'Chạy' trường lớp, 'chạy' cả giáo viên
> Tiền chạy trường leo thang
> Vào lớp một như... thi hoa hậu
Không chỉ “chạy” trường, khá nhiều phụ huynh còn tìm cách đưa con vào học đúng lớp do giáo viên mà mình ưng ý phụ trách.
“Nhà tôi ở Q.4 nhưng đi làm ở Q.Phú Nhuận, bé vào lớp 1 theo đúng tuyến sẽ vào Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.4. Nhưng tôi đi làm đến 18g mới xong việc, không thể 16h chạy từ Q.Phú Nhuận về Q.4 đón con rồi... lại đi làm tiếp”. Đó là lý do khiến chị Kim Anh tìm cách “chạy” cho con vào Trường tiểu học Cổ Loa, Q.Phú Nhuận, TP.HCM.
Chọn cô trước, chọn trường sau
Ít cơ hội
Bà Võ Ngọc Thu, trưởng Phòng GD-ĐT Q.5, khẳng định: “Những trường hợp chạy hộ khẩu sẽ có rất ít cơ hội được vào trường mình muốn.
Cụ thể, học sinh mới nhập hộ khẩu vào Q.5 từ tháng 1-2011 sẽ do hội đồng tuyển sinh của quận phân bổ.
Chúng tôi đã hướng dẫn các hiệu trưởng cần bố trí người trực ở trường để hướng dẫn, giải thích, tư vấn cho phụ huynh về tuyển sinh, tránh tình trạng phụ huynh thiếu thông tin rồi đi tìm “cò” nhờ vả, đưa tiền cho họ, cuối cùng tiền mất tật mang”.
Trong khi đó: “Q.1 vẫn sẽ áp dụng chính sách ưu tiên về thời gian nhập hộ khẩu như năm trước. Tức là học sinh nhập hộ khẩu vào Q.1 từ khi mới sinh sẽ được ưu tiên tuyển vào trường đúng tuyến, sau đó mới đến diện học sinh nhập hộ khẩu những năm sau, tính theo thứ tự năm nhập hộ khẩu” - ông Đinh Thiện Căn, trưởng Phòng GD-ĐT Q.1, thông báo.
Trong khi đó, dù rất muốn cho con mình vào học tại Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 nhưng anh L.T.Thành vẫn “ra điều kiện” với người chị hiện đang công tác ở UBND Q.1: “Chị lo cho cháu được học lớp cô V. trước đã. Đã chạy thì chạy cho bõ công”.
Tương tự, nghe bạn bè nói cô T. ở Trường tiểu học Lê Ngọc Hân, Q.1 dạy rất hay, chị X. - nhà ở P. Bến Nghé, Q.1 - nhờ người quen xin cho con mình vào lớp 1 do cô T. phụ trách ở Trường Lê Ngọc Hân.
Thậm chí để giữ chỗ, chị còn xin cho con mình được học kèm tại nhà của cô.
“Thế nhưng, năm học mới cô nghỉ sinh mất rồi, không biết nhà trường sẽ phân công cô dạy ra sao. Vì không chắc chắn được học cô T. nên tôi không xin cho cháu vào Trường Lê Ngọc Hân nữa” - mới đây chị X. đã quyết định như thế.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng “chạy” trường trước mùa tuyển sinh năm nay khá “nhộn nhịp”.
Tuy nhiên, việc “chạy” hộ khẩu chỉ là công đoạn cần chứ chưa đủ và đã trở nên tầm thường. “Có thể trường đó rất tốt nhưng không phải 100% giáo viên ở đó đều tốt. Vì thế, đã chạy trường thì phải chạy luôn cả... lớp” - chị Hồng Lương, phụ huynh ở Q.Gò Vấp, cho biết.
Vì vậy, năm nay dù đã cầm chắc một chỗ học tại Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn, Q.3 nhưng chị Lương vẫn tha thiết nhờ người quen “gửi cháu vào lớp của cô khối trưởng khối 1. Nghe nói cô này rất nhiệt tình với học sinh, rèn chữ cho học sinh đẹp lắm”.
Cô H. - giáo viên lớp 1 tại một trường khá nổi tiếng ở Q.1 - kể: “Mấy năm gần đây, cứ cuối mỗi năm học là tôi nhận được điện thoại của phụ huynh đề nghị “xin cho bé được học lớp của cô”.
