Chạy theo lợi ích trước mắt

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hai trận mưa đầu mùa đã khiến nhiều tuyến đường Hà Nội biến thành sông. Các dự án thoát nước cho Thủ đô với số tiền đã đầu tư lên tới hơn 20 nghìn tỷ đồng đã không phát huy hiệu quả với một lý do được đưa ra là “mưa bất thường vượt công suất thiết kế”.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính yếu là quy hoạch thoát nước Hà Nội vừa yếu vừa chậm triển khai lại không được các cơ quan chức năng ở Hà Nội thừa nhận và nhắc tới.

Hệ thống thoát nước của Hà Nội kế thừa quy hoạch thoát nước của người Pháp trước năm 1954. Đến những năm 2000, Nhật Bản giúp thiết kế quy hoạch thoát nước bài bản hơn. Nhưng việc triển khai các dự án thoát nước của cả hai giai đoạn đều ì ạch, và khi hoàn thiện thì đã quá “lạc hậu” so với thực tế phát triển đô thị, nhất là khi đô thị ngày càng bị nén bởi những đại dự án nhà cao tầng.

Chạy theo lợi ích trước mắt ảnh 1

Tác giả Hà Nhân

Theo lãnh đạo Cty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, hiện hệ thống thoát nước (gồm mương, cống, hồ điều hòa, trạm bơm…) chỉ đáp ứng tiêu thoát nhanh với các trận mưa có cường độ đến 50mm/2 giờ. Tuy nhiên, trận mưa vừa qua đã vượt hơn gấp 3 lần năng lực của hệ thống tiêu thoát nước thành phố. Hai dự án thoát nước nghìn tỷ thiết kế và triển khai từ hơn 10 năm trước, đến năm 2017 chính thức xong thì cũng là lúc “hết giá trị” bởi quá lỗi thời so với sự phát triển của Thủ đô và sự bất thường của thời tiết. Giá trị của những bản quy hoạch và dự án thoát nước đáng ra phải tính toán trong chu kỳ 20 - 30 năm nhưng thực tế lại không “đẹp” như vậy.

Sáng qua, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà đề xuất Hà Nội có thể học Nhật Bản xây những hầm chứa nước tại các sân vận động, cánh đồng phòng khi mưa quá lớn. Tại những quán trà ven đường vừa hết ngập, người dân bàn tán sôi nổi về đề xuất này. Người ủng hộ, người lắc đầu ngao ngán. Bởi thực tế, số liệu từ Sở TN&MT Hà Nội cho thấy, trong giai đoạn 2015 - 2020, diện tích mặt nước tự nhiên đô thị của Thủ đô đã giảm 203,6 ha. Diện tích mặt nước và diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp dần do tốc độ đô thị hóa nhanh ở Hà Nội, nhiều ao hồ đã được san lấp để làm quỹ đất phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật, chưa kể tình trạng người lấn chiếm diện tích mặt nước để kinh doanh khai thác… Nhiều hồ nước đang tiếp tục nằm trong kế hoạch san lấp để xây dựng đô thị, như tại quận Hoàng Mai, Long Biên. Theo bản đồ năm 1958, Hà Nội có đến 40- 50% diện tích ao hồ. Đây là những “lá phổi xanh” giúp làm mát, thanh lọc không khí, giảm bụi, giảm tiếng ồn, tiêu thoát nước... nhưng hiện nay còn lại bao nhiêu hồ trong số này.

Trong khi đó, hàng trăm dự án khu đô thị được xây dựng và đi vào hoạt động, nhất là khu vực phía Tây Hà Nội nhưng lại thiếu đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật của khu đô thị với hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực dẫn tới tắc đường, ngập úng là không tránh khỏi.

Như vậy để thấy, nếu tiếp tục đổ hàng nghìn tỷ đồng cho các dự án thoát nước, nhưng không có bàn tay của “nhạc trưởng” triển khai đồng bộ trong phát triển đô thị và yêu cầu đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng thoát nước, đơn thuần chạy theo lợi ích trước mắt của các nhà đầu tư bất động sản thì Hà Nội còn ngập nữa, ngập mãi.

MỚI - NÓNG