lanh hay không thì vẫn có mối tương quan giữa việc methyl hóa gen này ở chuột mẹ và ở chuột con. Điều này cho thấy chuột con cũng di truyền methyl hóa từ chuột mẹ. Khả năng biến đổi PUFA trong gan của chuột con bị tác động bởi cả chế độ ăn và tình trạng methyl hóa Fads2 của chuột mẹ.
Kết quả có thể tác động sâu sắc tới các nghiên cứu trong tương lai về bệnh tiểu đường, béo phì, ung thư và rối loạn miễn dịch.
Hoàng Thái
Theo Canindia