Chạy theo 'phong trào' lao đao vì nợ

Chạy theo 'phong trào' lao đao vì nợ
TP - Tại một địa phương ở Hà Nội việc xây dựng nông thôn mới đang bộc lộ nhiều bất hợp lý. Điển hình là tình trạng “đua nhau” xây hạ tầng dẫn đến nợ đầm đìa trong xây dựng cơ bản và chậm nâng cao thu nhập cho nông dân...

> Làm ít, Tiền nhiều - đánh liều 'ôm nợ'
> Từ Liêm bị tố làm sai số liệu 2 quận mới
> Hà Nội có thêm 28 tuyến phố mới

Đường hỏng, chợ hoang…

Về xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ những ngày đầu đông này vui buồn đan xen. Trụ sở UBND xã, trường THCS, tiểu học, mầm non, trạm y tế đều được xây dựng khang trang hiện đại. Tuy nhiên, chỉ đi một vòng ra các tuyến đường liên thôn và vào thực địa tại nhiều công trình mới thấy một thực trạng trăn trở.

Ông Nguyễn Tài Quý trú tại thôn Chúc Đồng 2 dẫn chúng tôi đi dọc tuyến đường từ dốc đê đội 2 qua thôn Chúc Đồng 2, Chúc Đồng 1, trạm bơm mới. Chỉ một đoạn chừng hơn 1 cây số có tới 5 điểm lún nứt khá nặng trên diện tích hàng chục mét vuông mặt đường bê tông. Riêng đoạn đi qua nghĩa trang lớp bê tông và đá cấp phối lót đường không còn, trơ hố sâu lầy lội nước bùn ngập cả nửa bánh xe.

Tại nhiều tuyến đường liên thôn khác của Thụy Hương cũng xảy ra tình trạng này. Ngay trung tâm xã, chợ Thụy Hương được đầu tư cả tỷ đồng nhưng khi xây xong lại bỏ hoang do người dân không vào kinh doanh.

Anh Nguyễn Hữu Thịnh, trú tại thôn Chúc Đồng 2 phản ánh, hệ thống cung cấp nước tưới cho ruộng rau màu đầu tư từ nguồn vốn nông thôn mới khá lớn nhưng thiếu đồng bộ nên hoạt động rất ì ạch và kém hiệu quả. “Tôi chưa bao giờ sử dụng đường ống này để lấy nước tưới. Lý do là nhiều đoạn của đường ống đã hỏng, bị lấy cắp van” - anh Thịnh nói.

Theo ông Mạc Đình Được, Phó Chủ tịch UBND xã Thụy Hương, hầu hết các công trình khởi công đồng loạt vào tháng 9/2009 đến tháng 11/2011 và triển khai rải rác đến nay. Sau 2-3 năm triển khai, nhiều hạng mục công trình đầu tư xong đã bắt đầu xuống cấp, cần duy tu bảo dưỡng thường xuyên.

Cải thiện thu nhập chậm

Cải thiện thu nhập cho người dân theo những tiêu chí nông thôn mới là điều được người dân hết sức quan tâm. Anh Nguyễn Hữu Thịnh cho hay, gia đình anh có tổng cộng 8 sào gồm cả ruộng nước và rau màu. Khi mới triển khai mô hình nông thôn mới, gia đình anh hưởng ứng trồng khoai tây, cà chua nhót, ớt... theo chương trình phối hợp của xã nhưng hiệu quả kinh tế thấp.

“Đơn vị thu mua trả 4.000 đồng/1 kg khoai tây, trong khi ngoài chợ bán được 7.000 đồng/kg. Vậy chúng tôi làm chương trình rau sạch làm gì? ”, anh Thịnh nói về nghịch lý. Sau một thời gian ngắn, nhiều mô hình chuyển đổi trong nuôi trồng của Thụy Hương liên tục gặp khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND xã Thụy Hương Mạc Đình Được cho rằng: Từ thực tế tại Thụy Hương, cần phải xem xét lại về tiêu chí, cần phải có lộ trình ít nhất trong 5 năm mới có thể nâng cao thu nhập cho người dân. Từ năm 2009 đến nay giá trị về sản xuất có thay đổi nhưng chưa nhiều.

“Tôi cho rằng phải làm dần dần chứ không thể có chuyện làm một hai năm mà đột phá xong ngay được. Xây dựng nông thôn mới không thể dàn trải mà phải chọn điểm để đầu tư” - ông Được kiến nghị.

Theo báo cáo của xã thì đến nay sau 4 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, thu nhập của người dân vẫn chỉ đạt trung bình 23 triệu đồng/năm.

Nhiều hạng mục vượt dự toán!

Lý giải nguyên nhân nợ xây dựng cơ bản lên tới gần 60 tỷ đồng, ông Mạc Đình Được cho rằng, đó là do việc đấu giá đất xen kẹt thất bại và 14.000 m2 đất đến nay vẫn tình trạng đắp chiếu, không có người mua.

“Trước đây khi bất động sản nóng, có những lô giá lên tới 20 triệu đồng/m2 thì nay chỉ xuống còn vài triệu cũng không có người mua. Hội đồng đấu giá đất đã phải giảm giá sàn khá nhiều mà vẫn không bán được. Trong khi kỳ vọng ban đầu là thu được 100 tỷ đồng từ khoản này”-ông Được cho hay.

Một nguyên nhân khác gây ra tình trạng nợ nần đầm đìa tại Thụy Hương đó là hầu hết các hạng mục dự án đều phát sinh vượt xa so với dự toán. Đề án được duyệt ban đầu có tổng đầu tư là 105,87 tỷ đồng nhưng thực tế kinh phí đã phê duyệt đầu tư đến nay đã lên tới 137,66 tỷ đồng.

Trong đó kinh phí đã huy động được để thực hiện đề án chỉ là 68 tỷ đồng (đã giải ngân được 65,85 tỷ đồng). Như vậy số tiền còn nợ các nhà thầu đến thời điểm hiện tại là khoảng trên 60 tỷ đồng. Đó là chưa kể phần nợ phát sinh từ các hợp đồng với nhà thầu trong trường hợp bị phạt chậm thanh toán.

UBND huyện Đan Phượng cho biết, trong 38 dự án đầu tư ngoài kế hoạch tính đến tháng 12/2013 dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản trên địa bàn có một phần lớn là do huyện muốn đẩy nhanh hoàn tất đầu tư nông thôn mới tại 14 xã vào năm 2015.

Trao đổi với PV Tiền Phong về tình hình triển khai xây dựng nông thôn mới tại xã Thụy Hương, ông Đỗ Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho rằng đang có tình trạng xây dựng nông thôn mới kiểu “phong trào”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.