Tôi giải thích việc xếp lớp do ban giám hiệu trường quyết định chứ giáo viên không thể can thiệp, vậy mà họ vẫn năn nỉ “nhờ cô nói một tiếng cho bé được học lớp của cô”. Có người còn tìm được cả nhà riêng của tôi nữa”.
Tương tự, cô P. - giáo viên lớp 1 ở Q.3 - liên tục nhận được lời đề nghị của phụ huynh: “Dạy kèm cho cháu trong ba tháng hè để cháu có nề nếp vào lớp 1”. Năm 2010, có hơn 20 cháu xin học. “Thậm chí hết ghế ngồi, phụ huynh tự nguyện đóng bàn ghế mang đến cho con mình ngồi học” - cô P. tâm sự.
Kỳ nghỉ hè kết thúc, cô mới biết mục đích của phụ huynh: “Cháu nó học cô quen rồi, cũng mến tay mến chân. Thôi cô xin hiệu trưởng nhà trường cho cháu nó được học lớp của cô nhé?”.
Coi chừng “tiền mất tật mang”
Năm 2010, Báo chí từng phản ánh việc mười phụ huynh đã cùng bỏ tiền ra để “chạy” hộ khẩu cho con vào học Trường tiểu học Bàu Sen, Q.5 nhưng cuối cùng tiền mất mà con mình không có tên trong danh sách.
Quá bức xúc, các phụ huynh đã đi kiện nhưng sự việc vẫn không thay đổi. Phòng GD-ĐT Q.5 đã gạt tên những học sinh này và sắp xếp qua học trường khác trên địa bàn Q.5 với lý do “một hộ gia đình có đến mười em cùng 6 tuổi” và “Trường Bàu Sen đã kín chỗ”.
Một cán bộ đang làm việc trong ngành giáo dục Q.1 đã kể với chúng tôi câu chuyện của chính người thân mình: “Ông anh họ của tôi gọi điện than thở mất 17 triệu đồng mà không thấy tên con mình trong danh sách học sinh lớp 1 một trường tiểu học có tiếng ở Q.1.
Tôi hỏi: anh đưa tiền cho ai? Anh ấy bảo đưa cho cô bạn học chung thời phổ thông, cô ta khoe có quen với hiệu trưởng trường này. Tức tốc gọi cho trường thì cô hiệu trưởng trả lời “không biết gì về chuyện này”.
Giận quá, yêu cầu ông anh họ liên hệ với cô bạn thì cô ta nói dối: có đưa tiền nhờ một người quen khác xin giùm nhưng năm nay trường đông quá, không xin được. Cuối cùng đành chịu mất 17 triệu đồng”.
Ông Đinh Thiện Căn - trưởng Phòng GD-ĐT Q.1 - đưa ra lời khuyên: “Nếu phụ huynh có nhu cầu, hãy liên hệ thẳng với nhà trường rồi nộp đơn ngoài tuyến. Tùy từng trường hợp nhưng hằng năm chúng tôi đều có giải quyết cho học sinh học ngoài tuyến để tạo thuận tiện cho phụ huynh đưa đón con em”.
Tìm nhau
Một hiệu trưởng ở Q.1 kể có giáo viên xin nguyên cả danh sách gần 30 học sinh, có họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ... để vào lớp mình chủ nhiệm. Học sinh mới chuẩn bị vào lớp 1 chưa biết lực học của các em như thế nào mà đã có cả danh sách như thế - hoặc là do quen biết, hoặc do phụ huynh nhờ vả...
“Tình trạng này đã tạo nên một tiền lệ không hay trong ngành. Đó là phụ huynh truy tìm giáo viên giỏi và ngược lại giáo viên đi truy tìm phụ huynh khấm khá.
Tâm lý giáo viên ai cũng muốn chọn phụ huynh khá giả, họ có điều kiện chăm sóc con mình đầy đủ hơn, quan tâm hơn đến việc học của con em, học sinh sẽ học tốt hơn, ngày lễ tết họ chăm sóc cô giáo cũng chu đáo hơn” - vị hiệu trưởng kết luận.
Theo Hoàng Hương
Tuổi Trẻ