Thế giới ngày nay là một "bãi rác độc hại" với sự xuất hiện của nhiều hóa chất làm cho người ta có xu hướng thiên về “nữ tính” hơn như bisphenol A (BPA), florit... Các chất này làm gia tăng nồng độ estrogen (hormone sinh dục nữ), dẫn đến lượng testosterone (hormone sinh dục nam) ở nam giới ngày càng suy giảm.
Một nghiên cứu mới đây đã tiết lộ, việc tiếp xúc với các hóa chất này từ trong bụng mẹ có thể làm thay đổi nồng độ testosterone, gây ra các vấn đề về sức khỏe hormone của trẻ trai.
Một nhóm nhà khoa học đến từ Trung tâm Hội đồng nghiên cứu Y tế Sức khỏe Sinh sản của ĐH Edinburgh (Scotland) đã phát hiện ra vấn đề trên sau một cuộc điều tra lý do tại sao một số người đàn ông có mức testosterone cao hơn rất nhiều so với những nam giới khác. Thừa nhận nồng độ testosterone cao là vô cùng cần thiết đối với thể chất và tinh thần của nam giới, các nhà nghiên cứu đã quyết định tìm hiểu xem hormone này bị ảnh hưởng như thế nào trong suốt quá trình người mẹ mang thai.
Họ quan sát một cách đặc biệt đến các tế bào Leydig trong tinh hoàn của nam giới. Tế bào này có nhiệm vụ tạo ra hormone testosterone khi trẻ đến tuổi dậy thì. Cách duy nhất để tế bào Leydig hoạt động là dựa vào các tế bào testosterone gốc mà cơ thể trẻ đã có được nhờ người mẹ truyền sang trong quá trình mang thai. Tuy nhiên, quan sát cho thấy các tế bào Leydig sẽ không hoạt động khi tiếp xúc với quá nhiều estrogen từ người mẹ.
Những trẻ trai được sinh ra từ người mẹ không đủ lượng testosterone thích hợp sẽ có xu hướng kế thừa các tế bào Leydig chức năng thấp về sau. Hậu quả là nhiều người trong số này phải chịu đựng sự mất cân bằng nội tiết tố vĩnh viễn, khiến họ dễ bị béo phì, tiểu đường, bệnh tim và thậm chí bệnh tâm thần.
Giáo sư Richard Sharpe, một thành viên trong nhóm nghiên cứu phát biểu: “Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy chế độ ăn uống, lối sống của người mẹ, việc tiếp xúc với các loại thuốc và hóa chất có thể tác động đáng kể đến nồng độ testosterone trong tử cung. Chúng tôi cần hiểu rõ hơn về các yếu tố này để đưa ra lời khuyên đáng tin cậy cho phụ nữ mang thai để họ có thể bảo vệ sức khỏe cho con mình”.
Vị giáo sư khuyên các bà mẹ mang thai con trai nên tránh ăn đậu nành, tránh tiếp xúc với chất Bisphenol-A (viết tắt là BPA, là một loại hoá chất nhân tạo dùng để sản xuất nhựa PC, loại nhựa làm bình sữa), tránh chạm tay vào giấy biên lai mới in, hạn chế ăn thịt và các sản phẩm từ sữa để giảm nguy cơ gia tăng estrogen.
Ông lý giải cụ thể như sau, đậu nành chứa nhiều kích thích tố nữ có hại cho nam giới. Phụ nữ mang thai tiêu thụ sữa đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành sẽ làm cho đứa trẻ tăng lượng estrogen tự nhiên trong quá trình mang thai. Còn việc chạm tay vào giấy biên lai và uống nước bằng chai nhựa, bình sữa nhựa đều là những sản phẩm chứa nhiều chất BPA, ảnh hưởng đến lượng hormone nam của thai nhi.
Nhìn chung hầu hết hóa chất mà người mẹ hấp thụ trong quá trình mang thai đều ảnh hưởng đến mức độ nam tính của đứa trẻ và dẫn đến nguy cơ bệnh tật trong suốt cuộc đời. Do đó phụ nữ mang mang được khuyên nên chú ý hơn đến chế độ ăn uống, sinh hoạt để bảo vệ sức khỏe của con mình.
Theo Thi Trân