TPO - Một nghiên cứu mới đây của nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Nottingham đã chỉ ra rằng chế độ ăn nghèo protein của người cha sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng. Đây là yếu tố tác động trực tiếp đến sức khỏe của con cái họ một cách lâu dài.
Một nghiên cứu mới đây được tiến hành tại Đại học Nottingham, Anh. Nhóm nghiên cứu đã cho những con chuột đực ăn một chế độ ăn nghèo dinh dưỡng. Kết quả là những con non của nhóm chuột đực này sẽ dễ bị thừa cân, đái tháo đường type 2 và giảm thiểu sự biểu hiện của gen điều hòa chuyển hóa chất béo khi chúng trưởng thành. Nghiên cứu này đã được công bố trên Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia. Nó cho thấy rằng chất lượng thấp của tinh trùng và tinh dịch từ những chuột đực có chế độ ăn nghèo dinh dưỡng đều có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của con cái chúng.
Chế độ ăn của người cha sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của con cái.
Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tinh trùng của những người đàn ông thừa cân, hút thuốc, uống nhiều rượu hoặc bị đái tháo đường type 2 thường có chất lượng thấp hơn của những người đàn ông khỏe mạnh. Tuy nhiên, chúng ta chưa có nhiều hiểu biết về mối quan hệ giữa lối sống của người cha và sức khỏe lâu dài của con cái họ. Qua việc sử dụng mô hình trên chuột, nghiên cứu mới này đã giúp chúng ta có thêm những hiểu biết về mối quan hệ giữa chế độ ăn nghèo dinh dưỡng của người cha với sự phát triển và chuyển hóa dinh dưỡng của con cái. Phó giáo sư, tiến sĩ Adam Watkins, Khoa Sinh học Sinh sản Đại học Nottingham, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu nói rằng: “Sẽ là rất tốt nếu phụ nữ trước và trong thai kỳ được chăm sóc dinh dưỡng hợp lý, và sẽ là tốt hơn nếu chồng của họ cũng được chăm sóc như vậy. Nghiên cứu của chúng tôi đã tìm ra rằng chế độ dinh dưỡng của người cha sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của con cái. Trong nghiên cứu, chúng tôi cũng bước đầu khám phá ra vì sao lại có điều này”.
Phó giáo sư, tiến sĩ Adam Watkins, Khoa Sinh học Sinh sản Đại học Nottingham.
Nghiên cứu của Adam, khi thực nghiệm trên chuột đã phát hiện ra rằng đối với chuột đực có chế độ ăn uống nghèo protein, tinh trùng của chúng sẽ có ít nguyên liệu để tổng hợp nên các DNA điều hòa. Điều này khiến cho những tinh trùng này sau khi thụ tinh sẽ phát triển thành một cơ thể dễ bị những bệnh chuyển hóa như thừa cân, đái tháo đường.
Nghiên cứu được tiến hành trên chuột.
Nhà nghiên cứu cũng quan sát thấy rằng tinh dịch của chuột đực góp phần ức chế phản ứng viêm và miễn dịch trong tử cung chuột mẹ, điều này vô cùng cần thiết để cơ thể mẹ sẽ không đào thải thai nhi. Vì thế, ông tin rằng sức khỏe của thai nhi còn phụ thuộc vào phản ứng giữa tinh dịch và lớp nội mạc tử cung của người mẹ, nơi thai nhi phát triển.
Theo Daily Science